Chợ Tết và ăn Tết

LÊ PHƯƠNG LIÊN 28/01/2023 07:16

Vào dịp cuối năm khi gió lạnh mưa rơi lất phất, đã theo lệ mấy năm nay, nơi tôi ở lại có Hội chợ “Đặc sản vùng miền Việt Nam”. Giữa quảng trường kiến trúc theo lối tây phương mọc lên những dãy hàng quán lợp lá gồi như gợi nhớ cảnh chợ xưa…

Chợ hoa phố cổ. Minh họa: Công Quốc Hà.

Ồ, mà sao trong những gian hàng tranh tre nứa lá vẫn không thấy “xưa” mà lại thấy tràn ngập màu sắc “thời công nghệ”.

Sản vật bốn phương đã tề tựu giữa thủ đô Hà Nội. Nào những măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, mật ong, gạo Séng Cù, gạo nếp nương Điện Biên... Nào cam núi, na núi, rau cải xứ rừng, nào hạt dẻ loại to, loại nhỏ... Chợt đi qua gian hàng tỏa ra hương trầm thơm ngát, hương quế thoang thoảng, đó chính là gian hàng Quảng Nam. Kìa gian hàng Bình Định đang có nhiều người mua các loại hải sản đông lạnh cá ngừ, cá thu, tôm biển… Chỉ đi một vòng là thấy: Hội chợ thời nay là những mặt hàng đã được bảo quản, đóng gói, có nhãn mác. Không ít sản phẩm là kết quả phát minh mới nhờ thay đổi công nghệ sau thu hoạch. Thời công nghệ chợ tết thật văn minh.

Tôi tin rằng trong sâu thẳm tâm hồn con người hiện đại việc ăn Tết không chỉ là ăn. Ăn Tết chính lúc ta được hưởng thụ vị ngon lành đã được lưu giữ trong suốt cả ngàn năm lịch sử.

Bỗng nhiên tôi nhớ về thời chợ xưa xa lơ xa lắc... Cứ sắp đến những ngày giáp Tết, dẫu khó khăn gian khổ đến đâu người phố phường vẫn náo nức sắm tết. Tết vẫn là một thời khắc thiêng liêng sâu thẳm trong trái tim những người sống trong thời chiến.

Thuở ấy ngày giáp Tết tôi cùng mẹ trở về Hà Nội thường đi chợ Đồng Xuân - Bắc Qua. Chợ Đồng Xuân vốn có nề nếp lâu đời với những gian hàng cố định, còn chợ Bắc Qua là phần năng động linh hoạt của chợ Hà Nội. Đồng Xuân - Bắc Qua là cái chợ vừa bảo thủ lại vừa đổi mới rất nhanh! Phải chăng đó là “tính Hà Nội”?

Cái tên Bắc Qua đã nói lên tất cả sức hấp dẫn của cái chợ đặc biệt này. Chữ “Bắc” đó là phía Bắc sông Hồng và chữ “qua” tức là đã qua sông Hồng sang bờ Nam. Ngày chiến tranh qua sông Hồng không phải là chuyện nhỏ.

Ngày đó qua sông Hồng chỉ có cầu Long Biên. Thế mà từ năm 1965 đến năm 1968, cầu Long Biên đã bị đánh bom 10 lần, hỏng 7 nhịp và 4 trụ lớn. Năm 1972 cầu Long Biên lại bị ném bom 4 lần, phá hỏng 1.500m cầu, 2 trụ lớn bị cắt đứt. Cầu Long Biên bị phá thì đã có cầu phao, đã có phà chở nhân dân, bộ đội qua lại đôi bờ sông Hồng. Rồi công binh xây dựng “thần tốc” kết nối những nhịp cầu Long Biên đầy thương tích...

Hàng hóa sản vật lại được theo những đôi vai gánh gồng, những chuyến xe đạp thồ, những chuyến xe ô tô về Bến Nứa, tàu thủy về cảng Phà Đen. Bước chân đến chợ Bắc Qua là tôi được nhìn thấy những thúng đậu xanh, đậu đen, lạc, khoai lang, khoai sọ...; sản vật đồng bằng, rồi hàng măng khô, nấm hương... những “sơn hào” của rừng núi; những tôm khô, mực khô, cá khô, mắm, muối... “hải vị” của vùng biển. Thuở đó đất nước còn bị chia cắt, đặc sản miền Nam không có mặt ở Hà Nội. Ý nghĩ thèm ăn một miếng xoài Nam bộ, là một giấc mơ trong bom đạn...

Người Hà Nội luôn tự nhủ mình câu nói cổ “Khéo ăn thì no khéo co thì ấm”. Còn gì sung sướng hơn sau tiếng còi báo động, tiếng súng cao xạ phòng không vang đầy trời, người dân Hà Nội lại nghe tiếng còi báo yên. Khi bước chân đến chợ lại được nghe tiếng gà mái, gà trống kêu rộn rã trong lồng gà, được nghe tiếng tôm tươi nhảy tanh tách, tiếng cá quẫy đuôi bắn tung nước trong những cái chậu cỡ đại giữa chợ xôn xao tiếng cười nói…

Đó là thời chưa có tủ lạnh, chưa có đồ đông lạnh tất cả mọi món thực phẩm đều tươi roi rói, sống động tưng bừng... Hàng rau đầy ắp bắp cải cuộn xanh tươi, những củ su hào non xinh xắn, những củ cà rốt đỏ thon thả, những quả gấc đang chín nửa chừng như chờ đợi ngày chín thắm vào đúng chiều 30 Tết. Rồi, những thúng củ hành vỏ đã se se ngóng chờ những bà nội trợ mua về để muối dưa tết. Càng gần đến Tết thì không khí chợ nào cũng tưng bừng chứ không chỉ có chợ Bắc Qua.

Nhà tôi thuở đó gần chợ Hàng Bè, một cái chợ quê ở trung tâm phố cổ. Bởi gần bến tàu điện Bờ Hồ, nơi tụ hội của các tuyến Bờ Hồ - Hà Đông, Bờ Hồ - Cầu giấy, Bờ Hồ - Bạch Mai, Bờ Hồ - Bưởi. Mọi sản vật nổi tiếng như: Húng Láng, dưa La, cá Đầm Sét đều theo các gánh hàng của các bà các cô ở năm cửa ô đi tàu điện gánh vào chợ Hàng Bè. Nơi ấy gi gỉ gì gi cái gì cũng có. Thời thiếu nữ của tôi nhớ nhất hàng bán bồ kết, lá sả, rễ trầm, hương nhu để chị em gội đầu. Cứ đứng nơi ấy là đã thấy thơm ngát mùi lá. Ngày Tết nơi ấy thơm ngào ngạt hương lá mùi già. Cái thuở chưa có các loại dầu gội đầu, sữa tắm... mái tóc người thiếu nữ thường chỉ thoang thoảng hương thơm của cây lá tự nhiên.

Thuở đó, từ sau khi lễ ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp) thì giữa chợ Hàng Bè nhộp nhịp không khí bánh chưng tết. Đó là nơi người ta bày bán lá dong. Nơi có người ngồi chẻ lạt để bán cho các gia đình sửa soạn gói bánh. Người ta bày cối đá để nhận xay vỡ đôi hạt đậu xanh. Và, kia là dãy các cửa hàng bán thực phẩm mậu dịch.

Dân Hà Nội đã sống với chế độ tem phiếu từ trước năm 1975. Các gia đình phải để dành phiếu thịt và xếp hàng chờ đợi mua được miếng thịt lợn gói bánh chưng. Việc xếp hàng lại còn tiếp tục ở cửa hàng bánh hóa. Nơi đó có bán túi hàng tết, mỗi gia đình được cắt một ô phiếu để mua túi hàng tết. Trong túi có một ít bóng bì, một ít miến dong, một hộp mứt tết, một gói mì chính, một gói hạt tiêu, một gói bánh đa nem… Tuy vất vả xếp hàng rồi bao việc bề bộn để sửa soạn cho một cái tết như vậy, thế mà ai cũng hoan hỉ mong tết đến. Mâm cỗ tết bao giờ cũng đầy đủ bát măng, bát bóng, bát khoai hầm, đĩa nem, đĩa dưa hành, bánh chưng, cá kho, xôi gấc…

Dòng ký ức của tôi như thế thì bỗng tôi nhận ra mình đang đứng ở hành lang nhà chung cư để chờ thang máy. Tôi nhìn thấy một phụ nữ xinh đẹp xách một túi to phồng căng đầy bánh đa nướng chín vàng. Một bà cụ già không đeo kính chợt hỏi người phụ nữ trẻ:

- Cô mua nhiều bóng thế! Năm nay ăn Tết to nhỉ!

Biết bà già nhầm người phụ nữ chỉ tủm tỉm cười nói:

- Dạ, bánh đa đấy bà ạ.

Bà già biết mình nhìn nhầm rồi vẫn vui vẻ:

- Cô mua bánh đa về để liên hoan à?

- Vâng ạ - người phụ nữ đáp rồi nghĩ ngợi thế nào cô bắt chuyện:

- Bóng bây giờ không ngon bằng ngày xưa bà nhỉ. Bóng bì ngày xưa thơm lắm. Mà bây giờ cũng chẳng mấy nhà nấu bóng ngày Tết nữa. Có nhiều món ngon hơn.

Bà cụ già gật đầu rồi đáp lại:

- Bây giờ bì lợn nuôi công nghiệp không thơm bằng bì lợn ngày xưa.

Tôi cảm thấy vẻ bâng khuâng trên nét mặt của bà cụ già. Chắc bà thương nhớ món bóng thơm ngon, một món ăn truyền thống đang bị lãng quên. Tôi cũng bâng khuâng. Giờ đây không chỉ có bóng bì lợn đã bị lãng quên. Mà cả đến dưa hành, nước mắm cũng đã dần dần bị thờ ơ trong mâm cỗ hiện đại. Món Kim Chi (Hàn Quốc), các loại nước sốt mayonnaise, các món lẩu thập cẩm đã lôi kéo người ta đi tìm những thú vui ăn uống mới. Dẫu cho bài bản nấu cỗ Tết không có gì thay đổi mà sao vị ngon của cỗ Tết đang phai nhạt trong thói quen ẩm thực ngày nay?

Chợ tết giờ đây vẫn có các món hàng xưa như: Bánh chưng, mứt, giò... mà sao các món ăn làm sẵn bày trong tủ kính lại có vẻ khô lạnh? Tôi bỗng nhớ đến những lời của nhà văn Hyun Gi-young (Hàn Quốc): “Nhân tố thúc đẩy lãng quên không chỉ có thời gian. Chính những trào lưu xã hội gần đây khi mà con người coi vật chất và văn hóa tiêu dùng hưởng thụ hơn bất cứ giá trị nào khác đã tác động đến sự lãng quên... lịch sử quá khứ mà cộng đồng đã từng trải qua...”.

Tết Nguyên đán hàng năm vẫn đến! Mâm cỗ Tết thiêng liêng dâng cúng ông bà vẫn ngát thơm tấm lòng người hôm nay nghĩ tới tổ tiên nguồn cội. Tôi tin rằng trong sâu thẳm tâm hồn con người hiện đại việc ăn Tết không chỉ là ăn. Ăn Tết chính lúc ta được hưởng thụ vị ngon lành đã được lưu giữ trong suốt cả ngàn năm lịch sử.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chợ Tết và ăn Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO