Chính phủ chỉ đạo tăng thu, cắt giảm chi thường xuyên

Khánh Ly 30/10/2015 00:14

“Thủ tướng chỉ đạo, từ nay đến cuối năm còn 2 tháng, các cơ quan chức năng nỗ lực tăng thu, bảo đảm cân đối ngân sách cho năm 2015”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai phát biểu tại họp báo Chính phủ tháng 10 và cho biết thêm: Chính phủ đã chỉ đạo phải quyết liệt tiết kiệm chi.

* Tổng thu ngân sách tăng khoảng 7%, nhưng tăng thu là của địa phương, còn thu ngân sách Trung ương lại hụt khoảng 31 nghìn tỷ đồng.

Doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng xuất khẩu vào những tháng cuối năm. (Ảnh: TTXVN).

Ngày 29/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 10. Chiều cùng ngày, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên thông tin về phiên họp này. Trong phiên họp, các thành viên Chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực và kết quả đạt được là đáng phấn khởi.

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả

Theo đó, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chủ yếu của tăng trưởng, xuất khẩu và FDI tiếp tục tăng dù kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp (giá nguyên liệu, dầu thô giảm, sự phá giá của đồng Nhân dân tệ và nhiều đồng tiền trong khu vực...).

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, yếu kém như sản xuất và tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược giảm cả về lượng và về giá trị như gạo, cà phê, chè, v.v...

“2 tháng cuối năm, chúng ta cần nỗ lực cao nhất, việc đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, còn hạn chế, yếu kém thì phải ra sức khắc phục, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 và 5 năm 2011-2015” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu rõ, những tháng cuối năm tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, chủ động điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá…

Công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chủ yếu của tăng trưởng. (Ảnh: Danh Lam).

Quyết liệt tiết kiệm chi, chống nợ thuế

Tại buổi họp báo, trả lời báo chí liên quan đến cân đối thu - chi, không để nợ công vượt trần, đại diện Bộ Tài chính, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, tổng thu ngân sách tăng khoảng 7%, nhưng tăng thu là của địa phương, còn thu ngân sách Trung ương lại hụt khoảng 31 nghìn tỷ đồng, nguyên nhân chính là do giá dầu giảm, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Thủ tướng chỉ đạo, từ nay đến cuối năm còn 2 tháng, các cơ quan chức năng nỗ lực tăng thu, bảo đảm cân đối ngân sách cho năm 2015”, bà Mai nói và cho biết thêm: Chính phủ đã chỉ đạo phải quyết liệt tiết kiệm chi. Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo cơ quan thuế tăng cường thu nợ thuế của các doanh nghiệp.

Cùng với đó, có những giải pháp đôn đốc thực hiện các kết luận của Thanh tra và kiểm toán. Đơn cử như với Sabeco, kiểm toán nhà nước đã có kết luận, đến nay Tổng cục Thuế cũng có văn bản yêu cầu rõ Sabeco phải nộp tiền thuế theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

“Các giải pháp rà soát, cắt giảm chi tiêu công đã được thực hiện từ đầu năm. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành chỉ thị yêu cầu các bộ, địa phương, cắt giảm 10% chi thường xuyên, trừ phần chi cho con người, tạm thời chưa sử dụng”- bà Mai nhấn mạnh và cho biết thêm: Bộ Nội vụ cũng đang tăng cường rà soát tinh giản biên chế để tiết kiệm chi thường xuyên.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước còn yếu kém

Về sai phạm tại nhà số 8B Lê Trực, Người phát ngôn Chính phủ cho biết, ngày 26/10, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ đã làm việc với Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành liên quan về nhà 8B Lê Trực. “Sau khi nghe báo cáo, Thủ tướng kết luận: Để 1 tòa nhà to xây dựng ở một vị trí trung tâm TP như thế mà sau này chúng ta mới phát hiện vi phạm và xử lý thì thấy rằng hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước là yếu kém, cần có biện pháp khắc phục” - Bộ trưởng Nên cho biết.

Thủ tục cấp giấy phép và ý kiến của cơ quan chức năng với tòa nhà này cho thấy, UBND TP Hà Nội, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu kỹ, chặt chẽ, đúng chức năng, thẩm quyền, quy trình khi cấp phép. “Do chủ đầu tư đã cố tình vi phạm pháp luật, tính chất vi phạm nghiêm trọng cần phải được xử lý nghiêm minh” - Bộ trưởng Nên cho biết kết luận của Thủ tướng.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu đình chỉ ngay các hoạt động xây dựng. Chủ đầu tư phải có phương án khắc phục sai phạm. UBND TP Hà Nội theo dõi việc khắc phục. Các phương án khắc phục phải chú ý đến các vấn đề về an toàn kiến trúc, an ninh và một số vấn đề liên quan khác. Đồng thời, UBND TP Hà Nội tiếp tục chỉ đạo, thanh tra trách nhiệm đối với những tổ chức, cá nhân có liên quan, nếu tiếp tục phát hiện vi phạm thì xử lý nghiêm minh.

Nghỉ Tết 9 ngày

Chính phủ nhất trí với phương án của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về việc nghỉ lễ, Tết năm 2016 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Theo đó, đợt nghỉ Tết Âm lịch 2016 từ ngày 6/2/2016 đến hết ngày 14/2/2016 (tức từ ngày 28 tháng Chạp năm Ất Mùi đến hết ngày 7 tháng Giêng năm Bính Thân). Tổng cộng nghỉ 9 ngày và không thực hiện hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần.

Khó bố trí tăng lương?

Về tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức (áp dụng với đối tượng có mức lương từ 2,34 trở lên), ý kiến của các thành viên Chính phủ đều cho rằng tình hình ngân sách khó khăn, khó bố trí được nguồn cho tăng lương. Chính phủ sẽ tiếp tục tính toán các phương án cân đối ngân sách và sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp Quốc hội tháng 3/2016 về phương án và thời điểm tăng lương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính phủ chỉ đạo tăng thu, cắt giảm chi thường xuyên