Khi người dân Mỹ theo dõi vòng tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa hai ứng viên Hillary Clinton và Donald Trump, điều mà họ đặc biệt chú ý tới không chỉ là những chính sách và lời hứa hẹn, mà lại là vẻ bề ngoài của những người sẽ trở thành tân lãnh đạo của họ. Nói cách khác, đó là một cuộc chiến về xây dựng hình ảnh.
Bà Hillary Clinton và ông Donald Trump thể hiện rõ sự đối nghịch về tạo dựng hình ảnh trước công chúng (CNN).
Luôn quan trọng
Khi ứng viên đảng Dân chủ- bà Hillary Clinton bước lên đài tranh luận trong vòng đối đầu trực tiếp đầu tiên, bộ đồ đỏ của bà đã tạo ấn tượng rất tốt. Từ vài tháng trước đó, nữ ứng viên đầu tiên tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng này đã được dư luận theo dõi rất kỹ: Từ các chính sách cho nước Mỹ, bê bối email cá nhân, tình hình sức khỏe…và cả thời trang.
Có thể nói không nơi nào trên thế giới lại đặt sự quan tâm vào thời trang và tóc tai của giới chính trị gia nhiều như ở nước Mỹ. Bộ quần áo trắng muốt mà bà Hillary Clinton từng mặc trong Đại hội đảng Dân chủ trước đây đã thu hút được vô số bình luận, với muôn vàn kiểu đánh giá: Để thể hiện sự tự tin, tự coi mình như một nguồn sáng dẫn dắt, làm nổi bật phần màu trắng trên lá quốc kỳ Mỹ, hay tượng trưng cho quyền được bầu cử của nữ giới…
Trong khi đó, đối thủ của bà, tỷ phú Donald Trump lại dường như ít quan tâm hơn tới kiểu cách ăn mặc nên không ít lần bị cộng đồng mạng lấy ra làm trò cười, nhất là khi thấy màu da rám nắng của ông, bộ cánh rộng thùng thình, kiểu tóc và thậm chí là cả bàn tay nhỏ kỳ lạ.
Quá soi xét vẻ bề ngoài của mỗi ứng viên chạy đua vào Nhà Trắng dường như là một điều khá ngốc nghếch và không hợp lệ, nhất là khi một trong hai người này sẽ phải đảm đương công việc vận hành một quốc gia. Nhưng sẽ thật sai lầm khi cho rằng hình thức không quan trọng trong chính trị - bởi hầu hết các chính trị hiện đại ngày nay dựa cả vào phẩm chất và hình ảnh của họ.
Nhiều nghiên cứu cho thấy hình thức đóng vai trò quan trọng trong chính trị, hơn nhiều so với chúng ta suy nghĩ.
Trong một nghiên cứu mà Giáo sư Alexander Todorov thuộc ĐH Princeton công bố và được đăng tải trên tạp chí Psycological Science năm 2006, những tình nguyện viên tham gia dù chỉ được cho nhìn qua các bức ảnh chính trị gia ít tiếng tăm cũng có thể đoán được chính xác đến 70% ai sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Thượng viện và Hạ viện tổ chức năm đó.
Vậy nên, khi cựu đối thủ Marco Rubio chê bai Donald Trump có bàn tay quá nhỏ, nó dường như để ám chỉ rằng Trump không có khả năng làm lãnh đạo của nước Mỹ.
“Chúng ta đang sống trong một xã hội rất trực quan”- Corey Roche, một nhà tạo mẫu nổi tiếng trong giới diễn viên Hollywood và tại Washington, nói. “Thời trang là một thứ ngôn ngữ phổ biến, và dù tin hay không, nó là một trong những ấn tượng đầu tiên và tồn tại lâu nhất”.
Tiến sỹ Rebecca Arnold, giảng viên về lịch sử thời trang và vải vóc tại Viện Courtauld, cũng nhận định rằng tầm quan trọng của vẻ bề ngoài của giới chính trị gia đã tăng lên rất nhiều trong thời đại của mạng xã hội. “Nó phản ánh văn hóa của chúng ta. Nhiều người còn bị ám ảnh bởi vẻ bề ngoài, đặc biệt là khi hình ảnh của họ xuất hiện trên các mạng truyền thông điện tử”.
Truyền thống và cách tân
Tuy cả hai giới đều bị ảnh hưởng bởi vẻ bề ngoài như nhau, nhưng dường như các nữ lãnh đạo, Đệ nhất phu nhân hay vợ của các chính trị gia nổi tiếng lại được người ta chú ý về vẻ ngoài nhiều hơn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Như ở Đức, Thủ tướng Angela Merkel có xu hướng lựa chọn trang phục tương đồng với bộ cánh của đàn ông bởi bà mong muốn xây dựng hình ảnh một người phụ nữ cũng mạnh mẽ không kém phần đàn ông. Chiến lược này cũng được áp dụng bởi lãnh đạo Chile Michelle Bachelet, cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và Bộ trưởng Đầu tiên Scotland Nicola Sturgeon.
“Bà đầm thép” Margaret Thatcher trước đây cũng có chiến lược hình ảnh riêng của mình khi thường xuất hiện cùng chuỗi vòng ngọc trai và những chiếc túi sách để tạo nên hình ảnh gần như biếm họa, trong khi cựu Tổng thống Argentina Cristina Ferrnandez de Kirchner lại nổi tiếng nhờ mang chuỗi vòng rất nữ tính.
Đến nay, Hillary Clinton và nữ Thủ tướng Anh Theresa May, hai người phụ nữ quyền lực của thế giới, đang dần định hình một phong cách thời trang mới cho các nữ lãnh đạo.
Là một fan bự của tạp chí thời trang Vogue hay những chiếc vòng cổ, tình yêu đối với thời trang của bà Theresa May đã được người dân khắp thế giới biết đến ngay sau khi bà nhậm chức. Vị nữ Thủ tướng này cho rằng việc bà yêu thích thời trang và việc Anh rời khỏi EU không có gì liên quan tới nhau. Đây là một thông điệp tích cực mà bà đưa ra cho phụ nữ trẻ tuổi: Họ có thể ăn mặc đẹp trong khi vẫn làm việc một cách nghiêm túc.
Nữ Thủ tướng Anh Theresa May trở nên nổi tiếng nhờ đôi giày da báo khi tuyên thệ nhậm chức. (Getty).
Cách sử dụng thời trang để tạo dựng hình ảnh của bà cũng rất khôn khéo. Chỉ riêng khoảnh khắc mà bà đứng trước số 10 phố Downing trong khi mang một đôi giày da báo nổi bật đã khiến cộng đồng mạng cảm thấy rất thú vị trong khi họ còn chưa kịp để ý đến những gì bà phát biểu.
Bà Clinton tuy không có hứng thú với thời trang như bà May, nhưng cũng hiểu rất rõ tầm quan trọng của vẻ ngoài. Thái độ của cựu Ngoại trưởng Mỹ đối với thời trang đã thay đổi rất nhiều kể từ khi bà tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. Bà đã thuê Kristina Schake, một cựu cố vấn của Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, để giúp tạo dựng hình ảnh của bản thân và thuê một chuyên gia trang điểm khác. Bà thậm chí còn xuất hiện trên cả tạp chí Vogue, điều mà trước đây bà luôn tránh.
Hiệu ứng từ hình ảnh
Trang phục khoác trên người mỗi chính trị gia đều mang một ý nghĩa ngầm mà họ mong muốn truyền tải tới công chúng và gây hiệu ứng về hình ảnh rất khác nhau.
Corey Roche nói rằng, một trong số vấn đề mà người ta bàn tán nhiều nhất về trang phục của giới chính trị gia chính là giá tiền của các trang phục đó. Như trường hợp của Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đã bị chê bai ghê gớm vì mang một đôi giày lười trị giá 800 USD dù ông rất giàu có.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng từng bị chỉ trích vì chi ra 10.000 euro mỗi năm để chăm sóc tóc.
Còn về Donald Trump, Roche nói rằng vị ứng viên này luôn cố gắng ăn mặc sao cho giống một vị chính trị gia lỗi lạc, nhưng đôi lúc quần áo của ông lại rộng thùng thình trong khi mái tóc đã trở thành một đề tài châm biếm của cư dân mạng. “Trump đã lựa chọn ăn mặc giống như một chính trị gia hơn là một nhà tài phiệt đến từ Phố Wall, và điều đó giúp ông ta có được sự ủng hộ”; Roche nói.
Cũng như các chính trị gia khác, ông Trump có chiến lược hình ảnh của mình trong đó gợi nhớ lại cách ăn mặc của giới chính trị gia thời giữa những năm 1980, với mục đích đưa ra thông điệp vực lại những giá trị tốt đẹp xưa cũ của nước Mỹ. Kể từ đầu chiến dịch tranh cử, ông này luôn mặc độc một bộ vét màu xanh, không bao giờ đụng tới đồ thể thao; điều này đã góp phần xây dựng hình ảnh một lãnh đạo kinh tế kiểu truyền thống.
Từng là một ngôi sao trong làng giải trí, ông Trump vốn là người luôn hiểu rõ tầm quan trọng của việc xây dựng hình ảnh bản thân. Tuy mái tóc và làn da khác biệt của ông luôn bị lấy ra làm trò cười cho thiên hạ suốt nhiều thập kỷ qua, nhưng chính chúng đã tạo nên thương hiệu Trump, và nhắc cho các cử tri nhớ rằng chỉ có ông mới có những đặc điểm khác lạ đó.