Nhắc đến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, bên cạnh tên tuổi Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên - vị Tư lệnh tài danh gắn với những giai thoại đã trở thành câu chuyện kể thuộc lòng không chỉ với bộ đội Trường Sơn mà còn đối với thế hệ trẻ hôm nay; chúng ta không thể không nhắc đến Chính ủy Đặng Tính, một con người đặc biệt xuất sắc.
Thật thương tiếc khi ông sớm hi sinh ngay tại tuyến đường Trường Sơn ngày 3-4-1973 tại Pắc Soòng - Nam Lào trong chuyến đi công tác. Cả Trường Sơn lặng đi trước mất mát này. Người đau đớn nhất chính là Đồng Sĩ Nguyên. Tư lệnh gạt nước mắt nói phải lập tức tìm mọi cách đưa thi hài Chính ủy ra Hà Nội, còn ông vẫn chỉ đạo bộ đội Trường Sơn nắm chắc tay súng lập công.
Khi hy sinh, Chính ủy Đặng Tính đã có quyết định bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Ông cũng là người được dự kiến phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng. Từ những đóng góp xuất sắc của ông, năm 2015, Chính ủy Đặng Tính đã được Đảng và Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Vị Chính ủy của Trường Sơn huyền thoại tên thật là Đặng Văn Ty, sinh năm 1920 tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Đông. Ông tham gia cách mạng năm 1944 trong tổ chức Thanh niên Cứu quốc, là một trong những người sáng lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông vào Đảng năm 1945, tiếp đó tham gia khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Bắc Giang. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đảm nhiệm các chức vụ: Bí thư tỉnh ủy Hải Dương (1946); Chính ủy Mặt trận đường số 5 Hà Nội - Hải Phòng (1950-1951); Chính ủy Liên khu 3 rồi Tư lệnh kiêm Phó Bí thư khu Tả Ngạn Sông Hồng (1951-1953); Cục trưởng Cục dân quân; Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu; Cục trưởng Cục Không quân (1954-1962). Khi Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân được thành lập năm 1962, Đại tá Đặng Tính được bổ nhiệm làm Chính ủy, tướng Phùng Thế Tài làm Tư lệnh. Chính hai ông đã là những hòn đá tảng góp phần xây dựng lên truyền thống vẻ vang của bộ đội Phòng không - Không quân.
Trước tình hình tuyến đường Trường Sơn rất cần một vị Chính ủy dày dặn kinh nghiệm, Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên khi ra Hà Nội làm việc với Quân ủy Trung ương. Thượng tướng Song Hào - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị trực tiếp nói với vị Tư lệnh Trường Sơn rằng: “Trong các Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, các Chính ủy quân khu, quân chủng, anh muốn xin ai thì Quân ủy sẽ quyết cho người đó”. Vốn từng biết tới Đặng Tính từ thời chống Pháp, Đồng Sĩ Nguyên xin Đặng Tính. Ngày 24/10/1971, Đặng Tính chính thức nhận nhiệm vụ Chính ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
Đối với mỗi người chiến sĩ Trường Sơn, Đặng Tính luôn là người vô cùng gần gũi. Ở đâu có bom đạn ác liệt, ở đó có nụ cười đặc trưng của Chính ủy ngay bên cạnh hố bom. Tại Ba Lòng - Quảng Trị, tháng 3/1972, khi đợt bom B52 rải thảm vừa dứt, bộ đội Công binh ào xuống sửa đường đã thấy Chính ủy Đặng Tính ở đó rồi. Cởi quần dài buộc lên cổ, hòa vào đội hình chiến sĩ Công binh vác đá lấp hố bom, Chính ủy như người cha, người anh, người chị, người bạn thân thiết của bộ đội Trường Sơn. Ông cắt tóc cho thương binh, lợp lán cùng chiến sĩ, nói chuyện thời sự như một báo cáo viên và đọc thơ, làm thơ như một nhà thơ đích thực. “Binh chủng” đặc biệt -“Binh chủng văn nghệ sĩ” Trường Sơn huyền thoại có công rất lớn của Chính ủy Đặng Tính. Chính ông chủ trương đưa các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, điêu khắc, nhạc sĩ, văn công, tuyên văn, với các tác phẩm văn học nghệ thuật sáng tác tại chỗ, biểu diễn tại chỗ, trực tiếp cổ vũ, động viên tinh thần quyết chiến quyết thắng cho cán bộ chiến sĩ, góp phần hun đúc và xây dựng phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Trường Sơn - Bộ đội cụ Hồ. Trường Sơn cũng là chiến trường có nhiều bài hát nổi tiếng nhất, nhiều trường ca ca ngợi nhất, nhiều tiểu thuyết viết về chiến tranh nhất. Chính sự xum xuê của các loại hình văn học nghệ thuật khắc họa cuộc chiến đấu vẻ vang của bộ đội Trường Sơn đã cho thấy sự tất thắng của đoàn quân chính nghĩa. Đội ngũ từ Trường Sơn sinh ra có Phạm Tiến Duật, Lê Lựu, Lê Minh Khuê, Khuất Quang Thụy, Phạm Hoa, Nguyễn Duy, Trần Nhương, Nguyễn Thụy Kha, Quang Chuyền, Trọng Khoát... (văn, thơ), Hoàng Đình Tài, Đức Dụ, Bùi Quang Ánh… (họa sĩ), Hoàng Kim Đáng, Vương Hồng… (nhiếp ảnh). Một số lớn tác giả vào Trường Sơn và đã cho ra đời nhiều tác phẩm như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thị Như Trang, Nguyễn Khải, Xuân Sách, Phạm Ngọc Cảnh, Ngô Văn Phú, Huy Du, Huy Thục, Vũ Trọng Hối, Trọng Loan, Tân Huyền, Hoàng Hiệp, Trần Chung, Nguyên Nhung… Nhiều tác phẩm về Trường Sơn đến bây giờ vẫn được người đọc yêu mến. Ở Trường Sơn ngày đó máu vẫn đổ nhưng lời ca, tiếng hát, văn thơ luôn luôn được ngân lên. Tiếng bom dẫu gầm vang đến mấy vẫn không thể giết được những câu thơ ở Trường Sơn. Chính sự cân bằng ấy, từ thẳm sâu cách nghĩ của vị Chính ủy đã góp phần để Bộ đội Trường Sơn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Có thể nói chính họ đã làm nên diện mạo văn học nghệ thuật chống Mỹ. Văn nghệ sĩ Trường Sơn đến hôm nay đội ngũ vẫn điệp trùng như những ngày còn bom đạn trong những cánh rừng. Ký ức của hàng chục vạn bộ đội, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong từ những tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời ở Trường Sơn, phục vụ người chiến sĩ và nhân dân cả nước, mãi đồng hành với chúng ta trong cuộc sống hôm nay có công không nhỏ của vị Chính ủy tài danh.
Trong suốt thời gian chiến đấu anh dũng của bộ đội Trường Sơn trên tuyến đường mang tên Bác, bộ đội ta đã phải đối mặt với mọi thủ đoạn, mọi phương tiện và vũ khí tối tân nhất của đế quốc Mỹ. Để đưa được một cân hàng, một khẩu súng vào chi viện cho miền Nam, chúng ta đều phải trả giá bằng xương máu. Bộ đội Trường Sơn trong đó có rất nhiều thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến đã chiến đấu kiên cường, giành giật từng thước đường với lời thề Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc; Còn người còn xe, còn hàng; Tận tình với đồng chí, tận nghĩa với chiến trường; Coi dây như ruột, coi cột như xương. Bộ đội Trường Sơn đã làm nên hệ thống giao thông huyền thoại gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với hơn 17 nghìn km đường cơ giới, vận chuyển hơn 1,8 triệu tấn vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm chi viện cho các hướng chiến trường. Địch dùng mọi thứ để hủy diệt tuyến đường Trường Sơn. Ta vừa đánh địch vừa mở rộng tuyến đường chi viện cho miền Nam ngày càng vững chắc. Bộ đội Trường Sơn đã tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng vùng rộng lớn; bắn rơi tại chỗ 2.455 máy bay, mở 3.000km đường giao liên, tổ chức cho hơn 2 triệu lượt người vào ra chiến trường an toàn; chuyển hàng vạn thương binh từ các chiến trường ra hậu phương nuôi dưỡng và hàng ngàn thiếu nhi ra Bắc học tập. Chỉ nhìn vào những con số đó đã thấy toát lên tài trí và mưu lược của vị Bộ Tư lệnh bộ đội Trường Sơn trong đó có phần công sức của Chính ủy Đặng Tính.
Nhớ về ông, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực Hội truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam trầm tư nói: “Chính ủy Đặng Tính giản dị mà sâu sắc lắm. Ông là người xuống từng trọng điểm, nơi nào khó khăn nhất ông đều có mặt. Ở mặt trận Quảng Bình, tôi đã nhiều lần trực tiếp đi ca-nô cùng với thủ trưởng, khảo sát các tuyến đường sông. Khi ấy, ở khu vực vời Hồng Thủy là khu vực đồng trũng có dòng sông Kiến Giang chảy qua mùa nước ngập mênh mông, ca nô đi thường mắc cạn khiến địch phát hiện bắn phá thương vong lớn. Chính ủy Đặng Tính nói bằng mọi cách phải thông vời Hồng Thủy và bằng kinh nghiệm dân gian của bà con vùng ven biển ông đã cho cắm vè để khắc phục. Chính ủy còn nói vui: Ở vời Hồng Thủy tuyệt đối không có tư tưởng nửa vời. Từ những bài học ở người Chính ủy Đặng Tính, hôm nay, chúng tôi luôn hỏi vậy trách nhiệm của người sống phải như thế nào đây để làm ấm lòng những người đã khuất. Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh phải là tấm gương sáng trong mọi việc góp phần vào xây đắp cuộc sống no ấm hơn, bền vững hơn trong xã hội. Người chiến sĩ Trường Sơn trước tiên và trước hết phải là người lính Cụ Hồ, phải là một công dân có ích của xã hội đang từng ngày đổi mới. Truyền thống của Bộ đội Trường Sơn đã hòa chung dòng chảy lớn truyền thống vẻ vang của quân đội ta, nhân dân ta. Chúng tôi luôn tin tưởng rằng, người chiến sĩ Trường Sơn sẽ mãi mãi xứng đáng với tên gọi của mình.
Tôi lặng đi trước suy nghĩ của vị tướng như được tâm truyền từ vị Chính ủy thân thương từ những ngày còn ở chiến trường.