Phát triển nguồn nhân lực được xem là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và các tỉnh nói riêng. Nhận thức tầm quan trọng đó, tỉnh Bình Định đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển đào tạo nguồn lao động cũng như liên kết với các trường đào tạo hỗ trợ lao động có tay nghề cho doanh nghiệp trên địa bàn.
Tham gia vào liên kết đào tạo lao động giúp doanh nghiệp
có được nguồn lao động chất lượng hơn.
Trong nhiều năm qua, UBND tỉnh Bình Định đã có những chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp và bồi dưỡng xây dựng đội ngũ lao động có tay nghề lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả của lao động trên địa bàn toàn tỉnh. Tuy nhiên, hầu hết những doanh nghiệp tuyển công nhân đều chưa qua đào tạo sau đó tổ chức đào tạo một số ngày ngay tại dây chuyền sản xuất theo kiểu “cầm tay chỉ việc” và tiếp tục vừa làm vừa học tại dây chuyền sản xuất. Mặc khác, kỹ năng làm việc của lao động đã qua đào tạo cũng không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Đa số lao động có chuyên môn kỹ thuật khi được tuyển dụng đều được các doanh nghiệp đào tạo lại, bổ sung kỹ năng mới.
Ông Nguyễn Mỹ Quang - Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Định cho biết: Đến nay toàn tỉnh có 36 cơ sở dạy nghề. Trong đó: 2 trường Cao đẳng nghề; 2 trường Trung cấp nghề; 11 Trung tâm Dạy nghề; 9 Trung tâm GDTX-HN; 1 trường trung cấp chuyên nghiệp; 4 Trung tâm khác và 7 Doanh nghiệp tham gia dạy nghề. Kết quả năm 2014, tuyển sinh dạy nghề cho 25.261 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 44,03%; gồm: Cao đẳng nghề tuyển sinh 1.182 người; Trung cấp nghề tuyển sinh 1.039 người; Sơ cấp nghề đào tạo được 17.538 học viên; Tập huấn và dạy nghề dưới 3 tháng cho 5.502 người.
Trong đó: Xã hội hóa dạy nghề là 16.061 người. Theo quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Định được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành 8 khu công nghiệp (chưa tính các KCN trong KKT Nhơn Hội) với tổng diện tích quy hoạch là 1.961 ha. Do đó, nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh Bình Định nên nhu cầu lao động hiện nay và tương lai là rất lớn mà đặc biệt là lao động có tay nghề, lao động chất lượng cao.
Một trong những giải pháp có tính đột phá là đưa doanh nghiệp trở thành một trong những chủ thể tham gia đào tạo nghề. Thay vì doanh nghiệp đứng ngoài, thụ động thì nay họ chủ động tích cực tham gia vào hệ thống này với vai trò là nhà đầu tư và đồng thời cũng là đối tác khách hàng cho chính “sản phẩm” của mình. Theo đó, mô hình “Trường trong doanh nghiệp” nhấn mạnh vai trò “đào tạo” của doanh nghiệp với giáo viên chính là những thợ bậc cao, những kỹ sư lành nghề trong doanh nghiệp kèm cặp hướng dẫn học viên trên những thiết bị máy móc của doanh nghiệp. Học viên sẽ đảm trách những công việc đơn giản đến trung bình. Chương trình học sẽ được phát triển bởi sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Ông Lê Văn Nghinh – Trưởng phòng Dạy nghề của Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Định cho biết: Năm 2015, nhằm đáp ứng nhu cầu lao động cho các nhà đầu từ vào đầu tư tại các KCN của tỉnh thì tỉnh hỗ trợ kinh phí dạy nghề cho 11 doanh nghiệp dạy nghề cho 1.140 lao động; tổng kinh phí là 1.117,49 triệu đồng. 6 tháng đầu năm đã đào tạo được: 620 lao động chuẩn bị nguồn nhân lực sẵn sàng phục vụ nhu cầu cho các doanh nghiệp.
Để có thể tồn tại và phát triển lâu dài, mỗi doanh nghiệp luôn phải tối ưu hoá mọi quyết định đầu tư của mình, trong đó có cả đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực. Ngoài những nỗ lực của cính quyền thì các doanh nghiệp cũng cần có những chiến lược đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp mình để, phù hợp với điều kiện của mỗi doanh nghiệp. Sự thành công của doanh nghiệp chỉ có thể có được nếu doanh nghiệp biết nhìn nhận và đầu tư đúng hướng.