“Hồi mới giải phóng gạo được xem là sản phẩm vô giá, có tiền cũng không mua được. Giai đoạn đó chủ trương của Đảng là tập trung cho an ninh lương thực. Đây là chủ trương rất đúng và hợp lý. Tuy nhiên những năm gần đây khi gạo đã sản xuất rất dễ, rất nhiều mà vẫn yêu cầu sản xuất gạo hoài thì tôi nghĩ đó không phải là làm kinh tế”, đó là chia sẻ của GS.TS Võ Tòng Xuân với Đại Đoàn kết.
Theo GS Võ Tòng Xuân, biến đổi khí hậu (BĐKH) là một thực tế không cưỡng lại được. Hoạt động của con người đang làm cho tình trạng BĐKH ngày càng tồi tệ hơn. Thực tế cho thấy phải sống chung với BĐKH, cũng giống như ông bà xưa “sống chung với lũ”.
Vẫn theo GS Võ Tòng Xuân, triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH, đặc biệt ứng phó với mùa hạn, mặn năm nay, các địa phương cùng người dân đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ… đạt hiệu quả. Nhiều địa phương phát huy được vai trò điều tiết nước các công trình thủy lợi giúp người dân củng cố niềm tin khắc phục được thiên tai hạn, mặn. “Có thể nói NQ120 của Chính phủ tuy hơi trễ nhưng là một quyết sách rất tốt, không chỉ khiến nông dân mà chính quyền phải đặc biệt quan tâm. Bây giờ không còn lúc để “ép” nông dân trồng lúa nữa mà làm sao nâng cao lợi tức người nông dân bằng cách bớt trồng cây lúa lại, thay vào đó là cây trồng khác phù hợp với thế mạnh và đặc thù của từng vùng”- GS Võ Tòng Xuân nói.
PV: Vậy theo GS, sắp tới hướng thay thế cây lúa tăng thu nhập cho nông dân, vùng ĐBSCL có thể có cây trồng nào hiệu quả bền vững?
GS Võ Tòng Xuân: Muốn người dân tăng thu nhập và ổn định phát triển sản xuất trong thời kỳ BĐKH không thể để cho nông dân tự làm được. Nhà nước phải nhúng tay vào một cách mạnh mẽ hơn, nếu để cho nông dân tự phát sẽ lại làm ăn nhỏ lẻ, người nông dân không thể nào làm giàu được.
Chúng ta phải có nhiều nhà doanh nghiệp (DN) và phải tạo điều kiện để DN được đi học hỏi, thăm dò và ký kết, mở thị trường cho các sản phẩm mới. Sau đó các DN này mới đưa ra được các dự án và phối hợp với các địa phương sản xuất ra sản phẩm phù hợp với đặc thù từng vùng, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đối với nông dân, chính quyền địa phương phải tích cực vận động họ vào HTX hay tổ, nhóm hợp tác, đồng thời kêu gọi bộ phận thương lái tham gia vào quy trình sản xuất làm chuỗi cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy. Như vậy sẽ không còn tình trạng đi thu mua hay gom hàng nhỏ lẻ, không còn tình trạng sản xuất manh mún, phải hướng đến sản xuất lớn.
Hiện nay đang có một giống cây trồng có thể thay cho cây lúa ở một số vùng trong tương lai nhằm tăng thu nhập cho người nông dân đó là cây bobo sinh khối. Trái cây sẽ phục vụ chăn nuôi, còn thân cây sẽ thay thế cây mía vừa ép để lấy siro, đồng thời thân cây đó sẽ đưa vào lò hơi đốt lên để vận hành tua pin phát điện, bán điện cho điện lưới quốc gia. Hiện cây bobo sinh khối đang được trồng thí nghiệm nhiều ở An Giang, tới đây sẽ nhân rộng ở Bạc Liêu. Hướng tới sẽ thay thế nhiệt điện bằng điện sinh khối, giá điện vừa rẻ vừa đảm bảo môi trường.
Hiện bà con đang còn phân vân về hiệu quả và công năng của cây bobo sinh khối. Tuy nhiên với những đặc điểm như thích ứng với BĐKH và dễ sản xuất, tiết kiệm chi phí sản xuất cây bo bo sinh khối đang là cây trồng có thể thay thế cây lúa một số vùng. Cây bobo sinh khối được xem là cây trồng mang tính lâu dài, bền vững vì người dân không thể sống thiếu điện và hướng sẽ thay đổi từ nhiệt điện sang điện sinh khối. Các địa phương thấy được giống cây trồng mới này có thể thay thế cây lúa họ rất mừng.
Nói chung, phải nhanh chóng chấm dứt phát triển tự phát hay nền kinh tế giải cứu. Phải đẩy mạnh sản xuất tập thể, tập đoàn để cung ứng nguyên liệu cho các doanh nghiệp. Còn nông dân muốn giàu hơn nữa thì lập ra các DN tự mình tiêu thụ sản phẩm của mình làm ra.
Theo GS, chúng ta không nên ngồi trông chờ khách hàng, thị trường tìm đến sản phẩm mà sản phẩm phải tự đi tìm thị trường tiêu thụ?
- Thời gian qua, chủ yếu các DN hay chính quyền địa phương chỉ “bó rọ” một chỗ chờ người ta đến hỏi mình có gì không rồi mới đi gom các sản phẩm đưa cho họ xem, như vậy không được. Mình phải chủ động có cái gì khoe cái đó, bên cạnh đó tổ chức trồng cho tốt để đi đến các nước triển lãm, giới thiệu các sản phẩm của mình làm ra.
Tôi cho rằng nếu sản xuất tốt nông dân miền Bắc sẽ giàu hơn nông dân miền Nam rất nhiều. Cụ thể như trái vải thời gian gần đây mới lo đi tìm thị trường. Trong khi đây là sản phẩm có thương hiệu và rất chất lượng nhưng chưa được phát huy một cách bài bản. Thời gian qua những người trồng vải vẫn tự bơi tự tìm thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, đến khi họ làm khó mình thì vải ùn ứ ở cửa khẩu không bán được. Có năm người nông dân phải đổ bỏ nhìn rất xót xa.
Tôi cho rằng đến mùa vải chúng ta tung ra khắp thế giới như Thuỵ Sĩ, Thuỵ Điển, Mỹ, Nhật, Hà Lan…lúc đó cả thế giới sẽ thấy được trái vải Việt Nam chất lượng như thế nào. Thực tế thời gian qua Thái Lan rất sợ chất lượng trái vải của chúng ta.
Hoặc củ khoai tây của chúng ta được người dân các nước đánh giá, không củ khoai tây nào ngon như khoai tây Việt Nam, vì chúng ta có khí hậu và thổ nhưỡng rất khác biệt so với các nước phương Tây. Các nước phương Tây họ khai thác và ăn khoai tây đến khoảng tháng 2 là hết, trong khi đây là khoảng thời gian mà chúng ta thu hoạch khoai tây, rất đúng thời điểm để cung cấp cho phương Tây. Thế nhưng thời gian qua chúng ta chưa nắm bắt được cơ hội này để phát triển mạnh ngành hàng.
Hồi mới giải phóng gạo được xem là sản phẩm vô giá, có tiền cũng không mua được. Giai đoạn đó chủ trương của Đảng là tập trung cho an ninh lương thực. Đây là chủ trương rất đúng và hợp lý. Tuy nhiên những năm gần đây khi gạo đã sản xuất rất dễ, rất nhiều mà vẫn yêu cầu sản xuất gạo hoài thì tôi nghĩ đó không phải là làm kinh tế…
Theo GS, đứng trước biến đổi khí hậu ĐBSCL cần có những thay đổi gì để phát triển bền vững?
- Tôi cho rằng, Nhà nước cần phải “nhảy” vào, đồng thời đưa ra những chính sách phù hợp để động viên DN đầu tư, tiêu thụ những nguyên liệu mà người dân của vùng đang sản xuất. Chọn ra những quy trình, phương pháp sản xuất phù hợp với biến đổi khí hậu như ít nước hơn, hay mặn xâm nhập...
Cần xác định sớm những cây trồng vật nuôi thích hợp với BĐKH, từ đó sắp xếp lại, gắn người nông dân và DN với từng vùng đất cụ thể. Công tác quy hoạch trong giai đoạn BĐKH không thể thực hiện như trước đây là mạnh ai nấy làm để rồi không thể lắp ráp lại thành chuỗi thống nhất được. Vì vậy giai đoạn này chúng ta phải tiến hành quy hoạch tích hợp. Muốn làm được điều này, từng địa phương phải xác định được thế mạnh và hướng ra của mình như thế nào.
Theo tôi cần quy hoạch lại thành 3 vùng sản xuất. Vùng thứ nhất, về mặt an ninh lương thực ở vùng ĐBSCL các nhà khoa học, Bộ NNPTNT cũng đã tính toán. ĐBSCL có hơn 2,5 triệu ha đất sản xuất lúa, được phân bổ dọc các tỉnh giáp biên giới Campuchia, kéo dài từ An Giang, Đồng Tháp, Long An và phía Bắc của Tiền Giang và Vĩnh Long, Cần Thơ, Kiên Giang, vùng này chiếm khoảng 950ha, vùng này được xem rất thuận lợi nguồn nước để sản xuất 3 vụ lúa, luôn có nước ngọt không bao giờ nước mặn lên tới, đây chính là vùng an toàn.
Vùng thứ 2 là vùng giữa, thời gian qua người dân trồng 3 vụ lúa nhưng vẫn không có lời. Tôi cho rằng, khu vực này rất phù hợp để sản xuất các loại cây ăn trái cao cấp, ví dụ như xoài, bưởi, sầu riêng, măng cụt, mít, vú sữa, nhãn. Việt Nam là vùng trái cây nhiệt đới, loại trái cây này được người nước ngoài rất thích dùng nhưng thời gian qua mình xem nhẹ thế mạnh này, trong khi công tác giới thiệu, quảng bá sản phẩm rất yếu.
Vùng thứ 3 là vùng ven biển mùa mưa chúng ta vẫn có thể trồng lúa được, mùa mưa trồng 1 giống lúa vừa thơm, vừa cho năng suất cao, sau khi thu hoạch lúa xong đưa tôm, cua, cá kèo vào sản xuất, nếu thực hiện tốt mô hình này thì lợi tức của người dân sẽ rất cao…
Trân trọng cảm ơn giáo sư!