Chính trường dành cho phái yếu

Lã Thế Tuấn 26/01/2017 10:10

Người ta từng nói về một thời kỳ “âm thịnh dương suy” khi mà chính trường thế giới xuất hiện nhiều gương mặt nữ và họ đều là những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn, lãnh đạo có “đường nét”. Tuy nhiên, năm 2016 cũng đã chứng kiến sự khó khăn, vất vả của không ít nữ chính trị gia. Trong đó có thể kể đến bà Hillary Cliton, Park Geun-hye, Theresa May và Angela Merkel.

Bà Hillary Clinton.

1. Cuộc chạy đua vào Nhà trắng gần như suốt cả năm 2016 không chỉ khiến nước Mỹ lúc thì hồi hộp, khi thì căng thẳng, kể cả sôi sục. Và đến phút chót, bà Hillary đã thua ông Donald Trump.

Đây có thể coi là cuộc đấu ngoạn mục và bất ngờ nhất trong lịch sử cuộc đua vào Nhà Trắng. Và, đây cũng được coi là thất bại nặng nề của truyền thông Mỹ khi mà hầu hết đều cho rằng bà Clinton thắng ông Trump “là lẽ đương nhiên”, khi mà một người bước vào cuộc đua với dày dạn kinh nghiệm chính trường, được hậu thuẫn bởi một dòng họ trâm anh thế phiệt- trong khi đối thủ đơn giản chỉ là một tỉ phú địa ốc, người chưa từng có một chút kinh nghiệm trong đấu trường chính trị.

Bà Hillary Diane Rodham Clinton (sinh ngày 26-10-1947), từng là Ngoại trưởng trong nội các của Tổng thống Barack Obama (từ ngày 21/1/2009 đến ngày 1/2/2013); là Đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ trong thời gian ông Bill Clinton làm Tổng thống từ năm 1993 đến năm 2001; Tiến sĩ Luật (năm 1973).Bà Clinton được coi là “có tố chất lãnh đạo thượng thừa” ngay từ khi còn là sinh viên.

Cuộc đấu Clinton - Trump được coi là không cân sức, khi giới quan sát lẫn giới truyền thông đều hào hứng ngả về bà Clinton. Vì thế khi bà Clinton thất bại, nhiều người chưng hửng. Còn bản thân bà Clinton không phát biểu nhiều, chấp nhận sự nghiệp chính trị đã khép lại.

“Giờ đây bà Clinton không còn là một “võ sĩ giác đấu” nữa mà đã trở thành “người quan sát” xem nước Mỹ sẽ đi về đâu, “khi mà bà không bao giờ trở thành người cầm lái”- Phllipe Moris, bình luận viên chính trị Mỹ nhận xét “một cách hờ hững”.

2. Theresa Mary May- nữ Thủ tướng Vương quốc Anh và Bắc Ireland thời kỳ Brexit, sinh ngày 1/10/1956, hoạt động chính trị từ sớm, thành viên đảng Bảo thủ Anh. Trước khi ông David Cameron từ chức Thủ tướng, bà May là Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Bà Theresa Mary May.

Khi bà May thay ông Cameron, nhiều bình luận được đưa ra, trong đó có ý kiến cho rằng bà “ăn may”; cũng lại có ý kiến cho rằng bà sẽ “nhận trái đắng” khi lãnh đạo nước Anh rời khỏi EU.

Tuy nhiên, nhận xét trên tờ Financial Times là rất đáng lưu ý khi cho rằng bà May là một “chính trị gia là người hoàn tất công việc mình không kiêng nể ai”. Tờ này còn so sánh bà May với Thủ tướng Đức Angela Merkel khi cả hai cùng có cha là Mục sư, và cả hai đều không có con.

Khi trở thành Thủ tướng nước Anh, trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, bà May nhấn mạnh cam kết thúc đẩy Brexit nhưng giải thích rằng Anh cần một khoảng thời gian để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán “thực hiện trong tinh thần xây dựng và tích cực”.

Thách thức đối với bà May là hết sức nặng nề, khi mà tương lai nước Anh hậu Brexit không rõ sẽ ra sao: tốt lên hay xấu đi. Quan hệ kinh tế Anh-EU sẽ ra sao khi không còn chung một con thuyền và giá trị của đồng bảng Anh?

3. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sau nhiều tháng ngày vật vã trước sức ép đòi bà từ chức đến từ nhiều phía, cuối cùng cũng đành buông tay thúc thủ, chờ đến phút phán quyết cuối cùng của Quốc hội thời gian không lâu nữa.

Bà Park Geun-hye.

Bà Park sinh ngày 2/2/1952, nhậm chức Tổng thống Hàn Quốc ngày 25/2/2013, trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc. Là con gái lớn của cố Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee. Chính ảnh hưởng của người cha quá cố đã giúp bà Park có được nhiều ảnh hưởng tại chính trường nước này.

Trước khi được bầu làm Tổng thống, bà Park từng là Nghị sĩ Quốc hội 5 khóa liên tiếp và đã kinh qua chức vụ Chủ tịch Ủy ban Ứng phó khẩn cấp của đảng Saenuri.

Ngay từ khi lên làm Tổng thống (2012) bà Park đã nhận không ít sự hoài nghi. Nói như những người thân tín của bà thì “nhất cử nhất động của bà Park đều bị dòm ngó”, tuy rằng bà có cuộc sống cá nhân khép kín. Bà Park rất ít bạn bè cũng như cũng không thường xuyên ghé thăm những người trong gia tộc.

Năm 2014, khi xảy ra vụ đắm phà Sewol, bà Tổng thống chính thức “rơi vào tầm ngắm”. Vụ chìm phà được coi là thảm họa, nhưng trong vòng nhiều giờ đồng hồ Tổng thống không lên tiếng khiến nhiều nghi vấn xuất hiện. Lúc bấy giờ, Chánh Văn phòng Tổng thống cũng chỉ nói úp mở không chính thức rằng chưa rõ Tổng thống đang ở đâu.

Sau này, phe đối lập cho rằng, Tổng thống đã vắng mặt 7 giờ đồng hồ chỉ vì đi... làm đẹp. Đối thủ chính trị của bà Park mỉa mai rằng Tổng thống đã “bỏ rơi thần dân, không làm trách nhiệm của người đứng đầu quốc gia” để lo cho bản thân.

Nhưng đỉnh điểm của sự phản ứng dẫn đến những cuộc biểu tình liên miên đòi bà Park từ chức chính là việc một người bạn gái của bà đã lợi dụng tín nhiệm, uy lực của Tổng thống để trục lợi. Đây được coi là đòn cuối cùng, cú knock-out hạ gục bà Park.

Mọi nỗ lực duy trì quyền lực của bà Park đã tan thành mây khói. Cánh cửa tương lai đã khép lại, vì ngay cả đồng đội, người thân cũng lần lượt bỏ rơi bà.

4. Hiện, nữ Thủ tướng danh giá nhất chính là bà Angela Dorothea Merkel. Bà sinh tại Hamburg, Đức, ngày 17/7/1954.

Bà Angela Merkel.

Con đường chính trị và quyền lực của bà Merkel là rất ngoạn mục. Năm 2000, bà trúng cử vào Quốc hội từ bang Mecklenburg-Vorpommern. Bà là người phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ Thủ tướng Đức (kể từ năm 1871), cũng là công dân đầu tiên của Cộng hoà Dân chủ Đức (Đông Đức) trở thành Thủ tướng nước Đức thống nhất.

Nếu tính từ năm 2006, bà cũng là Thủ tướng trẻ tuổi nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Cũng trong năm này, Tạp chí Forbes đã bình chọn bà Merkel đứng đầu danh sách 100 phụ nữ nhiều quyền lực nhất thế giới. Năm sau bà tiếp tục giữ vị trí này. Tới tháng 8/2008, bà Merkel lại tiếp tục là nhân vật số một theo bình chọn của Tạp chí Forbes.

Năm 2014, bà được tờ Times chọn là “Người của năm 2014”, với vai trò trung gian giữa Đông và Tây, qua những trao đổi với Tổng thống Nga Putin. Báo này viết: “Bà là người mà chúng ta cần, trong một thế giới của những người đàn ông nguy hiểm” và “bà đã giúp đỡ Tây Âu tập trung vào những giá trị quan trọng nhất”.

Chưa hết, năm 2015, bà được Tạp chí Time bầu chọn là nhân vật của năm do vai trò lãnh đạo của bà trong cuộc khủng hoảng nợ công, khủng hoảng người nhập cư châu Âu cũng như cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Cách đây chưa lâu, bà Merkel đã chính thức tuyên bố ra tranh cử Thủ tướng nhiệm kỳ 3. Quan điểm và cách hành xử của bà được nhiều quốc gia châu Âu đánh giá cao. Trong khi chủ nghĩa dân tộc cực đoan và trào lưu dân túy dâng lên, thì bà Merkel vẫn giữ quan điểm mở rộng và liên kết. Việc Thủ tướng Đức- người đứng đầu nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu không “bỏ rơi” đồng minh trong nợ nần được đánh giá cao.

Tuy nhiên, bà Merkel đã không nhận được sự đồng thuận cao khi “cởi mở” trong chính sách nhập cư, bởi có ý kiến cho rằng không ít người nhập cư là “tay trong” cho các nhóm khủng bố, kể cả IS.

*
* *

4 nữ nguyên thủ với những chuyện vui buồn, trong đó 2 người đã rời khỏi vũ đài chính trị; 2 người còn lại thì đang đối diện với không ít khó khăn. Giới quan sát còn lo ngại “một cuộc so găng” giữa bà May với bà Merkel về vụ Brexit. Nhưng đó là câu chuyện vẫn đang còn ở phía trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính trường dành cho phái yếu