Khi chỉ còn vài giờ là tới hạn chót lúc nửa đêm, Quốc hội Mỹ ngày 30/9 đã thông qua một dự luật để tránh cho chính phủ liên bang phải đóng cửa một phần.
Với số phiếu 254/175, các nghị sĩ Hạ viện đã phê chuẩn và gửi dự luật tới Tổng thống Joe Biden để ký.
Trước đó, Thượng viện đã thông qua dự luật này với số phiếu 65/35. Theo hãng tin AP, phần lớn các nghị sĩ đảng Cộng hoà ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện đã bỏ phiếu chống dự luật này.
Dự luật chi tiêu ngắn hạn mà Quốc hội vừa thông qua sẽ giúp chính phủ liên bang của Mỹ được cấp ngân sách để hoạt động tới 3/12. Dự luật này cũng cung cấp 28,6 tỷ USD cho các cộng đồng cần trợ giúp để hồi phục sau các thảm hoạ thiên nhiên gần đây và 6,3 tỷ USD cho những nỗ lực tái định cư cho người tị nạn Afghanistan.
Chính phủ Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump từng phải đóng cửa 35 ngày cho tới cuối tháng 1/2019. Đó là lần đóng cửa lâu nhất trong lịch sử Mỹ.
Ngay sau khi chính phủ Mỹ được cấp ngân sách để hoạt động (dù chỉ tạm thời), các đảng viên Dân chủ sẽ chuyển toàn bộ sự chú ý tới nhu cầu nâng trần nợ của liên bang, hiện ở mức 28,4 nghìn tỷ USD.
Trong thời kỳ hiện đại và trong lịch sử, Mỹ chưa bao giờ vỡ nợ do cả hai đảng đều bỏ phiếu ủng hộ nâng mức trần nợ. Các đảng viên Dân chủ và Cộng hoà tại Thượng viện đã làm như vậy ba lần trong thời gian Tổng thống Donald Trump nắm quyền. Lần này, đảng Dân chủ muốn quan tâm tới cả hai ưu tiên trong một dự luật nhưng đảng Cộng hoà tại Thượng viện đã ngăn chặn nỗ lực đó hồi đầu tuần.
Do chi tiêu nhiều hơn thu nhập từ thuế nên chính phủ Mỹ đang thâm hụt ngân sách lớn. Để khắc phục tình trạng này, chính phủ Mỹ sẽ vay tiền bằng cách phát hành nợ. Tuy nhiên, việc phát hành nợ chỉ được phép trong một hạn mức nhất định do Quốc hội quy định. Nếu Quốc hội không nâng hạn mức, Bộ Tài chính sẽ không có khả năng thanh toán tất cả hóa đơn chính phủ.