Chờ một đợt hạ lãi suất mới

H.Hương 19/05/2023 07:00

Hàng loạt ngân hàng tiếp tục giảm thêm lãi suất huy động. Trước đó, các chuyên gia cũng nhận định Việt Nam còn dư địa để tiếp tục giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới. Khi các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động, doanh nghiệp (DN) đang kỳ vọng động thái cắt giảm lãi suất cho vay mới của ngân hàng.

Lãi suất huy động được nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm. Ảnh: Bình An.

Lãi suất huy động giảm

Hàng loạt ngân hàng đã giảm thêm lãi suất huy động với sự dẫn đầu của khối ngân hàng thương mại nhà nước. Tại kỳ hạn 3 tháng, lãi suất tại Vietcombank, VietinBank, BIDV đều chỉ còn 5,1%/năm, thấp hơn 0,3%/năm so với tuần trước. Lãi suất kỳ hạn 6-9 tháng giảm về 5,8%/năm, giảm 0,3-0,4%/năm so với tuần trước, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2% về mức 7,2%/năm.

Với nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần tư nhân, nhiều ngân hàng cũng nhập cuộc giảm lãi suất huy động trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, nguồn vốn dư thừa. Từ ngày 10/5, Techcombank giảm thêm 0,2% lãi suất huy động các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. VPBank, TPBank cũng giảm lãi suất 0,15-0,2% cho một số kỳ hạn. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại các NHTM cổ phần tư nhân lớn là: 8%/năm (VPBank); 7,6%/năm (Techcombank); 7,5%/năm (MB).

Tại nhóm NHTM cổ phần tư nhân nhỏ, lãi suất tiết kiệm cao nhất đang thuộc về ABBank với 8,8%/năm; VietABank (8,7%/năm); VietBank và GPBank (8,5%/năm)…

Lãi suất huy động liên tục giảm mạnh từ đầu tháng 2 đến nay, đặc biệt là sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành vào ngày 15/3 và 3/4. So với giai đoạn cao điểm hồi đầu năm, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5 - 1,7% ở tất cả kỳ hạn.

Khi các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động, các DN kỳ vọng một động thái cắt giảm lãi suất cho vay từ cơ quan quản lý. Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô gần đây về Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered đã đưa ra dự báo NHNN sẽ giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản xuống 5% vào cuối quý II/2023, sau đó lãi suất sẽ duy trì cho đến cuối năm 2025.

Nhóm chuyên gia Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, từ đầu năm 2023, NHNN đã chuyển hướng sang hỗ trợ quá trình phục hồi của nền kinh tế. Ngoài việc cắt giảm lãi suất, NHNN còn hỗ trợ các DN đang gặp khó khăn bằng cách cho thêm thời gian để giải quyết tình trạng thiếu thanh khoản. Tháng 4 năm nay, các điều khoản cho vay đã dễ dàng hơn, bao gồm việc hoãn trả nợ (tối đa 12 tháng) và miễn giảm lãi suất. Thị trường bất động sản có thể sẽ cần thêm các biện pháp hỗ trợ thanh khoản do các biện pháp đã được triển khai tính đến nay mới chỉ giúp làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn.

Tương tự, báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết nếu kịch bản này xảy ra, áp lực tỷ giá và lãi suất trong nước sẽ tiếp tục hạ nhiệt. Do đó, kỳ vọng NHNN sẽ giảm lãi suất điều hành thêm ít nhất là 50 điểm cơ bản từ nay tới cuối năm 2023.

Vẫn còn dư địa để hạ lãi suất

Theo đánh giá của giới chuyên gia, lãi suất huy động giảm nhưng lãi suất cho vay vẫn đang neo ở mức cao. TS Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, mức lãi suất cho vay tăng cao từ tháng 7/2022 và vẫn tiếp tục neo cao cho đến tháng 2/2023 đã làm suy yếu năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam.

Theo đó, chi phí lãi vay đã chiếm tỷ lệ lớn trong GDP của Việt Nam trong năm 2022. Mức lãi suất cho vay bình quân khoảng 9 - 10,7% đã làm xói mòn năng lực cạnh tranh của các DN. Tính riêng năm 2022, chi phí lãi vay mà các DN và người dân phải chịu ít nhất là 1.135.091 tỷ đồng tương đương với 12% GDP cả nước. Môi trường lãi suất cao ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của các DN và cũng ảnh hưởng đến nhu cầu khởi nghiệp và thành lập DN.

TS Tú Anh cũng cho rằng, tốc độ tăng tín dụng và huy động vốn giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm 2023, do cầu yếu và lãi suất vẫn cao. Cụ thể, huy động vốn của khu vực các tổ chức kinh tế giảm mạnh và tốc độ huy động vốn của ngành ngân hàng cũng thấp hơn rất nhiều so với tốc độ bình quân trong 10 năm trở lại đây.

Trong khi đó thông điệp từ Chính phủ và NHNN từ cuối năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 là tiếp tục chỉ đạo các NHTM hạ lãi suất phù hợp hơn với điều kiện kinh tế hiện tại.

Theo TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, hiện nay là thời điểm thích hợp để NHNN tiếp tục giảm lãi suất, nới lỏng chính sách tiền tệ hỗ trợ cho tăng trưởng. Thị trường đang kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ giảm về mức 4% đến năm 2025, tức về mức trước đại dịch Covid-19. Nhưng để hỗ trợ nền kinh tế hiệu quả, chính sách tiền tệ cần đa mục tiêu hơn, thêm trọng tâm ổn định tiền tệ - tài chính, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Ông Lực cũng cho rằng, năm 2023 lạm phát của Việt Nam sẽ tăng cao hơn năm 2022. Tuy nhiên, không nên quá lo lắng về lạm phát vì năm nay chỉ số giá tiêu dùng CPI toàn cầu cao, mức lạm phát dự báo 4,5% của Việt Nam là mức hoàn toàn chấp nhận được.

Vì áp lực lạm phát ở mức chấp nhận được, áp lực về tỷ giá thế giới đã giảm, thanh khoản ngân hàng của Việt Nam đã tốt hơn so với quý IV/2022. Lãi suất tại Việt Nam năm 2023 hiện còn cao vì trong năm 2022 nguồn cung tiền còn thấp, nhiều tổ chức tín dụng còn yếu kém. Tuy nhiên, nếu dung hoà được chính sách, vẫn có dư địa để giảm lãi suất ngay trong quý II/2023.Từ nay tới cuối năm nếu làm tốt, khéo thu xếp, mặt bằng lãi suất có thể giảm 1-2%.

Cuộc đua lãi suất huy động đã chững lại từ đầu năm sau khi Ngân hàng Nhà nước yêu cầu hạ lãi suất tiền gửi, chỉ riêng trong tháng 3 đã có tới 2 lần hạ lãi suất điều hành. Tại một hội nghị mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết việc có thể tiếp tục giảm lãi suất điều hành, nhằm hạ lãi vay. Trên cơ sở này, lãi suất huy động có thể sẽ còn giảm tiếp. Báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán cùng chung nhận định lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng bình quân hạ về mức 7%/năm trong năm nay. Con số đó được đưa ra dựa trên nhu cầu tín dụng giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản chưa hồi phục.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chờ một đợt hạ lãi suất mới