Xã hội

Chính sách hỗ trợ không hấp dẫn: Khó thu hút lao động phi chính thức học nghề

Lan Hương 31/07/2024 09:02

Hạn chế về trình độ chuyên môn kỹ thuật là một nguyên nhân khiến lao động phi chính thức không thể chuyển đổi công việc dù thu nhập từ công việc đó đôi khi không bảo đảm điều kiện sống tối thiểu. Vì vậy, để có một nền kinh tế phát triển và bền vững, cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động ngắn hạn.

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, số lao động phi chính thức là 33,4 triệu người, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức là 65%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.

Còn theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), hiện, có khoảng hơn 70% lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên. Con số này phản ánh một thách thức lớn mà thị trường lao động Việt Nam đang phải đối mặt. Điều này không chỉ cho thấy nhu cầu cần thiết trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn cả sự cấp thiết trong việc mở rộng cơ hội đào tạo và cấp bằng chuyên môn, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế hiện đại.

Ông Tạ Việt Anh – Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) cho biết, lao động phi chính thức thường làm các công việc giản đơn, ít đòi hỏi trình độ kỹ năng hoặc trình độ chuyên môn kỹ thuật. Khoảng 35,3% lao động phi chính thức làm nghề giản đơn, chiếm tỷ trọng cao nhất trong 9 nhóm nghề có sự tham gia của lao động phi chính thức. Số lao động phi chính thức làm các công việc có trình độ cao (như nhà chuyên môn kỹ thuật bậc cao; nhà chuyên môn kỹ thuật bậc trung; nhân viên văn phòng) chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp khoảng 1,9%. Đặc điểm này hoàn toàn trái ngược với lao động chính thức.

Đáng nói, khu vực lao động phi chính thức còn phải chịu sức ép gián tiếp từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thế giới và Việt Nam đang ở trong nền kinh tế số - thời kỳ mà Internet, công nghệ số, thiết bị thông minh, robot… được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực thay thế, phục vụ, đáp ứng nhu cầu con người.

“Kỷ nguyên số cũng tác động làm biến đổi thị trường lao động, nhiều ngành nghề, công việc truyền thống, thủ công bị xóa bỏ, nhiều lao động ở các quốc gia sẽ mất đi việc làm. Mặt khác, nó cũng sẽ mở ra cơ hội cho nhiều ngành nghề, công việc mới đòi hỏi ít nhân công và chất lượng lao động ở trình độ ngày càng cao hơn. Vì vậy, nếu không được đào tạo nghề, nâng cao kĩ năng lao động phi chính thức sẽ nằm trong nhóm yếu thế và bị mất việc làm rất lớn” - ông Việt Anh nhấn mạnh.

Đề cập về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động phi chính thức, ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên thuộc Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, công tác đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp và khu vực phi chính thức, lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp là chủ trương từ rất lâu.

Điển hình như Nghị quyết 06 của Chính phủ có nhiều giải pháp cụ thể, huy động sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Doanh nghiệp tham gia vào khâu đào tạo như: Trực tiếp đào tạo; phối hợp đào tạo theo đặt hàng... Ông Độ thông tin, tới đây, Bộ LĐTBXH sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành sửa đổi thông tư quy định đào tạo, trong đó có phần đào tạo nghề, truyền nghề để phù hợp công tác đào tạo nghề của các nghệ nhân.

Đánh giá cao giải pháp về đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động phi chính thức, song theo ông Việt Anh, để tạo việc làm bền vững hay nói đúng hơn là đảm bảo lưới an sinh bền vững cho lao động phi chính thức rất nhiều vấn đề thời sự đặt ra, cùng với đó là yêu cầu sửa đổi Luật Việc làm 2013 cho phù hợp với thực tế.

Thực tế trong dự thảo, Bộ LĐTBXH cho rằng, lao động tự do hiện đang chiếm tỷ lệ khá lớn, nhưng pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về vấn đề này. Cơ quan soạn thảo dự luật đề xuất bổ sung quy định xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý lao động, bổ sung quy định về hoạt động dịch vụ việc làm trên môi trường mạng, khu vực phi chính thức.

Bộ LĐTBXH cũng chỉ ra, cần nghiên cứu, xem xét quản lý lao động bằng “sổ lao động điện tử” gắn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở khác… Để từ đó có chính sách hỗ trợ, khuyến khích việc làm sáng tạo, trình độ cao như bảo hiểm, tài chính, YouTuber, Blogger... đến việc làm phổ thông như giao hàng, bán hàng online...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính sách hỗ trợ không hấp dẫn: Khó thu hút lao động phi chính thức học nghề