Rạng sáng 18/1, một vụ cháy xảy ra tại nhà hàng 4 tầng (diện tích 170m2) ở quận 1, TPHCM, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã điều 9 xe cứu hỏa và hơn 50 chiến sĩ để dập lửa. Vụ cháy dù không có thương vong về người, nhưng gây thiệt hại nặng nề về tài sản. Trước đó ngày 15/1, ngôi nhà 3 tầng một tum cũng là tiệm kinh doanh hoa ở số 4 Hàng Lược, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) bị cháy làm 4 người trong gia đình tử vong…
Những năm qua, ở nhiều địa phương trên toàn quốc liên tục xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản. Nguyên nhân hỏa hoạn thì có nhiều, trong đó có cả chủ quan và khách quan, nhưng thiệt hại nặng nề về người và tài sản lại hoàn toàn do ý thức chủ quan của con người. Nói cách khác, nếu mỗi người dân luôn tự ý thức được mức độ nguy hiểm của “bà hỏa” để phòng ngừa thì sẽ hạn chế tối đa thiệt hại.
Đơn cử, nguyên tắc khi xây dựng công trình nhà ở, hay các công trình dân dụng khác, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ phải đảm bảo có lối thoát hiểm đề phòng hỏa hoạn. Song, trên thực tế không ít người dân khi xây dựng nhà ở, công trình dân dụng lại chỉ có duy nhất một lối ra vào, vì thế khi xảy ra cháy sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Thực tế nhiều vụ hỏa hoạn đã gây ra những cái chết thương tâm do không có lối thoát hiểm.
Nói như vậy sẽ có người cho rằng: Với những nhà ở trong ngõ sâu, nhà ống mặt phố... thì lấy đâu ra địa thế để xây dựng lối thoát hiểm? Dĩ nhiên, địa thế cũng rất quan trọng, quyết định một phần việc xây dựng cửa ra vào và lối thoát hiểm. Song, điều đó không có nghĩa cứ nhà ống, hay nhà trong ngõ thì sẽ không thể tạo ra lối thoát hiểm. Việc có tạo ra được lối thoát hiểm đề phòng khi hỏa hoạn hay không phần lớn phụ thuộc vào ý thức của mỗi người khi xây dựng công trình.
Chẳng hạn một ngôi nhà thay vì hàn lưới sắt bịt kín như “chuồng cọp”, có thể “trổ” cửa để dễ dàng thoát nạn khi có hỏa hoạn. Ngoài ra, những nhà ống mặt phố, hay các chung cư mini còn cần trang bị thêm các thiết bị như thang dây, để khi xảy ra hỏa hoạn có thể thoát hiểm từ trên các tầng cao xuống một cách an toàn. Quan trọng hơn, mỗi gia đình nên tự trang bị các bình chữa cháy tại chỗ, tự học tập, trau dồi kỹ năng phòng cháy, chữa cháy để giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản. Nếu khi xảy ra hỏa hoạn, ngọn lửa được người dân bình tĩnh xử lý ngay từ đầu thì rất có thể sẽ không bị cháy lan rộng, tránh được thương vong, thiệt hại tài sản.