Lập công ty con trong nước, mua bán hàng hóa giá thấp, sau đó nâng giá lên hàng trăm lần, làm giả hồ sơ xuất khẩu, kê khai thủ tục hoàn thuế... Đó là những chiêu trò do các doanh nghiệp (DN) làm ăn bất chính hay áp dụng chiếm đoạt số tiền lớn của Nhà nước.
Cuối tháng 1 năm nay, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh xét xử vụ Hoàng Thị Hậu (người sáng lập Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hào Hùng) và đồng bọn đã có hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế thông qua chiêu trò xuất khẩu ảo. Theo đó, Công ty Hào Hùng trong vòng 3 năm đã sử dụng hơn 1.000 hóa đơn Giá trị gia tăng (GTGT) mua hàng của gần 100 công ty “ma” trên nhiều tỉnh, thành. Số hoá đơn này được dùng để kê khai, quyết toán và hoàn thuế với hàng xuất khẩu xuất khẩu tại Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh, hàng hóa chủ yếu của số hóa đơn này là vật liệu xây dựng.
Thủ đoạn của chủ DN này là mượn hàng của nhiều chủ hàng tại các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh (là những đối tượng không được hoàn thuế) để mở tờ khai hàng hóa xuất khẩu. Sau đó, lập khống hồ sơ hoàn thuế để chiếm đoạt hơn 34 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra hàng hóa thông quan, các cán bộ hải quan và đoàn kiểm tra của Cục Thuế Hà Tĩnh không phát hiện được thủ đoạn của Hậu và đồng phạm nên đồng ý xét duyệt cho hoàn thuế.
Ở một diễn biến khác, hôm 22/2 vừa qua Tổng cục Thuế có công văn gửi các Cục Thuế các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, TP HCM… nhằm lưu ý về vấn đề hoàn thuế GTGT có rủi ro cao.
Tổng cục Thuế có đề cập cụ thể đến trường hợp Công ty Cổ phần Nhà Thủ Đức (Thủ Đức House), một DN bất động sản khá tiếng tăm ở TP HCM và Công ty Cổ phần thương mại Sài Gòn Tây Nam có hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. Đặc biệt, có hơn 70 DN liên quan đến vụ việc, trong đó có một số DN “ma”, một số DN được thuê hoặc mua lại... để thực hiện chiêu trò hoàn thuế.
Hành vi chiếm đoạt tiền hoàn thuế này cũng được cho là dùng chiêu trò xuất khẩu ảo xảy ra từ năm 2017 đến năm 2019 với việc DN lập công ty con trong nước, mua bán hàng hóa với giá thấp, sau đó nâng giá lên hàng trăm lần, làm giả hồ sơ xuất khẩu các mặt hàng linh kiện điện tử, làm thủ tục hoàn thuế để chiếm đoạt số tiền hàng trăm tỉ đồng.
Cụ thể hơn, các lô hàng xuất khẩu của DN có giá trị rất cao, mỗi lô hàng xuất khẩu có trọng lượng chỉ vài kilogam đến vài chục kilogam nhưng trị giá khai báo lên đến vài tỷ đồng hay vài chục tỷ đồng. Việc này tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về việc mua bán hóa đơn trong nội địa để nâng khống giá trị hàng hóa xuất khẩu nhằm chuyển tiền bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT.
Đề cập đến câu chuyện xuất khẩu ảo hoàn thuế thật, một chuyên gia trong lĩnh vực thuế cho rằng, để bịt kẽ hở này hai năm trước Tổng cục Hải quan cũng đã có những động thái như yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố cung cấp các thông tin xử lý gian lận về hàng hóa xuất khẩu cho cơ quan thuế.
Nhất là cung cấp các thông tin về gian lận như: Quay vòng hàng xuất khẩu; khai khống giá trị, khối lượng xuất khẩu…để cơ quan thuế có căn cứ xác định số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, hoàn thuế của người nộp thuế. Nhưng phía DN bất chính đã thực hiện hành vi trót lọt tức là kẽ hở vẫn còn, dù cho cơ quan quản lý đã phát hiện sau đó và hướng tới giải pháp khắc phục thiệt hại cho ngân sách.