Ngày 16/6, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ LĐTBXH đã tổ chức Hội thảo “Định hướng Xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Báo cáo của Bộ LĐTBXH cho biết, giai đoạn 2011-20120 đặt mục tiêu đào tạo mới trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề khoảng 5 triệu lao động. Thực hiện mục tiêu này Bộ LĐTB&XH, các địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp tuy nhiên đến thời điểm hiện nay dù chưa có thống kê cụ thể xong mục tiêu đào tạo 5 triệu lao động khó đạt được như kỳ vọng.
Đánh giá về thị trường lao động hiện nay, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Quân thẳng thắn cho rằng: Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, khu vực thông qua việc ký kết các hiệp định FTA thế hệ mới. Nhu cầu về lao động có sự thay đổi rõ ràng: Lao động tri thức, có kỹ năng hay chất lượng cao sẽ thay thế cho lao động phổ thông giá rẻ, năng suất thấp. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay, tỉ lệ lao động qua đào tạo quá thấp (21,9% năm 2018), tỉ lệ lao động không có chuyên môn kỹ thuật cao và cơ cấu trình độ lao động còn bất hợp lý.
“Bài toán nguồn nhân lực có kỹ năng đang đặt ra với cả thế giới và Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động tới các mặt kinh tế - xã hội. Đặc biệt, sau dịch Covid-19, việc định hướng GDNN đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp có vai trò quan trọng. Tổng cục GDNN cần coi thị trường lao động là thước đo để tính toán định hướng phát triển GDNN giai đoạn 2021-2030. Trước tiên là đổi mới phương thức quản lý nhà nước”, Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh.
Trước thực trạng trên Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 quy định tại Chương IV GDNN và phát triển kỹ năng nghề mở rộng nhiều vấn đề ngoài Luật GDNN về học nghề, tập nghề, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động... Cùng với thời kỳ dân số vàng là cơ hội vàng cho GDNN hiện nay có thể phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Để GDNN có thể bứt phá và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng các chuyên gia cho rằng, cần có thêm những chính sách, chế tài hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào đào tạo nghề. Hiện nay theo thống kê tính đến Quý I năm 2020, cả nước có 1.914 cơ sở GDNN, bao gồm 399 trường cao đẳng, 462 trường trung cấp và 1.053 trung tâm GDNN, trong đó có 680 cơ sở GDNN tư thục và cơ sở GDNN có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 35,5%)...; Số lượng các cơ sở GDNN thuộc doanh nghiệp còn ít, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của bản thân doanh nghiệp. Chính vì vậy trong quá trình định hướng xây dựng chiến lược phát triển GDNN cần có những ưu tiên, chính sách để thu hút doanh nghiệp tham gia vào đào tạo GDNN…