Tại nhiều hội nghị ngành giáo dục thời gian qua, vấn đề chính sách cho giáo viên nói chung và hỗ trợ cho giáo viên trong thời gian dịch bệnh đã được đặt ra.
Khó chồng khó
Chị Nguyễn Linh, giáo viên mầm non (KĐT Hồng Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, trước thời điểm dịch bệnh, lớp học duy trì hơn 30 cháu nên chị thuê 3 ki - ốt để làm nơi dạy học ban ngày. 6 người trong gia đình cũng sinh hoạt tại đây luôn.
Tuy nhiên, dịch bệnh, học sinh nghỉ học, tiền thuê ki - ốt vẫn duy trì khoảng 20 triệu đồng/tháng và điện nước, phí dịch vụ của 3 ki - ốt là khoảng hơn 2,5 triệu đồng. Hiện chị Linh đang làm thủ tục xin hỗ trợ khó khăn do công việc của chồng cũng phập phù vì dịch, tuần đi làm 2 buổi còn 4 thành viên còn lại của gia đình làm ở trường mầm non đều không có thu nhập, trong khi chị Linh vẫn đang nuôi con nhỏ.
Trên thực tế, những nhóm lớp mầm non tư thục tương tự như của chị Linh tại Hà Nội và các thành phố lớn… không ít và thời gian này đang vô cùng khó khăn. Trả nhà thì không được vì đã ký hợp đồng dài hạn, phá hợp đồng sẽ phải bồi thường. Với những giáo viên các trường tư thục khác, việc duy trì cuộc sống khi ở nhà không có thu nhập, trong khi chi phí ăn uống, sinh hoạt điện nước mỗi ngày còn nhiều hơn khi đi làm thực sự là một bài toán khó. Trong khi các ngành nghề khác có thể làm online thì giáo viên mầm non không có thêm thu nhập chính thức nào vì trẻ mầm non không học trực tuyến.
“Dự kiến cả khi hết giãn cách thì học sinh cũng chưa thể đến trường ngay, nhất là mầm non. Tôi dự định, sắp tới sẽ tạm tìm công việc khác nếu trường chưa mở cửa trở lại chứ không thể ngồi nhà chờ trợ cấp được” – tâm sự của một giáo viên mầm non ở khu vực Hà Đông, Hà Nội được chia sẻ trên một diễn đàn giáo viên nhận được nhiều cảm thông của độc giả.
Để giáo viên yên tâm với nghề
Lâu nay, vấn đề chính sách cho giáo viên nói chung và hỗ trợ cho giáo viên trong thời gian dịch bệnh luôn được quan tâm. Đặc biệt với đối tượng giáo viên mầm non được đánh giá là có công việc vất vả, làm nhiều thời gian nhưng thu nhập thấp dẫn đến nhiều người học xong không làm nghề, chuyển sang làm kế toán, công nhân… như chia sẻ của ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Nam.
Thực tế làm trái ngành trái nghề không chỉ diễn ra với ngành sư phạm nhưng trong bối cảnh cả nước thiếu tới gần 95.000 giáo viên, phần lớn ở cấp mầm non và tiểu học thì việc đào tạo ra những giáo viên mầm non xong các giáo viên lại không đứng lớp thực sự là một điều đáng tiếc. Vì vậy, giải pháp trước mắt là những gói hỗ trợ cho giáo viên mầm non, đặc biệt là giáo viên mầm non ngoài công lập cần được triển khai nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng.
Bên cạnh đó, một số giáo viên mầm non tư nhân, không đóng bảo hiểm xã hội hiện không được hưởng mức hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ đồng, theo Điều 13 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg. Tuy nhiên, tại Điểm 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác có thể nhận mức hỗ trợ 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương. Người lao động cần liên hệ chính quyền địa phương để được hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền.
Về lâu dài, nâng mức đãi ngộ đối với giáo viên nói chung và giáo viên mầm non nói riêng tạo môi trường làm việc dân chủ, minh bạch để thầy cô yên tâm công tác là điều nhiều chuyên gia đã đề cập nhưng để giải quyết, không chỉ là câu chuyện của riêng ngành giáo dục.
Đổi mới giáo dục bắt đầu từ bậc học nền tảng, giáo dục mầm non, trong đó có vấn đề chính sách cho giáo viên là điều Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh tại hội nghị của ngành mới đây. Thời gian tới, cần những giải pháp đồng bộ và quyết liệt để không chỉ tuyển đủ giáo viên mầm non mà làm sao để các thầy cô yên tâm gắn bó lâu dài với nghề.
Tránh để xảy ra tình trạng giáo viên mầm non nghỉ việc
Bộ GDĐT vừa có văn bản gửi các sở GDĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm non với đề nghị các đơn vị khẩn trương rà soát, hỗ trợ giáo viên mầm non khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể, Bộ đề nghị địa phương khẩn trương rà soát, thống kê các thiệt hại của các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục; tham mưu chính quyền các cấp có giải pháp hỗ trợ khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động của đơn vị; hỗ trợ giáo viên khó khăn, tránh để xảy ra tình trạng giáo viên mầm non nghỉ việc, cơ sở giáo dục mầm non giải thể.