Thành Điện Hải là di tích có giá trị đặc biệt cả về mặt văn hóa - lịch sử gắn với trận thắng do tướng quân Nguyễn Tri Phương chỉ huy trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thành Điện Hải trước là đồn Điện Hải, xây dựng năm 1813 (Gia Long thứ 12) gần cửa biển Đà Nẵng. Năm 1823 (Minh Mạng thứ 4) đồn Điện Hải được rời vào bên trong đất liền, trên một gò đất cao. Đồn được xây bằng gạch. Năm 1835 (Minh Mạng thứ 15) đồn đổi tên là thành Điện Hải.
Năm 1840, Tham tri Bộ công Nguyễn Công Trứ vào xem xét hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng, sau đó có đề nghị tăng cường phòng thủ các thành Điện Hải, An Hải.
Năm 1847 (Thiệu Trị thứ 7), thành Điện Hải được mở rộng có chu vi 556 m, thành cao hơn 5 m, chung quanh là hào sâu 3 m.
Thành Điện Hải nằm ngay sau lưng toà nhà hành chính thành phố hướng nhìn ra sông Hàn. Thành có 2 cửa, một cửa mở về phía Nam (cửa chính), một cửa mở về phía Đông.
Trong thành có hành cung, có kỳ đài, các cơ sở chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng và được trang bị 30 ụ súng đại bác cỡ lớn. Thành xây bằng gạch theo đề án thiết kế kiểu Vauban, hình vuông.
Hiện nay, Thành Điện Hải tọa lạc ngay cạnh bờ sông Hàn thuộc phường Thạch Thang (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng). Đây là một dấu ấn ghi nhớ truyền thống đấu tranh chống Pháp của nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước, quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ lãnh thổ.
Đây cũng là đồn lũy quan trọng góp phần đánh bại cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Đà Nẵng những năm 1858 - 1860. Một tượng đài uy nghi đã được dựng lên để ghi nhớ công lao của tướng quân Nguyễn Tri Phương, dấu ấn một giai đoạn lịch sử hào hùng của thành phố.
Tháng 9/1858, liên quân Tây Ban Nha - Pháp nã đại bác từ ngoài vịnh đánh vào Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Thành Điện Hải ngay từ buổi đầu đã cùng các thành luỹ khác dọc sông Hàn góp phần đẩy lui các cuộc tiến công của quân địch. Quân đội triều đình và nhân dân Đà Nẵng dưới sự chỉ huy của tướng quân Nguyễn Tri Phương đã phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của quân địch, buộc chúng phải rút lui khỏi Đà Nẵng ngày 23/3/1860.
Ngày 29/3/2018, nhân dịp kỷ niệm 43 năm Ngày Đà Nẵng được giải phóng, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải và khởi công dự án tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích này.
Bảo tàng Đà Nẵng hiện đang nằm trong vùng lõi di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia - Thành Điện Hải.
Bên trong bảo tàng Đà Nẵng có pho tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương được đúc bằng Đồng.
Nguyễn Tri Phương (tên thật là Nguyễn Văn Chương), sinh ngày 21/7/1800 (Canh Thân) quê làng Đường Long (Chí Long), tổng Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Còn tên Nguyễn Tri Phương do vua Tự Đức cải tên (1850), hàm ý nói về con người nghĩa dũng, nhiều mưu chước. Từ đó, Nguyễn Tri Phương trở thành tên chính của ông. Xuất thân trong một gia đình nông dân, không được qua trường lớp, nhưng nhờ trí thông minh và ý chí tự học, tự lập cao, đã làm nên sự nghiệp lớn.
Bắt đầu từ chân thơ lại ở cấp huyện, do tài năng mà được tiến cử lên triều đình Minh Mạng, được thu dụng và lần lượt giữ nhiều chức vụ trọng yếu suốt ba triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.
Ngôi nhà thuần Việt được tái tạo trong bảo tàng để du khách đến tham quan.
Các mô hình vũ khí thời xưa được phục dựng lại trong bảo tàng Đà Nẵng
Chiếc quan tài chạm khắc lạ mắt của dân tộc Cơ Tu (Đông Giang, Quảng Nam) được trưng bày trong bảo tàng Đà Nẵng.
Trong thành Điện Hải cũng đang trưng bày chiếc máy bay trực thăng UH-1 được quân đội Mỹ sử dụng tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng trong chiến tranh Việt Nam. Máy bay này do Quân đội Nhân dân Việt Nam thu được trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1975 tại sân bay Đà Nẵng.