Trong bối cảnh việc di chuyển cần nhanh chóng, thuận tiện, người dân liệu có ưu tiên sử dụng xe đạp công cộng như một loại phương tiện giống xe máy, ô tô? Hàng ngàn điểm cho thuê xe đạp trong thành phố có khả thi sẽ thu hút được người dân sử dụng?
Mức giá quá cao?
Mới đây, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội đã thông qua danh sách gần 200 điểm (trạm) cho thuê xe đạp công cộng bố trí tại 7 quận: Tây Hồ, Ba Đình, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy. Theo đó, 200 điểm cho thuê xe đạp này nằm trong khuôn khổ dự án thí điểm 2.000 xe đạp đô thị tại 9 quận tại TP Hà Nội.
Theo Sở GTVT Hà Nội, các điểm bố trí xe được ưu tiên kết nối với các phương tiện công cộng khác như xe buýt, metro hay những điểm tập trung đông người như trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại… So với kế hoạch trước đó, quy mô dự án đã tăng gấp đôi, từ 1.000 xe lên thành 2.000 xe đạp. Địa bàn thực hiện cũng mở rộng hơn 4 quận, so với con số 5 quận trước đó.
Dự kiến mức giá cho thuê trong 30 phút là 5.000 đồng/xe đạp cơ và 10.000 đồng/xe đạp điện. Người dân thuê xe cả ngày sẽ trả mức giá 60.000 đồng/xe đạp cơ và 120.000 đồng/xe đạp điện. Hệ thống vé có vé theo tháng, quý và năm; thanh toán bằng ứng dụng ngân hàng, ví điện tử.
Đây được coi là một trong những dự án nổi bật nhằm từng bước thay đổi thói quen đi lại của người dân, giảm ô nhiễm môi trường. Bước đầu hình thành mạng lưới phụ trợ giúp kết nối người dân đến trạm xe buýt thuận tiện thay vì hình thức đi bộ như truyền thống hiện nay.
Bà Trần Thanh Nga (quận Hoàn Kiếm) đánh giá: “Việc nhân rộng mô hình đi xe đạp công cộng trong tương lai sẽ là giải pháp tốt vừa hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, vừa có thể giảm ùn tắc giao thông. Nếu được triển khai hợp lý, chắc chắn tôi cũng sẽ sử dụng dịch vụ này theo ngày”.
Tuy nhiên, nhiều người dân cũng băn khoăn về giá dự kiến cho thuê xe đạp khi cho rằng, mức giá 60.000 đồng/ngày đối với xe đạp và 120.000 đồng/ngày với xe đạp điện là khá cao, nhiều người khó lòng tiếp cận.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thuỷ (23 tuổi, phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) cho biết: “Bình thường tôi thuê xe đạp tại khu vực quanh Hồ Tây với mức giá 30.000 đồng/3 tiếng. Tính ra nếu thuê xe đạp công cộng cũng có giá tương đương. Thế nhưng để thuê xe theo ngày với mức giá 60.000 đồng/ngày thì vẫn cao hơn so với việc di chuyển bằng xe máy. Do vậy nếu để thực sự thay đổi thói quen di chuyển bằng xe máy, ô tô trong tương lai thì khá khó khăn”.
Không những vậy, nhiều người cũng đánh giá, thói quen sử dụng các phương tiện giao thông với tốc độ nhanh như xe máy, ô tô đã ăn sâu vào tiềm thức người dân, do vậy khó lòng có thể thay đổi bằng xe đạp công cộng. Những đối tượng chủ yếu có thể sử dụng phương tiện này là những người thường xuyên di chuyển bằng xe buýt hoặc tàu điện.
Quy hoạch sao cho hiệu quả?
Trả lời PV Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này, chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình nhận định, mô hình xe đạp công cộng cho thuê đã được triển khai ở nhiều nước phát triển như Pháp, Ý, Tây Ban Nha,… tập trung chủ yếu ở những khu vực có đông khách du lịch.
Với mức giá cho thuê 60.000 đồng/ngày cũng không phải quá cao nhưng sẽ phù hợp với một số những đối tượng nhất định, nếu ai thấy mức phí này phù hợp thì sẽ sử dụng, còn không thì sử dụng các phương tiện khác theo đúng quy luật của thị trường.
Bên phía cung cấp dịch vụ sau khi đã cân đối tất cảc các khoản chi phí đề ra họ mới có thể đưa ra mức giá này. Do sử dụng 100% vốn xã hội hóa, không sử dụng vốn ngân sách và trợ giá của Nhà nước nên doanh nghiệp phải tính toán sao cho phù hợp với mức đầu tư.
Chuyên gia cũng đánh giá, mô hình đã được triển khai tại TP HCM và có những kết quả nhất định. Do vậy, nếu rút kinh nghiệm được từ những bài học ở TP HCM, Hà Nội hoàn toàn cũng có thể làm tốt hơn và mất ít thời gian thử nghiệm hơn.
“Loại hình cho thuê xe đạp có thể sẽ rất hữu ích, bổ sung thêm phương tiện đối với những người sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như đường sắt đô thị hoặc xe buýt. Giúp tiết kiệm thời gian di chuyển cho người dân. Trong bối cảnh giá nhiên liệu rất cao như hiện nay, việc sử dụng xe đạp cũng là một trong những lựa chọn hợp lí”, TS Bình cho hay.
Bên cạnh đó, xe đạp kết hợp với các phương tiện giao thông công cộng sẽ giảm bớt áp lực sử dụng xe máy, tiến tới thay thế xe máy là điều đáng mong đợi. Tuy nhiên, con số này có lẽ không được nhiều. Về mặt tổng thể với tác động môi trường để giảm lượng khí thải do xe máy gây ra cũng không được chuyên gia đánh giá cao. Tuy nhiên việc góp phần làm thay đổi nhận thức và thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho người dân sẽ mang lại hiệu quả lâu dài.
Còn TS. Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải lại cho rằng, điều quan trọng nhất để phát triển mô hình này là làm sao quy hoạch mạng lưới các vị trí đỗ xe phải thuận lợi trong việc kết nối với các phương thức vận tải khác.
Bởi theo lí giải của chuyên gia, với những điều kiện thuận lợi của xe máy như cơ động, tính tiếp cận cao, di chuyển với tốc độ và thời gian nhanh hơn, nếu xe đạp không trở thành phương tiện kết nối giao thông công cộng bền vững, rất khó có thể cạnh tranh.
Ngoài ra, cần định hình lại cơ sở hạ tầng đô thị theo cách khuyến khích xe đạp như xây cầu, làn đường dành riêng cho xe đạp hay có bãi đậu xe cố định,… Đặc biệt là những chính sách khuyến khích, trợ giá tốt từ Nhà nước với mô hình này, chuyên gia cho hay.