Đây là ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 với chủ đề “Quảng Ngãi- Hợp tác đầu tư và phát triển”, ngày 20/10, tại TP Quảng Ngãi. Hội nghị do UBND tỉnh Quảng Ngãi tổ chức.
Tham dự có, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, cùng với gần 500 đại biểu lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và các Nhà tư trong và ngoài nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu.
Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 ở Quảng Ngãi, nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh và là cơ hội đầu tư đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước; đẩy mạnh công tác xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh; tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong thời gian đến. Đây cũng là dịp gặp gỡ trực tiếp lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhằm xây dựng mối quan hệ và kết nối hợp tác đầu tư vào tỉnh.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi nhấn mạnh, Quảng Ngãi có Khu kinh tế Dung Quất đã được quy hoạch với diện tích hơn 45.000 ha. Là một trong 5 Khu kinh tế ven biển được Chính phủ ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng và có chính sách ưu đãi cao nhất Việt Nam hiện nay.
Tại Khu kinh tế Dung Quất đã thu hút được các dự án quy mô lớn như Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất; Nhà máy lọc dầu Dung Quất; Nhà máy công nghiệp nặng Doosan; Khu công nghiệp đô thị Dung Quất; Khu Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị VSIP và các dự án quan trọng khác.
Ngoài Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi còn có 4 khu công nghiệp tập trung và 15 cụm công nghiệp, làng nghề được đầu tư kết cấu hạ tầng đáp ứng yêu cầu cho các nhà đầu tư để đầu tư, sản xuất kinh doanh. Trong đó Khu phức hợp Công nghiệp- Dịch vụ- Đô thị VSIP là một trong những dự án mới, kiểu mẫu đáp ứng nhu cầu cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Theo ông Căng, trong 10 tháng đầu năm 2017, Quảng Ngãi đã thu hút được hơn 88 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 74 nghìn tỷ đồng; trong đó có 6 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với vốn đăng ký 275 triệu USD. Tổng vốn đầu tư tăng gấp 11 lần so với cả năm 2016 và số dự án tăng hơn 37 dự án so với cả năm 2016; đây là một con số ấn tượng trong thu hút đầu tư so với những năm gần đây.
Quang cảnh Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017 ở Quảng Ngãi.
Ông Trần Ngọc Căng nhấn mạnh: “Để thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, trong thời gian tới, Quảng Ngãi sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tiếp tục chỉ đạo các ngành, các cấp đồng hành, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh nhằm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất để khai thác tốt nhất nội lực và thu hút tối đa ngoại lực cho đầu tư phát triển, xây dựng Quảng Ngãi trở thành điểm đến tin cậy, hấp dẫn cho các nhà đầu tư”.
Phát biểu tại Hội nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, Quảng Ngãi là một trong 5 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có lợi thế về nhiều mặt để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển nhằm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Thứ nhất, Quảng Ngãi hiện có hạ tầng giao thông khá đồng bộ, phục vụ tốt cho thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Quảng Ngãi có kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, thông suốt với quốc lộ 1A; đường sắt Bắc Nam; đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Quốc lộ 24A nối liền các tỉnh Tây nguyên với Nam Lào.
Thứ hai, Quảng Ngãi, có Khu kinh tế Dung Quất là một trong những Khu kinh tế ven biển của cả nước được Chính phủ quan tâm đầu tư và có những chính sách ưu đãi cao nhất, có cảng biển nước sâu Dung Quất có thể tiếp nhận tàu đến 100.000 DWT.
Thứ ba, với ngư trường rộng lớn trên 11.000 km2 và với đường bờ biển dài 130 km, tỉnh Quảng Ngãi cũng có những tiềm năng rất lớn để phát triển lĩnh vực du lịch và kinh tế biển.
Đặc biệt, Quảng Ngãi là vùng đất giàu truyền thống văn hoá và cách mạng, vùng đất của con người cần cù, thông minh, hiếu học, là yếu tố hứa hẹn nguồn lực chất lượng không chỉ cho Quảng Ngãi mà còn cho cả nước.
UBND tỉnh Quảng Ngãi trao giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án.
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu tổng quát: “Xây dựng vùng Kinh tế trọng điểm Miền Trung trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên, khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Là vùng công nghiệp gắn với biển và các trung tâm dịch vụ hiện đại.
“Phải đề cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, trách nhiệm với xã hội và cộng đồng bảo đảm phát triển bền vững. Thực hiện tốt các chế độ đối với người lao động; quan tâm xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa. Phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện đầu tư, sản xuất kinh doanh. Trường hợp cần thiết đề xuất, kiến nghị với các Bộ ngành chức năng, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết. Đối với Quảng Ngãi, Chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển toàn diện, sớm trở thành một trong những tỉnh công nghiệp, góp phần quan trọng vào sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và của cả nước”- Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Dịp này, tại hội nghị, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã trao Giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, thoả thuận đầu tư cho cho 14 dự án đầu tư quan trọng như: Nhà máy sản xuất vải Xindadong TEXTILES - Dung Quất, Nhà máy Nhựa Phúc Hà - Dung Quất, Trang trại bò sữa Vinamilk, trung tâm thương mại và siêu thị Hùng Cường Big C, thành phố giáo dục quốc tế Quảng Ngãi, nhà máy sản xuất bao bì công nghiệp Intersack Quảng Ngãi, Chuỗi nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao OFD Mộ Đức, Nhà máy tách và hóa lỏng khí công nghệ, … với tổng vốn đăng ký gần 24.000 tỷ đồng.