Những ngày qua, mưa lớn, sạt lở và lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã cướp đi nhà cửa, tài sản và tính mạng đồng bào ở những vùng đất vốn đang là nơi khó khăn bậc nhất. Thống kê của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai, mưa lũ đã làm 23 người chết, 11 người mất tích, 12 người bị thương; 124 căn nhà bị đổ, cuốn trôi;…
Ước tính tổng thiệt hại là 443,8 tỷ đồng. Những ngày này, khi cơn lũ đi qua, tìm lên với Hà Giang - nơi chung sống của 22 dân tộc anh em người ta vẫn thấy ngổn ngang những nỗi đau…
Nỗi đau Lùng Tám
Sau những ngày tạm thời lũ rút, cơn hồng thủy hiếm gặp qua đi nhưng bám theo Quốc lộ số 2, men theo sông Lô mà lên với miền Cực Bắc Hà Giang người ta thấy những tan hoang vẫn còn hiện hữu. Cây cối bám ngấn bùn đất, cùng với đó là rơm rác các loại và thoảng hoặc trong đó là cột, kèo của nhà dân, quần áo và xác các loại vật nuôi còn mắc lại trên các cành cây, mỏm đá.
Trong các huyện bị ảnh hưởng bão lũ của Hà Giang như Bắc Mê, Yên Minh, Vị Xuyên thì Quản Bạ là nơi có nhiều thiệt hại nhất. Tại huyện Quản Bạ được coi là “miền đẹp” - đẹp đất, đẹp người, đẹp về thiên nhiên này thì xã Lùng Tám được coi là nơi nặng nhất về cường độ và mức độ phá hủy của cơn đại hồng thủy vừa qua.
Theo con số thống kê chưa đầy đủ của huyện, hiện tại miền đất này đã bị lũ cuốn trôi hoàn toàn 11 nhà: Xã Đông Hà 1 nhà thuộc thôn Nà Sài; xã Lùng Tám 10 nhà (Thôn Lùng Tám Thấp 4, Tùng Nùn 6). Số nhà đổ tường, sạt lở là 19 nhà: Xã Đông Hà 1 nhà thuộc thôn Nà Sài; Lùng Tám 7 nhà (Thôn Lùng Tám Thấp 5, Tùng Nùn 2); Thái An 11 nhà (Lố Thàng I: 8 hộ, Lố Thàng II: 2 hộ, Séo Lủng II: 1 hộ).
Nước đi, nguy cơ sạt lở hậu bão lũ vẫn còn hiện hữu. Hiện huyện đang phải đối diện với nguy cơ sạt lở taluy, ảnh hưởng đến nhà ở 7 hộ: Xã Quản Bạ 4 nhà (Thôn Nam Sơn 2, Nặm Đăm 2); Nghĩa Thuận 3 nhà (Thôn Tả Súng Chư 1, Phín Ủng 1, Ma Sào Phố 1). Cùng với đó, do sự thẩm thấu của đất đồi đã tạo ra ảnh hưởng nền, chân tường 183 nhà, trong đó: Thanh Vân 21 nhà thuộc thôn Lùng Cúng, Mã Hồng, Lùng Cáng; Lùng Tám 40 nhà thuộc thôn Lùng Tám Thấp, Tùng Nùn; Quản Bạ 2 nhà thôn Lùng Khúy; Đông Hà 120 nhà thuộc thôn Sang Phàng, Thống Nhất; có nguy cơ cô lập khoảng trên 20 nhà tại xã Lùng Tám. Số nhà bị hư hỏng chất lợp, tốc mái 3 nhà: Xã Quyết Tiến 2 nhà thuộc thôn Ngài Thầu Sảng với khoảng 60 tấm Proximăng; Cán Tỷ 1 nhà thuộc thôn Sủa Cán Tỷ với khoảng 20 tấm Proximăng...
Chỉ trong thời gian ngắn nhiều nhà gỗ đã trở thành đống đổ nát.
Mưa lũ đã đi qua cả tuần nhưng ông Sùng A Kỷ vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Ông bảo người Mông ở đây ít khi chứng kiến những đợt mưa và những đợt xả lũ bất thường đến như vậy. Chập chiều mưa, mưa như những “mũi tên nước” từ trên trời phi xuống nương, nhà dân. Các núi đồi hết cây, hết sự chắn giữ cho nước đã bất chợt dồn tụ, nước tích vào các khe núi, trở thành thác rồi cứ nhằm những chỗ thấp mà người dân chọn làm nơi định cư đổ xuống.
Tuy có sự cảnh giác nhưng người dân ở xã Lùng Tám vẫn không ngờ nước lại lên nhanh và chảy xiết đến như vậy. Chập chiều mưa, ngồi canh nước đến khoảng 10 giờ đêm, đang hút điếu thuốc lào thì ông nghe thấy những tiếng la thét, rồi trâu bò bứt dây, kêu thảm thiết, kéo thừng chạy lên núi. Ông gọi vợ con, chân trần rồi dìu nhau theo trâu bò nhằm chỗ cao mà chạy. Trong ánh chớp, nhoằng cái, ông đã thấy thôn mình ngập trong biển nước mênh mông!
Lựa núi, lựa khe đá náu thân, chập sáng hôm sau, ông cùng dân làng nhìn xuống chỗ định cư thân yêu của mình. Mọi thứ, nhiều nơi hầu như đã bị san phẳng. Những ruộng ngô – thứ lương thực thân quen của bà con người Mông trên đây đang vào vụ khô râu, vàng bẹ cũng đã bị bùn đất, đá núi cuộn về nhấn chìm toàn bộ.
Bao nhiêu năm trời xây dựng xóm làng, nhà cửa, chỉ trong chưa đầy vài tiếng đồng hồ đã bị mưa lũ đưa về gần với con số không. Đau đớn nhất với thôn Tùng Nùn, xã Lùng Tám là 2 mẹ con Giàng Thị Lầu 42 tuổi, Lò Thị Và 5 tuổi do chậm chân và yếu sức đã không chạy nổi, lũ nguồn đã cuốn chìm họ cùng cái chết tang thương và tức tưởi!
Nhà cửa, hoa mầu của người dân xã Lùng Tám bị bão lũ tàn phá.
Cần sự sẻ chia
Theo ông Trần Ngọc Trung – Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện Quản Bạ mưa đã ngớt, nước ngập úng cục bộ đã rút nhưng như thường lệ, cái phải đối diện và cần khắc phục lâu dài nhất đấy là lương thực, thuốc men và nhà cửa cho người dân. Ngoài sự vào cuộc của các cấp ngành, người dân Quản Bạ, đặc biệt là xã Lùng Tám rất cần sự chia sẻ của người dân nhiều nơi.
Cũng theo ông Trung, hiện nay huyện đang phải đối diện với những nguy cơ hậu bão lũ, cụ thể: Hoa màu bị ngập úng trên 150 ha tại xã Quyết Tiến, Quản Bạ, Đông Hà, Lùng Tám, Thanh Vân, Cán Tỷ... Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Cán Tỷ bị đổ tường rào chiều dài 80m, chiều cao 2m, một số đồ vật dụng và đồ dùng học tập của học sinh bị hỏng do thấm nước. Trường Mầm non Cán Tỷ bị đổ tường rào chiều dài 80m, chiều cao 2m, một số đồ vật dụng và đồ dùng học tập của học sinh bị hỏng do thấm nước. Trường Mầm non Lùng Tám bị đất đá sạt lở xuống sân trường khoảng 300 m3.
Cái cần quan tâm nhất hiện nay là việc khai thông các tuyến đường giao thông như tuyến đường Quốc lộ 4C Km44 - Km45 (Đoạn Cổng trời) bị sạt lở đất đá với khoảng trên 100m3 làm tắc nghẽn giao thông, hiện đã khắc phục tạm thời để các phương tiện lưu thông. Tuyến đường Quốc lộ 4C từ Km62 - Km67 đã bị vùi lấp đất một số đoạn gây tắc đường với khối lượng khoảng 800 m3, UBND xã Cán Tỷ đã huy động lực lượng tại chỗ khắc phục tạm thời để các phương tiện giao thông lưu thông.
Đường tỉnh lộ thuộc địa phận xã Lùng Tám có nhiều điểm sạt lở với khối lượng ước tính khoảng trên 3.500m3. Một số tuyến đường liên xã, liên thôn thuộc các xã Nghĩa Thuận, Quản Bạ, Lùng Tám, Đông Hà, Thanh Vân... bị sạt lở với khối lượng khoảng trên 200 m3; đến nay đã khắc phục tạm thời để các phương tiện lưu thông.
Ngoài đường, nhà, trường bị ảnh hưởng thì tuyến kênh mương dẫn nước thôn Thống Nhất xã Đông Hà bị sập, sạt lở, hư hỏng hoàn toàn 150 m. Kè bờ sông Miện bị sạt lở khoảng 25 m tại địa phận xã Lùng Tám, trụ sở thôn Đầu Cầu II xã Cán Tỷ bị ngập úng, trụ sở thôn Thống nhất xã Đông Hà bị sập đổ 80m tường rào.
Mưa lũ – cơn đại hồng thủy vừa qua đã đem lại những địa chấn cùng tàn dư cho nhiều tỉnh miền núi cao phía Bắc, trong đó có Hà Giang. Người ta không thể định tính thời gian khắc phục nó sẽ là bao lâu nếu như chỉ trông chờ vào nội lực của các ban ngành cũng như chính người dân. Đồng bào trên này đang rất cần sự chia sẻ của mọi người, có như vậy thì nỗi đau mất nhà, hoa mầu, tài sản và con người mới nhanh chóng được xoa dịu!