Sau những cây “ATM gạo”, giờ đến xe buýt phát khẩu trang miễn phí đang là hành động thiết thực của những người có tâm với cộng đồng xã hội. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trở lại với diễn biến hết sức phức tạp, việc anh Phạm Quang Anh “khai trương” xe buýt tự động nhả khẩu trang tặng miễn phí cho người dân là hành động rất đáng quý.
Anh Phạm Quang Anh (Giám đốc Công ty CP quốc tế Dony) chính là chủ nhân của chiếc xe buýt màu vàng nổi bật lần đầu hiện diện tại Nhà Văn hóa thanh niên (quận 1, TP Hồ Chí Minh) sáng 6/2. Điều đặc biệt của xe buýt không phải là màu sắc, mà là thông điệp “đeo khẩu trang, đón Tết an toàn” và hệ thống tự động phát khẩu trang miễn phí.
Chiếc xe buýt được “chế” để lắp thêm hai máy cảm ứng tự động nhả khẩu trang phát miễn phí cho người dân. Những người có nhu cầu chỉ cần lần lượt xếp hàng cách nhau 2m, khi đến lượt giơ tay ra sẽ được xịt nước sát khuẩn, giơ tay lần thứ hai sẽ nhận được một túi gồm hai chiếc khẩu trang kháng khuẩn khá “xịn”.
Đây là loại khẩu trang sản xuất từ vải kháng khuẩn, chống giọt bắn, chống thấm nước được kiểm định theo tiêu chuẩn REACH (của Đức). Mỗi chiếc khẩu trang có thể tái sử dụng trong vòng 60 lần. Theo dự kiến, trong đợt một chiếc xe buýt của anh Quang Anh sẽ phát khoảng 100.000 chiếc khẩu trang miễn phí cho người dân.
Sau khi phát khẩu trang tại Nhà Văn hóa thanh niên, xe buýt của anh Quang Anh sẽ lăn bánh tới những địa điểm tập trung đông người, có nguy cơ lây lan đại dịch Covid-19 như bến xe miền Đông, bến xe miền Tây, các khu công nghiệp, khu chế xuất... Dư luận cho rằng, hành động của chủ nhân “Bus khẩu trang” là rất thiết thực góp phần chung tay cùng cộng đồng xã hội phòng chống đại dịch Covid-19.
Không phải tới làn sóng đại dịch Covid-19 lần này, anh Quang Anh mới nghĩ ra chiếc xe buýt tự động nhả khẩu trang phát miễn phí cho người dân. Dự án này đã được anh ấp ủ rất lâu, ngay từ những làn sóng Covid-19 đầu tiên, nhưng do điều kiện cả khách quan và chủ quan nên chưa thể thực hiện được. Phải đến bây giờ ý tưởng thiện lành của Quang Anh mới trở thành hiện thực nên anh rất vui.
Có nhiều người nói anh “hâm” khi “tự dưng” bỏ tiền túi ra mua khẩu trang, “độ” xe buýt thành “Bus khẩu trang”, lắp đặt máy tự động nhận diện phát khẩu trang miễn phí cho người dân. Song, cá nhân tôi và đông đảo những người có lương tri khác không thể chấp nhận lối suy nghĩ vị kỷ, hẹp hòi này. Chẳng phải truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam ta là tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách hay sao?
Nếu làm việc thiện tâm, chung tay góp sức cùng cộng đồng đẩy lui đại dịch chết người mà là “hâm”, có lẽ trên đời này sẽ chẳng tồn tại hai chữ: Lòng tốt. Ai cũng chỉ nghĩ đến bản thân, cốt sao vinh thân phì gia, không cần quan tâm đến những người xung quanh thì có lẽ khái niệm về cái đẹp, sự nhân hậu, lòng trắc ẩn cũng sẽ biến mất khỏi cuộc đời.
Khi đó e rằng xã hội sẽ vô cùng hỗn loạn, bởi mỗi người chỉ nghĩ đến chuyện giành giật mọi thứ cho riêng mình, trộm cướp đạo tặc cũng từ đó mà sinh ra khó bề kiểm soát. Khi đó, liệu mỗi cá nhân có thể yên ổn sống để mà hưởng thụ, để mà lo cho bản thân không? Chắc hắn là không rồi, khi đó chỉ có kẻ mạnh mới có thể tồn tại.
Trong trường hợp cụ thể là đại dịch Covid-19 đang hoành hành, nếu mỗi cá nhân đều bo bo chỉ nghĩ cho riêng mình, không chung tay góp sức cùng cộng đồng xã hội đẩy lui đại dịch chết người này thì tình hình sẽ ngày càng phức tạp, diễn biến xấu đi. Khi đó, sẽ chẳng ai được yên ổn cả, bởi bệnh tật không chừa ai, kể cả người đó giữ cương vị gì.
Phân tích như vậy để thấy rằng, hành động của chủ nhân “Bus khẩu trang” là nghĩa cử cao đẹp cần phải được quý trọng và tôn vinh. Vì người dân nghèo, vì cộng đồng xã hội, anh Quang Anh đã không tiếc tiền bạc để góp chút sức lực của bản thân nhằm đẩy lui đại dịch Covid-19. Cái “hâm” của anh không dễ mấy người có được.
Chỉ là một chiếc xe buýt phát khẩu trang miễn phí, cũng giống như những “ATM gạo” của nhiều người khác, nhưng đó là nghĩa tình của những con người có tâm hồn trong sáng, cao thượng, thấm đẫm chất nhân văn vốn có sẵn trong dòng máu của mỗi người dân Việt Nam, con cháu Lạc Hồng.
Nếu mỗi cá nhân chỉ cần có tư duy “mình vì mọi người” như anh Quang Anh và những người tốt đang có những hành động thiết thực trợ giúp dân nghèo, chung tay chống dịch, thì lo gì không thể khống chế, kiểm soát được đại dịch Covid-19. Những “ATM gạo”, “Bus khẩu trang” chính là một phần tạo nên chiến thắng đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh hiện nay, khi mà vẫn còn những ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, kẻ thù dịch bệnh vẫn còn đang giấu mặt, việc chúng ta có thể chiến thắng để bình an đón Tết, vui Xuân hay không phụ thuộc khá nhiều vào ý thức của mỗi người. Vậy nên thay vì bình phẩm lòng tốt của người khác, hãy đóng góp sức lực vào cuộc chiến với đại dịch Covid-19, để ngăn chặn nó bùng phát rộng trong cộng đồng xã hội.