Ngày 2/6, với 87 phiếu thuận trong Quốc hội Israel gồm 120 ghế, ông Isaac Herzog, cựu lãnh đạo đảng Lao động, đã được bầu chọn là Tổng thống thứ 11 của nước này.
Diễn biến này đã thu hút sự quan tâm rộng rãi vì rằng Israel luôn được coi là “điểm nóng” ở Trung Đông, và họ cũng mới chấm dứt “cuộc chiến 11 ngày” với lực lượng Hamas tại Dải Gaza.
Trong cuộc bỏ phiếu kín tại Quốc hội, ông Herzog, 60 tuổi, đã vượt qua đối thủ là bà Miriam Peretz, trở thành người thay thế Tổng thống Reuven Rivlin sắp mãn nhiệm vào tháng tới. Theo kế hoạch, ông Herzog sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 9/7, khi mà đương kim Tổng thống Rivlin mãn nhiệm sau 7 năm tại vị.
Phát biểu sau khi được bầu làm Tổng thống, ông Herzog cam kết lắng nghe mọi ý kiến, cũng như nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng sự đoàn kết. Ông Herzog cho rằng thách thức phía trước rất lớn “ngay trước mắt” là phải bảo vệ vị thế của Israel trên trường quốc tế, chống lại chủ nghĩa bài Do Thái và sự thù hận đối với Israel.
Ông Herzog là con trai của Tổng thống thứ 6 của Israel (ông Chaim Herzog, người có 2 nhiệm kỳ kéo dài từ năm 1983-1993). Ông Herzog cũng từng là đại diện của Israel tại Liên hợp quốc trong vòng 3 năm.
Đáng chú ý, cũng trong ngày 2/6, lãnh đạo đảng Yesh Atid đối lập, ông Yair Lapid đã chính thức thông báo với Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội Israel về việc đạt được thỏa thuận với các đảng phái liên minh để thành lập Chính phủ mới, nhằm thay thế cho Chính phủ hiện nay của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Thông báo được ông Lapid gửi tới Tổng thống Reuven Rivlin có đoạn: “Tôi rất vinh dự thông báo với Tổng thống về việc đã thực hiện thành công nhiệm vụ thành lập Chính phủ mới”.
Văn phòng Tổng thống Israel cho biết, ông Rivlin ngay sau đó đã gọi điện chúc mừng ông Lapid.
Trước đó, hôm 6/5, ông Lapid được Tổng thống Rivlin giao nhiệm vụ đứng ra đàm phán thành lập Chính phủ sau thất bại của Thủ tướng Netanyahu. Hạn chót để ông Lapid hoàn thành nhiệm vụ này là trước 23h59’ ngày 2/6, và nó đã được hoàn thành đúng thời hạn. Người ủng hộ quyết liệt ông Lapid là ông Naftali Bennett - lãnh đạo đảng Yamina. Theo thỏa thuận, ông Bennett và ông Lapid sẽ luân phiên nhau làm Thủ tướng trong Chính phủ mới trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Tuy mọi sự chưa hẳn đã ngã ngũ vì Thủ tướng đương nhiệm Netanyahu là một chính trị gia lão luyện nhưng giới quan sát cho rằng chính trường Israel “rung lắc” là không tránh khỏi. Người ta đã bắt đầu “dựng lại chân dung” 1 trong 2 “Thủ tướng tương lai” là ông Bennett - cựu biệt kích, từng là Bộ trưởng Quốc phòng và đồng minh của ông Netanyahu.
Theo tờ Al Jazeera, ông Naftali Bennett đã tiến một bước gần hơn đến việc thay thế Thủ tướng kỳ cựu của Israel, ông Benjamin Netanyahu. Là một cựu lính biệt kích thuộc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), sau đó trở thành một triệu phú doanh nhân công nghệ, ông Bennett tiếp tục thành danh trong lĩnh vực chính trị. Chính trị gia 49 tuổi, người đã thuyết phục các cử tri cực hữu kêu gọi chính quyền Israel sáp nhập các phần chiếm đóng ở khu Bờ Tây.
Ông được coi là một chính trị gia “máu lửa”, theo quan điểm tự do kinh tế và theo đuổi đường lối mạnh mẽ chống Iran - quốc gia giàu tiềm lực nhất ở Trung Đông. Trước, ông Bennett từng đảm nhiệm một số vị trí trong các chính phủ của ông Netanyahu, như Bộ trưởng Quốc phòng, rồi Bộ trưởng Kinh tế và Bộ trưởng Giáo dục. Tuy nhiên, sau đó, kể từ tháng 5/2020, đã có mối bất hòa giữa ông với Thủ tướng dẫn đến việc ông rời Nội các.
Lần này, với sự trở lại nhắm tới ghế Thủ tướng, ông Bennett được coi là “đầy sức mạnh”. Giới quan sát cũng cho rằng, trong trường hợp ông Bennett nắm quyền thì chính sách của Israel đối với Palestines sẽ “căng hơn”, điều đó cũng sẽ tương tự đối với các quốc gia Arab trong vùng.
Tuy nhiên, với một động tác được cho là trấn an, ông Bennett đã phát biểu trên Đài phát thanh quân đội Israel: “Trong những năm tới, chúng ta cần tạm gác chính trị và các vấn đề như sáp nhập (Bờ Tây) hay Nhà nước Palestine, để tập trung vào việc giành quyền kiểm soát đại dịch Covid-19, hàn gắn nền kinh tế và hàn gắn những rạn nứt nội bộ”.