Với 93,84% đại biểu tán thành, sáng 14/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, trong đó có nội dung về đặt cược thể thao. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.
Các đại biểu nhấn nút thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao. Ảnh: Quang Vinh.
Theo đó, về đặt cược thể thao, Luật quy định, đặt cược thể thao là hình thức giải trí có thưởng mà người tham gia đặt cược thực hiện dự đoán về kết quả có thể xảy ra trong các sự kiện thể thao được sử dụng để kinh doanh đặt cược.
Kinh doanh đặt cược thể thao phải bảo đảm các nguyên tắc: kinh doanh đặt cược thể thao là hoạt động kinh doanh có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Doanh nghiệp kinh doanh đặt cược thể thao chỉ được hoạt động kinh doanh khi đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh đặt cược thể thao.
Hoạt động kinh doanh đặt cược phải minh bạch, khách quan, trung thực, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia. Đồng tiền sử dụng để đặt cược thể thao, trả thưởng trong kinh doanh đặt cược thể thao là đồng Việt Nam.
Chính phủ quyết định Danh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược thể thao, quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao.
Ngoài ra, về chính sách của Nhà nước về phát triển thể dục, thể thao, Luật sửa đổi, bổ sung khoản 4, điều 4 Luật Thể dục, thể thao số 77/2006/QH như sau: ưu tiên đầu tư phát triển thể dục, thể thao ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên phát triển môn bơi, võ cổ truyền và các môn thể thao dân tộc.
Về những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thể dục, thể thao, Luật sửa đổi bổ sung khoản 1, điều 10, theo đó, nghiêm cấm lợi dụng hoạt động thể dục, thể thao xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến sức khoẻ, tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín của con người và nghiêm cấm hoạt động thể dục, thể thao trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và bản sắc văn hoá dân tộc. Đồng thời, Luật bổ sung vào khoản 7, điều 10, theo đó, nghiêm cấm tổ chức đặt cược thể thao trái phép, đặt cược thể thao trái phép.
Về thẩm quyền quyết định tổ chức giải thể thao quần chúng, Luật quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức các giải thể thao quần chúng gồm: Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho người khuyết tật theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho học sinh, sinh viên; Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc cho học sinh theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đại hội thể thao khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho lực lượng vũ trang theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.
Ngoài ra, Luật quy định, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định tổ chức giải thi đấu từng môn thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho học sinh, sinh viên và lực lượng vũ trang.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định tổ chức giải thi đấu từng môn thể thao cấp khu vực, châu lục và thế giới tổ chức tại Việt Nam cho người khuyết tật; giải thi đấu thể thao quần chúng ở cấp quốc gia.
UBND các cấp quyết định tổ chức giải thi đấu thể thao quần chúng của địa phương mình...
Về thi đấu thể thao trong nhà trường, Luật quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND các cấp có trách nhiệm tổ chức thi đấu thể thao để phát triển phong trào thể dục, thể thao trong nhà trường.
Nhà trường có trách nhiệm tổ chức thi đấu thể thao ít nhất một lần trong mỗi năm học.
Nội dung, hình thức và các quy định về thi đấu thể thao phải phù hợp với đặc điểm tâm lý, sinh lý lứa tuổi của người học và điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.
Đối với phát triển thể thao thành tích cao, luật quy định Thể thao thành tích cao là hoạt động huấn luyện và thi đấu thể thao có hệ thống của huấn luyện viên, vận động viên nhằm đạt được thành tích, kỷ lục thể thao. Nhà nước có chính sách phát triển thể thao thành tích cao, đầu tư tập trung xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại; đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, huấn luyện viên đạt trình độ quốc gia, quốc tế; tổ chức thi đấu thể thao thành tích cao, tham gia các giải thể thao quốc tế; khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển thể thao thành tích cao; có chính sách đặc thù cho vận động viên nữ, huấn luyện viên nữ trong quá trình tập luyện, thi đấu.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019.