Chiêu trò trong gameshow: Tiết chế để giữ sức hút

Hoàng Vân 15/06/2023 09:00

Thời gian gần đây, trên truyền hình có nhiều gameshow thu hút công chúng. Tuy nhiên, bên cạnh tính giải trí, nhiều người cho rằng, việc tạo tranh cãi, mỉa mai và sai lệch kiến thức đã khiến một số gameshow trở nên lố lăng, có lúc như một cái “chợ vỡ” khiến khán giả ngán ngẩm...

Sau thời gian vắng bóng, loạt gameshow đổ bộ gần đây có “The Face”, “Rap Việt”, “Người ấy là ai”… Tuy trở thành "bữa tiệc" được công chúng đón nhận song các chương trình liên tục bị khán giả phản ứng vì những hạt sạn lớn.

Gây tranh cãi, không chiêu trò này thì chiêu trò khác

Màn tranh cãi chỗ đứng giữa Minh Triệu - Kỳ Duyên khiến khán giả ngán ngẩm.

Chương trình The Face Vietnam trở lại sau 5 năm vắng bóng bị khán giả phản ứng ngay từ tập đầu tiên lên sóng vì có màn tranh cãi gay gắt xoay quanh... chỗ đứng của huấn luyện viên. Cặp Minh Triệu - Kỳ Duyên thậm chí còn đòi bỏ quay nếu không được đứng cạnh nhau chụp ảnh.

Sau khi chương trình lên sóng, trước phản ứng của khán giả cho rằng Minh Triệu và Kỳ Duyên "hỗn" với đàn chị, Minh Triệu tiếp tục gây tranh cãi khi khẳng định mâu thuẫn xảy ra vì Vũ Thu Phương và cô có va chạm trước đó: "Triệu đề xuất 2 chị em diễn nhịp nhàng để đảm bảo quay hình cho đẹp, không bị loạng choạng nhưng chị Vũ Thu Phương cứ diễn liên tục tấn công".

Dù nhà sản xuất khẳng định tình huống này xảy ra bất ngờ, không sắp đặt nhưng việc đưa lên sóng với góc quay cận cảnh biểu cảm của từng huấn luyện viên cho thấy rõ mục đích dùng "drama" để câu view. Câu chuyện vẫn tiếp tục… Thậm chí, phần video tranh cãi còn được phát tán rộng rãi trên các nền tảng xã hội.

Không chỉ tại The Face, Rap Việt cũng bị chỉ trích vì phần biểu diễn của thí sinh Dubbie (Khương Lê). Lời trong ca khúc "Đóng băng" của thí sinh Dubbie tại Rap Việt mùa 3 được nhận xét thiếu chuẩn mực như: "Trời vừa sập tối anh xả vai/ Đi lượn vòng thành phố nhìn girl xinh lên đồ"; "Các em lại phát thêm rồ/ Phải ngoan thì mới được phát thêm đồ". Nam rapper cũng bộc lộ sự thiếu hiểu biết kiến thức lịch sử, xã hội.

Trước tranh cãi từ dư luận, NSX Rap Việt đã cắt bỏ đoạn rap nhạy cảm trong phần thi của thí sinh Khương Lê.

Hiện trên các nền tảng online của chương trình, đoạn rap nhạy cảm đã bị cắt bỏ. Sự việc khiến công chúng yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm trong khâu kiểm duyệt nội dung trước khi đưa lên sóng.

Nên tiết chế để giữ sức hút, hình ảnh

Các gameshow Việt không thiếu những chiêu trò để tăng tỉ suất người xem, nhưng đó không phải là điều khán giả cần.

Thực tế, thị trường giải trí ở nước ta, trong đó có các gameshow truyền hình đang có sự cạnh tranh gay gắt. Vì lẽ đó, thời gian gần đây các chương trình, nghệ sĩ thường tìm đến chiêu trò để thu hút sự quan tâm của khán giả đối với chương trình giải trí của mình.

Trong các chương trình truyền hình, chiêu trò cũng trở thành "đặc sản" để tăng kịch tính, thú vị. Tuy nhiên khán giả chỉ chấp nhận ở mức giải trí vừa đủ thay vì các chiêu trò liên miên, kéo dài và đặc biệt lên án các nội dung mang tính sai lệch kiến thức.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, chiêu trò được xem là một phần không thể thiếu của các gameshow Việt hiện nay. Tuy nhiên, việc các nghệ sĩ lạm dụng chiêu trò thường dễ dẫn đến mất điểm trong mắt công chúng.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

“Việc tạo chiêu trò trên các gameshow truyền hình có thể có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến sự nổi tiếng và danh tiếng của nghệ sĩ, tùy thuộc vào cách thực hiện và hậu quả mà nó mang lại. Đôi khi, chiêu trò có thể tạo sự chú ý cho nghệ sĩ và giúp tăng độ phổ biến của họ. Nếu tình huống được tạo ra một cách hài hước, thông minh và không gây tổn thương lớn cho ai, nó có thể thu hút khán giả và tạo nên một hình ảnh tích cực cho nghệ sĩ.

Tuy nhiên, khi tình huống tranh cãi được tạo ra với mục đích gây xúc phạm hay tạo ra những hiểu lầm, đi ngược lại thuần phong mỹ tục của dân tộc, nó có thể gây tổn thương cho danh tiếng và sự tôn trọng dành cho nghệ sĩ. Các hành động và hình ảnh tiêu cực có thể khiến công chúng nhìn nhận nghệ sĩ một cách nhìn tiêu cực, ảnh hưởng đến hình ảnh và cơ hội nghề nghiệp của họ”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu quan điểm.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay: “Việc lạm dụng chiêu trò gây tranh cãi có thể khiến nhiều chương trình truyền hình trở nên thiếu chất lượng và giả tạo. Khi chiêu trò được sử dụng quá mức và không được thực hiện một cách tự nhiên sẽ vô tình làm mất đi sức hút của gameshow.

Việc tạo chiêu trò một cách cường điệu và giả tạo thường dẫn đến những tình huống kịch tính, cảm xúc và xung đột được tạo ra giả tạo, không phản ánh đúng thực tế và không có tính chân thực. Điều này có thể làm cho chương trình mất đi tự nhiên, đồng thời không có sự tương tác giữa người dẫn chương trình, thí sinh tham gia gameshow và khán giả.

Hơn nữa, việc lạm dụng "drama" có thể khiến chương trình trở thành một cuộc đấu tranh về việc tạo ra những tình huống gây tranh cãi và xúc phạm. Những tình huống này có thể không đáng tin cậy và không tạo nên giá trị thực sự cho khán giả, dẫn đến việc chương trình trở nên thiếu chất lượng.

Chính vì vậy, để duy trì chất lượng và sự tự nhiên của chương trình, các gameshow truyền hình nên tập trung vào việc mang đến nội dung hấp dẫn, ý tưởng độc đáo và cách thực hiện chuyên nghiệp. Việc tạo tình huống tranh luận nên được thực hiện một cách cân nhắc, tự nhiên và không quá cường điệu để đảm bảo tính chân thực và chất lượng của chương trình”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chiêu trò trong gameshow: Tiết chế để giữ sức hút