Chợ truyền thống không dễ bị thay thế

Minh Phương (thực hiện) 04/04/2019 09:00

Theo xu hướng chung của thế giới, các kênh bán lẻ hiện đại sẽ ngày càng thâm nhập vào thị trường. Việt Nam xuất hiện ngày một nhiều hơn các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini…Tuy nhiên, những kênh mua sắm hiện đại vẫn thưa thể thay thế các kênh mua sắm truyền thống.

Bà Đặng Thúy Hà – đại diện Nielsen Việt Nam khu vực phía Bắc, đã đưa ra nhận định về xu hướng của ngành bán lẻ trong thời gian tới.

Chợ truyền thống không dễ bị thay thế

Bà Đặng Thúy Hà.

PV: Thưa bà, bà nhận định thế nào về khuynh hướng bán lẻ của thế giới cũng như của Việt Nam trong thời gian tới?

Bà Đặng Thúy Hà: Ngành bán lẻ thế giới đã và đang có những bước chuyển mình lớn. Họ càng ngày càng đưa đưa ra nhiều ý tưởng mới, sử dụng công nghệ để đưa vào vận hành nhằm mang đến cho người tiêu dùng những lợi ích tốt và nhanh nhất.

Tại nhiều nước, robot được thay thế con người, đóng vai trò như một người bán hàng biến các siêu thị thành những nơi không người bán. Robot có thể thay thế con người mang hàng hóa cho người tiêu dùng, thay thế con người ở các khâu thanh toán...

Robot cũng được sử dụng ở các điểm bán hàng để giúp người tiêu dùng có thể hưởng những dịch vụ nhanh tiện lợi nhất. Rõ ràng, những bước tiến về công nghệ cho thấy, thế giới đã đa dạng hóa dịch vụ, có những dịch vụ trên cả mong đợi, giúp cho người tiêu dùng có những trải nghiệm tốt nhất ở tại điểm mua sắm.

Các nhà bán lẻ thế giới cũng đưa ra nhiều ý tưởng, sáng tạo những nhãn hàng riêng và có những công nghệ để giúp cho người tiêu dùng có thể có những lựa chọn tốt nhất. Hoặc chỉ cần có màu sắc riêng cũng có thể giúp người tiêu dùng biết được đâu là sản phẩm họ nên lựa chọn.

Còn ở Việt Nam, thời gian qua, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các nhà bán lẻ nội cũng đã có nhiều đổi mới dựa trên hành vi tiêu dùng của người Việt Nam. Hiện chúng ta có xu hướng bán lẻ đa kênh. Người tiêu dùng có thể mua ở nhiều kênh khác nhau: Kênh truyền thống, kênh hiện đại, kênh online. Đặc biệt, với số lượng người tiêu dùng sử dụng internet ngày càng lớn, kênh online sẽ phát triển trong thời gian tới. Và các nhà bán lẻ cần nhắm đến xu hướng này để có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Một điểm cần chú ý đó là, người tiêu dùng càng ngày càng thích sự thuận tiện trong mua hàng, do đó các nhà bán lẻ cần phải chú trọng tâm lý này, phải làm sao mang lại sự tiện lợi cho khách hàng bằng cách đặt những điểm mua bán thuận tiện cho nhu cầu của người dân, và kể cả bán hàng online cũng cần phải tạo sự thuận lợi nhất. Điểm nữa cần lưu ý, đó là hiện nay, phần lớn người dân rất quan tâm đến sức khỏe. 25% người tiêu dùng sẵn sàng chi trả cao hơn cho những sản phẩm đảm bảo về mặt sức khỏe. Song, điều quan trọng là nhà bán lẻ cần lưu tâm sản phẩm cao cấp nào sẽ mang lại chất lượng tốt nhất, được người tiêu dùng cần nhất.

Bà có thể cho biết ứng dụng 4.0 trong ngành bán lẻ hiện nay như thế nào?

- Thế giới những năm gầy đây đã áp dụng công nghệ thông vào quản lý các chuỗi bán lẻ. Như tôi đã nói, robot được ứng dụng rộng rãi tạo sự thuận tiện cho khách hàng. Và theo xu hướng này, Việt Nam cũng đã triển khai phát triển công nghệ tại các chuỗi cửa tiệm của mình. Đơn cử Vinmart, Vinmart + đã đưa ra hình thức mua sắm và thanh toán “scan & go” nhằm giúp người tiêu dùng mua sắm chỉ qua chiếc điện thoại di động thông minh. Rõ ràng các nhà bán lẻ Việt Nam đã tiếp cận rất gần xu hướng 4.0 của thế giới. Điều này cho thấy, nhà bán lẻ nội không bỏ lỡ chuyến tàu 4.0 khi kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh của mình, đó là điều đáng tự hào của chúng ta.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay số cửa hàng tiện lợi xuất hiện quá nhiều, có đoạn chỉ 500 m mà có đến 2,3 cửa hàng tiện lợi. Theo bà, như vậy có phát triển quá nóng không?

- Nếu chúng ta xem xét số lượng cửa tiệm phục vụ bao nhiêu người dân thì có thực tế là, số lượng người dân trên một cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam vẫn lớn hơn rất nhiều, điều này cho thấy, phát triển các cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng với nhu cầu. Tôi cho rằng, xu hướng thời gian tới, cửa hàng tiện lợi sẽ còn len lỏi vào các ngóc ngách, các khu dân cư. Tuy nhiên, lưu ý là, không phải cửa hàng nào mở cũng đạt được thành công. Thành công hay không còn phụ thuộc vào tầm nhìn của các nhà bán lẻ. Lựa chọn địa điểm nào, khu vực nào để ưu tiên phát triển trong từng giai đoạn là do chiến lược kinh doanh của các nhà bán lẻ.

Bà có thể cho biết, liệu thời gian tới hệ thống siêu thị mi ni, cửa hàng tiện lợi có thể thay thế được kênh bán hàng truyền thống, chợ dân sinh hay không?

- Tôi cho là chưa thay thế được. Bởi, người dân vẫn đến các kênh truyền thống để mua sắm. Với thói quen, tâm lý, văn hóa lâu nay của người dân Việt Nam đó là mua sắm gần nhà, có mặc cả và còn cả giao lưu hàng xóm láng giềng… thì chợ truyền thống vẫn là lựa chọn của nhiều người dân Việt Nam. Theo nghiên cứu của chúng tôi, theo xu hướng phát triển chung của thị trường, người dân càng ngày càng tìm đến các cửa hàng tiện lợi, các siêu thị mini nhiều hơn. Tuy nhiên, những kênh mua sắm truyền thống vẫn là một nét văn hóa lâu đời và sẽ chưa thể thay thế ngay trong thời gian tới. Thời gian tới, kênh truyền thống, kênh hiện đại, mua sắm online… vẫn sẽ song song phát triển và sẽ vẫn là những lựa chọn của nhiều đối tượng người tiêu dùng.

Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chợ truyền thống không dễ bị thay thế