Hét giá, “chặt chém”, chèn ép… đang trở thành nỗi ám ảnh người tiêu dùng khi tìm đến chợ truyền thống thời điểm Tết đang tới gần.Sức mua thị trường Tết tại TP HCM bắt đầu có dấu hiệu tăng cao, đặc biệt là đối với mặt hàng thời trang, tiêu dùng.Tiểu thương và các cơ sở kinh doanh cho rằng, buôn bán cả năm không bằng dăm ngày Tết. Đây chính là thời điểm người tiêu dùng mạnh tay tung tiền chi tiêu, mua sắm nhiều nhất.
Khách hàng lựa chọn quần áo tại chợ Phạm Văn Hai.
(Ảnh: S. Xanh).
Thế nhưng cùng với sự chuyển biến về sức mua thì thị trường lại phải chứng kiến cảnh “chặt chém”, chèn ép khách tại các chợ truyền thống của tiểu thương bởi văn hóa buôn bán, kinh doanh chụp giật của một số chợ đang làm cho chợ truyền thống mất hình ảnh trong mắt người tiêu dùng. “Giờ tui sợ đi sắm Tết tại chợ truyền thống lắm rồi. Tiểu thương họ “chặt chém” mình không thương tiếc, đặc biệt với hàng thời trang. Mặt hàng chỉ đáng giá 200.000 đồng nhưng họ có thể hét lên 300.000 – 400.000 đồng. Thậm chí, còn hơn mức đó, bà Ngô Phương Loan, (đường Bà Hom, quận 6), kế toán công ty may mặc nhận định.
Bà Loan cho biết, mới đây khi ghé chợ Cây Gõ (quận 6) sắm quần áo, bà được chủ một cửa hàng bán đồ giới thiệu mua cái áo thun. Sau khi hỏi giá và thử áo thấy không ưng ý bà Loan từ chối không mua. Chủ cửa hàng không đồng ý và yêu cầu bà Loan phải trả giá cho bằng do chưa có ai mở hàng. Trường hợp, nếu trả giá vừa với giá gốc họ vẫn bán để lấy vía tốt. Cuối cùng, bà Loan phải trả giá mặt hàng ở mức không như mong muốn hòng thoát thân trong sự sỉ vả của chủ cửa hàng quần áo. Chưa hết, có trường hợp chủ cửa hàng hét giá cái túi xách 700.000 đồng, khách thấy đắt đỏ không mua nhưng vẫn phải trả giá cực thấp là 300.000 đồng. Kết quả, chủ cửa hàng tươi cười trao hàng, nhận tiền.
Tương tự chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TP HCM) được nhiều người biết đến vì quần áo, giày dép, túi xách… khá phong phú, đa dạng, giá cả hợp lý. Thế nhưng những ngày gần Tết chợ này cũng bùng phát hình thức kinh doanh kiểu chợ trời đó là: “chặt chém”, chèn ép khách hàng. Bà Nguyễn Thị Dương (Bình Thạnh) bức xúc: “Ghé chợ Phạm Văn Hai hỏi mua quần áo nhưng sau khi trả giá và thấy áo bị lỗi tưa chỉ, tôi quyết định bỏ đi không mua. Nhân viên cửa hàng sừng sỏ chèo kéo một đoạn xa và dùng những lời lẽ miệt thị, rồi chạy về sạp hàng bỏ áo vào túi bắt tôi phải lấy”.
Phát hoảng với cách hành xử thô lỗ của nhân viên bán hàng, bà Nguyễn Thị Dương buộc phải móc tiền ra cho xong chuyện. Trước giao dịch theo kiểu chộp giật này, đại diện ban quản lý chợ Phạm Văn Hai bắt chủ cửa hàng phải trả lại tiền cho khách, đồng thời xin lỗi khách hàng.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, hiện nay nhiều tiểu thương chợ truyền thống đang áp dụng nhiều chiêu “móc túi” khách hàng. Tiểu thương cố tình đẩy giá lên cao rồi buộc người tiêu dùng phải trả giá. Hoặc là lấy lý do chưa được mở hàng để khách hàng cả nể rồi mua trong sự gượng ép. Riêng về tình trạng hét giá, đại diện một số ban quan lý chợ khẳng định, chợ càng phát triển mạnh với lượng khách lớn thì nạn “chặt chém” càng dữ dội. Do lượng khách lớn chủ cửa hàng bán không xuể phải thuê nhân viên với hình thức khoán doanh thu. Nhân viên từ đó chèo kéo, chèn ép khách. Thậm chí, chủ đưa ra một giá, nhân viên bán giá hơn thì được lợi. Đây chính là căn nguyên của nạn nói thách, hét giá, “chặt chém”..
Thanh Giang