Thời gian qua, trên địa bàn TP Cần Thơ có một số vụ việc khiếu nại của dân gửi đến các cơ quan nhưng chính quyền lại giải quyết không dứt điểm, đôi khi lại bất nhất khiến vụ việc thêm phức tạp.
2 căn nhà siêu mỏng tồn tại hơn 11 năm.
Nhà siêu mỏng, lấn hành lang lộ giới
Trên địa bàn quận Ninh Kiều hiện tại vẫn còn nhiều nhà siêu mỏng sau khi thực hiện chủ trương giải tỏa, nâng cấp đô thị, trong đó có 2 căn nhà siêu mỏng trên đường 3-2 thuộc phường Xuân Khánh của bà Phan Thị Bê và ông Huỳnh Tấn Phát tại số 37 và 37A đường 3-2. Năm 2006, thực hiện dự án tuyến cống thoát nước và vỉa hè đường 3-2, những hộ dân nằm trong dự án buộc phải giải tỏa, được bồi thường thiệt hại về nhà đất, kiến trúc… Nhà ông Huỳnh Tấn Phát sau khi giải tỏa còn lại 4,54 m2. Hộ bà Phan Thị Bê sau khi giải tỏa còn lại 0,94 m2. Cả 2 hộ đều được đề xuất hỗ trợ tái định cư, đã nhận tiền bồi thường thiệt hại về vật kiến trúc.
Phần hỗ trợ tái định cư, UBND quận Ninh Kiều kết luận quận bố trí tái định cư cho 2 hộ vào khu tái định cư Thới Nhựt, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, còn tiền mua nền tái định cư giao cho Sở GD&ĐT chi trả vì Sở GD&ĐT được thụ hưởng phần đất sau khi giải tỏa để xây dựng khu giáo dục thể chất. Ấy vậy mà gần 10 năm qua, 2 hộ trên vẫn cứ ở trong những căn nhà siêu mỏng và lấn chiếm cả hành lang lộ giới ra tới sát mép đường để kinh doanh vì chủ trương bị “đánh trống, bỏ dùi”.
Bí thư Quận ủy Võ Thành Thống lúc đó, nay là Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nói rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng phải tiếp tục giải quyết dứt điểm và UBND quận Ninh Kiều cũng đã có công văn số 332/VPUB-TĐ ngày 19/8/2015 do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Kết ký, yêu cầu Trung tâm phát triển qũy đất quận Ninh Kiều rà soát, báo cáo và đề xuất UBND quận Ninh Kiều giải quyết theo qui định của pháp luật trong vòng 10 ngày kể từ ngày 19/8/2015. Vậy mà ông Lê Hoàng Đức- Giám đốc TTPTQĐ quận Ninh Kiều lại chểnh mảng không lo xúc tiến. Đến nay, đã 7 tháng trôi qua, Trung tâm vẫn không thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo.
Ở từ năm 1984 nhưng chưa được cấp sổ đỏ
Một trường hợp khác là của ông Đỗ Quốc Trung (SN1947), cán bộ hưu trí, thương binh, mua được mảnh đất 1.528,7 của bà Lê Ngọc Ên vào năm 1980, sau đó đến 1984 thì cất nhà bán kiên cố. Do khu đất trước đây nằm trong qui họach nên ông không được cất nhà kiên cố. Sau khi UBND tỉnh Cần Thơ (cũ) nay là TP Cần Thơ xóa qui hoạch, thì năm 2002, ông xin phép cất nhà kiên cố và làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận QSDĐ.
Lúc này, UBND quận Ninh Kiều cho rằng nguồn gốc đất của ông Đỗ Quốc Trung vào thời điểm 1994 vẫn là đất rẫy, năm 2002 mới xây dựng nhà ở và làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất nên tính thuế sử dụng đất của ông Trung bằng 50% theo giá đất qui định. Ông Trung khiếu nại cho rằng ông đã cất nhà từ năm 1984, được địa phương là UBND phường xác nhận nhưng Chi cục Thuế quận Ninh Kiều vẫn buộc ông Trung đóng 50% giá trị đất với số tiền là 525 triệu đồng.
Trong khi đó thì Nghị định số 45/2014-NĐ-CP ngày 15/4/2014 của Chính phủ tại khoản 3, điều 6, mục 1.a qui định rõ về việc thu tiền sử dụng đất đối với đất của hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng ổn định từ trước 15/3/1993 thì không phải nộp tiền sử dụng đất đối với diện tích đất ở đang sử dụng trong hạn mức được công nhận đất ở cho hộ gia đình, cá nhân. Ông Trung gửi đơn khiếu nại lên Cục Thuế thành phố thì Cục Thuế thành phố không trả lời mà lại giao cho Chi cục Thuế quận Ninh Kiều tiếp tục giải quyết. Thử hỏi kiểu “đá bóng” như vậy thì người dân có còn tin ở cơ quan cấp trên không?
Xây nhà không phép, lấn chiếm mương
Một trường hợp khác là của ông Nguyễn Thanh Liêm, ngụ tại tổ 7, khu vực Bình Dương, phường Long Tuyền, quận Bình Thủy mua mảnh đất của ông Nguyễn Văn Rùm. Sau đó ông Rùm lại bán mảnh đất khác cho bà Lê Thu Nga trùm lên con mương lộ mà ông Rùm đã bán cho ông Liêm. Sau khi mua được mảnh đất, năm 2005, bà Nga đã cất nhà trên phần dất ông Liêm nên phát sinh khiếu nại. UBND phường Long Tuyền và UBND quận Bình Thủy nhiều lần ra quyết định xử phạt hành chính đối với bà Lê Thu Nga về hành vi xây dựng không phép, lấn chiếm mương lộ đường 918 và có quyết định cưỡng chế.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà cả UBND quận Bình Thủy cũng như UBND phường Long Tuyền lại không cưỡng chế để 11 năm qua, gia đình ông Nguyễn Thanh Liêm bị hộ bà Lê Thu Nga lấn chiếm mương lộ, xây nhà không phép án ngữ mặt tiền nhà ông Liêm.
Qua 3 trường hợp vừa nêu, chỉ vì việc chỉ đạo không triệt để, thiếu kiên quyết trong điều hành nên nhiều vụ việc không được giải quyết rốt ráo. Mong sao trong năm 2016, nghị quyết của Thành ủy, chương trình hành động của UBND TP Cần Thơ đề ra là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính sẽ được các cấp ủy Đảng, chính quyền tích cực thực hiện để hiệu lực điều hành sẽ được cải thiện hơn, giúp dân không phải lãnh hậu qủa từ những chủ trương bất nhất.