Văn phòng Thống kê quốc gia Anh ngày 26/5 cho hay, có ít nhất 42.173 người ở Anh và xứ Wales đã tử vong nghi là do nhiễm Covid-19 tính đến ngày 15/5, nâng tổng số con số người tử vong ở Liên hiệp Vương quốc Anh (UK) lên con số 47.343 - trong đó bao gồm cả dữ liệu trước đó từ Scotland, Bắc Ireland và các ca tử vong mới đây trong các bệnh viện ở Anh.
Diễn biến dịch Covid-19 ở Anh vẫn rất phức tạp.
Số ca tử vong đáng báo động
Con số người tử vong do Covid-19 lên tới gần 50.000 người đã cho thấy nước Anh là một trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh do virus corona chủng mới gây nên. Tới ngày 26/5, số người tử vong do Covid-19 trên phạm vi toàn cầu là 345.400- dữ liệu do ĐH Johns Hopkins công bố.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đang hứng chỉ trích ở trong nước vì cách ứng phó với đại dịch, đã lên tiếng bảo vệ cố vấn hàng đầu của ông là Dominic Cummings - người mới đây lái xe từ thủ đô London vượt chặng đường dài để tới thăm một trung tâm chăm sóc trẻ em, trong khi người dân Anh được yêu cầu ở yên trong nhà để chặn đà lây lan của Covid-19.
Một trong số các vị Bộ trưởng trong Nội các của ông Johnson, Douglas Ross, đã tuyên bố từ chức trong hôm 26/5 để phản đối hành động của ông Cummings. Thủ tướng Johnson trong khi đó đứng về phía ông Cummings, nói rằng vị Cố vấn này chỉ làm theo “bản năng của người cha” khi tới thăm con mình.
Chính phủ Anh nói rằng, mặc dù họ có thể mắc phải một số lỗi lầm trong lúc ứng phó với cuộc khủng hoảng y tế công lớn nhất kể từ đại dịch cúm năm 1918, nhưng đảm bảo rằng dịch vụ y tế không bị rơi vào tình trạng quá tải.
Không giống như con số thống kê người chết do Covid-19 mà Chính phủ Anh công bố hàng ngày, con số mới công bố ngày 26/5 còn tính cả những trường hợp nghi bị nhiễm và các trường hợp chắc chắn bị nhiễm. Tuy nhiên, ngay cả con số thống kê mới cũng bị cho là chưa phản ánh đúng số người chết vì Covid-19 ở Anh.
Trong tháng 3 vừa qua, Trưởng cố vấn khoa học của Chính phủ Anh nói rằng việc giữ được số người tử vong dưới 20.000 sẽ là “một kết quả tốt”. Đến tháng 4, Reuters dẫn một báo cáo Chính phủ chỉ ra viễn cảnh tồi tệ nhất là 50.000 người tử vong do Covid-19.
Các chuyên gia về bệnh dịch hiện đang theo dõi sát sao số ca tử vong do Covid-19, có khả năng sẽ gia tăng trong thời điểm này trong năm. Và một số tín hiệu mà họ nhận được cho thấy Anh có khả năng sẽ ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm.
Con số người tử vong do Covid-19 ở UK có thể dần tiếp cận tới 60.000; chuyên gia thống kê của Hãng ONS Nick Stripe nói với Reuters - tương đương với tổng dân số của thành phố Cantebury và Hereford của nước này.
Cảnh báo mới của WHO
Cũng trong cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng các quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 đang giảm dần vẫn có thể đối mặt với “một đỉnh dịch thứ hai” nếu như buông lỏng quản lý quá sớm.
Thế giới hiện vẫn đang ở giữa đợt dịch Covid-19 đầu tiên, Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO Mike Ryan nói trong một cuộc họp báo trực tuyến, nhấn mạnh rằng mặc dù số ca nhiễm đang giảm ở nhiều nước, nhưng vẫn có khả năng tăng dần ở các khu vực Trung Mỹ, Nam Mỹ, châu Á và châu Phi.
Ông Ryan nói rằng dịch bệnh thường xuất hiện theo từng đợt, có nghĩa rằng đợt bùng phát dịch có thể xuất hiện vào khoảng cuối năm nay ở những nơi mà đợt dịch đầu tiên đã được kiềm chế. Ngoài ra cũng có khả năng tỷ lệ nhiễm bệnh sẽ tăng trở lại một cách nhanh chóng nếu như các biện pháp chặn dịch được gỡ bỏ quá sớm.
“Khi chúng tôi nói về một đợt dịch thứ hai, ý của chúng tôi là sẽ có một đợt dịch đầu tiên và sau đó nó có thể xuất hiện trở lại sau vài tháng” - ông Ryan cho biết - “Dịch bệnh có thể trở lại vào bất cứ lúc nào. Chúng ta không thể nói rằng chỉ vì dịch bệnh đang trên đà giảm hiện tại mà có thêm được vài tháng để chuẩn bị cho đợt dịch thứ hai”.
Ông Ryan cho rằng các nước ở châu Âu và Bắc Mỹ nên “tiếp tục duy trì các biện pháp giãn cách xã hội, các biện pháp theo dõi, xét nghiệm và chiến lược tổng thể để đảm bảo rằng chúng ta tiếp tục giữ được đà giảm (Covid-19)”.
Trong những tuần gần đây, nhiều quốc gia ở châu Âu và Mỹ đã đưa ra các bước đi mới nhằm gỡ bỏ dần các biện pháp phong tỏa từng được áp dụng để ngăn chặn đà lây lan của virus Corona sau khi các biện pháp này gây tổn hại nghiêm trọng tới nền kinh tế các nước này.