Một cậu bé được nhìn thấy đang đi lại trên đường phố của Kirkuk (Iraq) trong bộ dạng sợ hãi đã òa khóc khi bị cảnh sát bắt giữ. Người ta đã rất sửng sốt khi phát hiện một dây đai chứa bom tự sát khi cởi chiếc áo bóng đá của cậu bé. Giới chức địa phương cho hay, nghi phạm đánh bom tự sát nhí này chỉ mới 15 tuổi.
Một bức ảnh được IS tung ra hồi năm 2015 về lực lượng
chiến binh nhí mà chúng đào tạo. (Nguồn: AP).
Chiến binh nhí nhập cuộc
Một đoạn clip xuất hiện trên hàng loạt các hãng truyền thông phương Tây trong hôm 22/8 cho thấy khoảnh khắc đầy kịch tính khi lực lượng an ninh thành phố Kirkuk tháo gỡ một đai bom tự sát từ người cậu bé nọ. Sự việc trên xảy ra vào cuối ngày Chủ nhật tuần trước, nhưng thực tế đã từ nhiều tháng nay tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã sử dụng trẻ em như những trái bom di động của chúng.
Cũng trong cùng buổi tối hôm Chủ nhật tuần trước, một chiến binh nhí ở cùng độ tuổi cũng tổ chức một vụ đánh bom tự sát khác nhằm vào một nhà thờ Hồi giáo của người Shi’ite ở thành phố Kirkuk, khiến 6 người thiệt mạng.
Vụ đánh bom tại một đám cưới của người Kurd tại thành phố Gaziantep (Thổ Nhĩ Kỳ) mới mới đây khiến 51 người thiệt mạng cũng được thực hiện bởi một nghi phạm nhỏ tuổi, khả năng là từ 12-14 tuổi. Hồi tháng Ba vừa qua, một kẻ đánh bom tự sát được cho là trong độ tuổi 15-16 cũng tấn công vào một trận bóng đá tổ chức tại làng Asriya (Iraq), khiến 43 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em.
Dù cho IS chưa từng nêu độ tuổi của những kẻ thánh chiến thực hiện các vụ đánh bom tự sát, nhưng chỉ riêng khuôn mặt của một số kẻ này cũng chỉ ra rằng chúng chỉ là những đứa trẻ.
Giới phân tích cho hay, đó là một trong những hậu quả mà chiến dịch truyền bá tư tưởng độc hại của IS gây ra. Mỹ ước tính rằng họ cùng khối liên minh chống IS đã tiêu diệt được 45.000 thành viên của tổ chức này kể từ khi bắt đầu chiến dịch từ 2 năm trước. Và trong bối cảnh thiếu thốn chiến binh, IS phải sử dụng tới “Những chú hổ con của Caliphate” - lực lượng chiến ibnh nhí của chúng - để bù lấp chỗ trống.
“Đây là một sản phẩm từ việc IS đầu tư vào trẻ em” - ông Hassan Hassan, đồng tác giả của cuốn sách “IS: Bên trong đội quân khủng bố” và làm việc tại Viện Chính sách Trung Đông Tahrir, cho hay - “Thế hệ thứ hai của IS đã bắt đầu trỗi dậy. Khi chúng cần đến những đứa trẻ, chúng có thể kêu gọi chúng”.
Tẩy não, chiêu mộ và khủng bố
Ngay từ những ngày đầu, IS - một nhánh tách ra từ mạng lưới al-Qaeda tại Iraq - đã tổ chức các sự kiện kiểu gia đình ở Syria, trong đó gồm các cuộc thi dành cho trẻ em. Khi giành được nhiều phần lãnh thổ, tổ chức này còn mở thêm các trường học và trại huấn luyện.
Một số quyển sách được tìm thấy trong các khu vực từng bị IS chiếm đóng cho thấy một phiên bản đạo Hồi mà chúng nhồi nhét cho trẻ em hoàn toàn khác với đạo Hồi chính thống. Những cậu bé trẻ tuổi người thiểu số Yazidi bị chúng bắt cóc cùng với mẹ và chị em gái khi chúng tới chiếm đóng thị trấn Sinjar của Iraq cách đây 2 năm.
“IS đặc biệt thích những người mang theo trẻ em tới gia nhập đội ngũ” - ông Hassan nói - “Não của những đứa trẻ này giống như một tấm bảng trắng để chúng dễ dàng viết lên đó”.
Phương pháp của IS gợi nhớ lại cách thức tương tự mà al-Qaeda từng áp dụng ở Iraq, đó là sử dụng trẻ em làm kẻ đánh bom tự sát - những đứa trẻ mà chúng từng gọi là “Những chú chim của Thiên đường”. Taliban cũng sử dụng những sát thủ nhí ở Afghanistan và Pakistan để đánh chiếm các mục tiêu nhạy cảm mà không bị nghi ngờ.
“Một đứa trẻ sẽ thâm nhập dễ dàng hơn” - ông Sarhad Qadir, chỉ huy lực lượng cảnh sát Kirkuk, cho hay, thêm rằng cậu bé bị bắt mới đây vì mang bom tự sát có thể đã bị đánh thuốc.
Nghi phạm nhỏ tuổi sau đó khai nhận rằng cậu đến từ thành phố Mosul - nơi IS đang chiếm đóng - và di chuyển tới Kirkuk để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Dù trong bất cứ trường hợp nào, IS dường như đang tăng cường sử dụng trẻ em để thực hiện các nhiệm vụ kinh hoàng của chúng. Tại tỉnh Diyala của Iraq hồi đầu năm nay, một phụ nữ từng báo với chính quyền rằng IS đã đào tạo 2 đứa con trai của bà - độ tuổi 21 và 14 - và chúng đang tham gia vào một kế hoạch đánh bom tự sát. Dù cảnh sát đã dán ảnh của cả hai tại các điểm chốt, nhưng cuối cùng cậu bé 14 tuổi vẫn cố gắng tự cho nổ tung mình bên ngoài một quán cà phê.
“Ai lại đi nghi ngờ một đứa trẻ chứ” - Thị trưởng thành phố Kirkuk, ông Najmiddin Karim, nói - “Buồn thay, chúng đã bị tẩy não”.
Ông Hassan cho biết thêm, hiện có hàng nghìn trẻ em đang lớn lên mà không được hưởng nền giáo dục trong khi phải sống trong tình trạng bạo lực; điều buộc chúng phải tham gia các tổ chức phiến quân để có tiền trang trải cuộc sống.
“Chúng ta cần phải đảm bảo rằng vấn đề được giải quyết bằng không sẽ tạo ra một thế hệ IS thứ hai” - Hassan nói - “Phớt lờ điều này sẽ là một sai lầm lớn”.