Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tập trung trong những tháng cuối năm 2022, Chính phủ đưa ra 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong những tháng cuối năm để phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu đề ra.
Ngày 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về: tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (tỷ lệ phần trăm phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025); kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.
Báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giải pháp trong những tháng cuối năm 2022, Chính phủ xác định cần tập trung tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch Covid-19.
Dự báo, theo dõi chặt chẽ, diễn biến chính sách của các nước lớn, là đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của Việt Nam.
Chủ động trong công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành; có giải pháp về nguồn hàng, điều tiết sản xuất, bảo đảm cung ứng cho sản xuất, đời sống, nhất là các mặt hàng thiết yếu, điện, xăng, dầu.
Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả và các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến lạm phát và thị trường trong, ngoài nước, mục tiêu chính sách tiền tệ.
Thúc đẩy tăng thu ngân sách nhà nước, kiểm soát chi chặt chẽ, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi sự nghiệp có tính chất đầu tư.
Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách theo tinh thần vướng mắc ở cấp, ngành nào thì cấp, ngành đó chủ động sửa đổi, hoàn thiện.
Kịp thời tổng hợp, báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với những vấn đề vượt thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Tập trung giải quyết tình trạng thiếu lao động cục bộ; quan tâm, chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội; có các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội.
Tiếp tục xây dựng hoàn thiện bộ máy bên trong tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, cơ cấu hợp lý, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và phòng, chống tiêu cực, lãng phí.
Về dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2023, Chính phủ xác định các chỉ tiêu chủ yếu như: Có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó: Tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 - 6%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,5%.
Trước đó, báo cáo trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cho biết những kết quả ấn tượng khi kết quả thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu cả năm dự kiến đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu so với kế hoạch Quốc hội giao. Cụ thể, vượt 6 chỉ tiêu đề ra, nhất là về tăng trưởng kinh tế ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%) tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021-2025.