Ngày 18/10, tại Hà Nội, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội thảo về đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố.
Hoạt động tự quản chính là một hình thức phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia quản lý xã hội, từ đó phát huy tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng dân cư, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Thời gian qua, các hoạt động tự quản trên địa bàn dân cư (thôn, tổ dân phố) đã được nhiều địa phương chú ý, tuy nhiên hoạt động này vẫn rất cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc. Chính vì thế, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 07- KH/TW, ngày 27/11/2017: “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong đó giao nhiệm vụ cho Đảng đoàn MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo xây dựng “Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố trên phạm vi cả nước”.
Kể từ đó, mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư dần được củng cố, lan tỏa và phát huy hiệu quả. Thực tế ngày càng cho thấy mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư có vai trò quan trọng, do các thành viên gần dân, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người dân trong tổ dân cư, cũng như sớm nhận biết những phát sinh trong cuộc sống hàng ngày cần được phối hợp giải quyết, góp phần giúp cấp ủy đảng, chính quyền ở cơ sở nâng cao chất lượng quản lý xã hội.
Kể từ đầu năm 2020 đến nay, trong bối cảnh dịch Covid-19, các tổ tự quản ở cộng đồng dân cư càng cho thấy vai trò quan trọng. Tại các khu vực phong tỏa, cách ly, các thành viên tổ tự quản đã động viên, san sẻ khó khăn với người dân. Nhiều nơi, tổ tự quản còn cắt cử người đi chợ giúp dân; phân công người trực tại các chốt kiểm soát trên địa bàn nhằm hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ xâm nhập cũng như bùng phát dịch bệnh.
Gần dân, sát dân, nắm rõ tình hình trên địa bàn, tổ tự quản còn sớm nhận ra những biến động ở cộng đồng, nhất là với những trường hợp F0, F1, F2 cũng như những người nơi khác đến; từ đó việc kiểm soát dịch bệnh là khá chặt chẽ. Cũng chính hoạt động này đã góp phần nâng cao ý thức công dân ở khu dân cư, đoàn kết giúp đỡ nhau, nhất là cùng nhắc nhở nhau thực hiện các biện pháp chống dịch.
Thực tế cũng cho thấy, tổ tự quản ở cộng đồng dân cư luôn gắn với hoạt động của Mặt trận, cùng chung mục đích phát huy dân chủ ở cơ sở, lấy sức dân để chăm lo cuộc sống cho nhân dân.
Cho tới nay, tổ tự quản ở cộng đồng chủ yếu trên nguyên tắc tự giác, tự nguyện. Nhiều ý kiến từ cơ sở cho rằng, trong giai đoạn mới, để tổ tự quản ở cộng đồng phát huy hơn nữa vai trò của mình thì rất cần khẳng định cơ sở pháp lý của mô hình và phải có quy chế hoạt động, quy định nội dung hoạt động rõ ràng. Trong đó MTTQ là cơ quan chủ trì hướng dẫn nội dung triển khai, kiểm tra, giám sát; các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn sẽ phối hợp thực hiện nhằm phát huy tối đa nội lực của nhân dân.
Thành viên tổ tự quản ở cộng đồng là những người tự giác, tự nguyện, cũng chính vì thế họ cần được sự hướng dẫn, giúp đỡ của chính quyền, Mặt trận cơ sở. Chỉ khi đó mới tạo ra sức mạnh thực sự thể hiện ở hiệu quả công việc.
Nhưng, thực tế cho thấy, để mô hình này hoạt động tốt thì rất cần “chính danh”, từ đó việc tiếp xúc, vận động nhân dân sẽ hiệu quả hơn. Khi đã chính danh thì nguyên tắc hoạt động, nội dung và phương thức hoạt động sẽ thống nhất, không rơi vào tình trạng mỗi nơi một kiểu, hoặc là mang tính hình thức. Chính danh cũng sẽ là chỗ dựa, là đòn bẩy động viên tinh thần tự nguyện của từng thành viên trong tổ tự quản ở cộng đồng. Mà điều đó thì ai cũng mong muốn.