Sẽ không có chuyện Anh tổ chức lại cuộc trưng cầu dân ý khác. Chính phủ Anh đã tuyên bố như vậy hồi cuối tuần qua, bác bỏ một thỉnh cầu thư thu hút được trên 4 triệu chữ ký kêu gọi một cuộc bỏ phiếu mới về việc nước này nên ở lại hay ra khỏi Liên minh châu Âu (EU).
Ảnh minh họa.
Trong cuộc trưng cầu dân ý chính thức tổ chức ngày 23/6 vừa qua trên toàn nước Anh, 52% cử tri đã nói rằng họ muốn rời khỏi khối liên minh gồm 28 quốc gia thành viên này.
Tuy nhiên, nhiều người từng bỏ phiếu ủng hộ rời khỏi EU sau đó đã nhanh chóng cảm thấy hối hận vì quyết định của họ khi phải chứng kiến sự suy giảm của các thị trường trên toàn cầu, trong khi giới phân tích liên tục đưa ra tiên đoán về hậu quả khôn lường của Brexit.
Một số khác lại phàn nàn rằng chiến dịch “rời khỏi” EU đã nói dối mọi người, khi mà các thủ lĩnh của chiến dịch này nhanh chóng rút khỏi các cam kết mà họ đưa ra trước đó. Các cuộc thăm dò ý kiến mới đây nhất cho thấy, đa số các cử tri trẻ tuổi ở nước Anh ủng hộ nước mình ở lại EU.
Nhưng trong một tuyên bố đưa ra hôm cuối tuần qua, văn phòng Ngoại giao Anh nói rằng, Thủ tướng David Cameron đã khẳng định rõ ràng rằng “quyết định cần phải được tôn trọng”.
Được biết, thỉnh cầu thư đòi tổ chức lại trưng cầu dân ý trên website của Quốc hội Anh đã thu hút được trên 4 triệu chữ ký, trong khi chỉ cần 100.000 chữ ký là đủ điều kiện để trở thành vấn đề được đưa ra thảo luận tại Quốc hội. Văn phòng Thủ tướng Anh đến nay vẫn không nêu rõ lý do vì sao mà họ bỏ qua thỉnh cầu thư này.
“Như Thủ tướng đã làm rõ… cuộc trưng cầu trên là một trong số các sự kiện dân chủ lớn nhất trong lịch sử nước Anh với hơn 33 triệu người đã đưa ra ý kiến của họ” - Tuyên bố nêu rõ - “Chúng ta cần chuẩn bị cho tiến trình rời khỏi EU và chính phủ cam kết sẽ đảm bảo lợi ích tốt nhất có thể cho người dân Anh trong các cuộc đàm phán”.
Trớ trêu thay, thỉnh cầu thư này lại được chiến dịch “rời khỏi” EU lập ra trước đây bởi lo ngại rằng phe “ở lại” sẽ giành chiến thắng. Thỉnh cầu thư này nói rằng, nếu phe “ở lại” hay “rời khỏi” có tỷ lệ ủng hộ dưới 60%, sẽ có một cuộc trưng cầu khác được tổ chức.