Là đô thị đông dân nhất cả nước, TP Hồ Chí Minh cũng là địa phương tập trung nhiều chợ truyền thống (gần 240 chợ), chưa kể hàng trăm chợ tự phát “ăn theo” chợ truyền thống. Trong đó phần lớn đều trong tình trạng xuống cấp.
Xuống cấp trầm trọng
Chợ Bến Thành tại trung tâm Quận 1, TP HCM là chợ truyền thống nổi tiếng, còn mang tính biểu tượng của thành phố. Trải qua gần 110 năm hoạt động, hầu hết các hạng mục của chợ dù đã trải qua nhiều lần cải tạo và trùng tu nhưng nay vẫn xuống cấp.
Ông Lê Minh Hiệp - Phó Trưởng Ban Quản lý chợ Bến Thành cho biết, mới đây UBND tành phố đã có kế hoạch cải tạo, chỉnh trang chợ từ nguồn vốn xã hội hóa. Đây là niềm vui rất lớn của đông đảo tiểu thương chợ không chỉ về điều kiện thuận lợi hơn để kinh doanh mà còn đón các đoàn khách du lịch quốc tế đến tham quan, mua sắm.
Trong khi đó, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TP HCM cũng cho biết, việc cải tạo, chỉnh trang chợ Bến Thành là rất cấp bách do thực trạng xuống cấp thường xuyên bị thấm dột cũng như hệ thống điện không bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy.
Ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài hơn 2 năm liên tiếp đã khiến hàng trăm tiểu thương chợ Bến Thành phải chuyển từ mua bán trực tiếp sang bán hàng online, khiến chợ đìu hiu ngay cả khi dịch bệnh đã “hạ nhiệt” từ đầu năm đến nay.
Trước chợ Bến Thành, UBND TP HCM đã triển khai dự án nâng cấp, sửa chữa toàn diện chợ Bình Tây, tại quận 6, đã hoàn thành đi vào hoạt động trở lại. Theo đại diện Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TP HCM, Chợ Bình Tây được UBND TP HCM công nhận di tích kiến trúc và nghệ thuật năm 2017. Chợ hình thành từ năm 1926. Vào thời kỳ đó, chợ Bình Tây là nơi giao thương đồ sộ, nhộn nhịp với quy mô hiện đại bậc nhất ở Nam Kỳ.
Chợ đã trải qua nhiều lần nâng cấp, sửa chữa, trong đó nhiều lần tiểu thương phải dời ra chợ tạm để kinh doanh, buôn bán. Đến tháng 11/2017, UBND TP HCM đã quyết định khởi công dự án nâng cấp, sửa chữa toàn diện chợ Bình Tây trước nguy cơ xuống cấp trầm trọng của ngôi chợ truyền thống này.
Tự “làm mới” để thích ứng
Đánh giá vai trò của chợ truyền thống trong bối cảnh hội nhập và hiện đại hóa hoạt động thương mại, bán buôn/bán lẻ, Sở Công thương, Sở Du lịch và Sở Văn hóa-Thể thao TP HCM đều cho rằng, đây là mô hình có từ lâu đời, gắn với lịch sử, văn hóa của thành phố và là một phần không thể thiếu trong thói quen tiêu dùng truyền thống của nhiều khu vực dân cư.
Do đó, cần bảo tồn theo hướng tiếp tục cải tạo và nâng cấp thích ứng với xu hướng hội nhập. Về lâu dài, TP HCM dự kiến hoàn chỉnh quy hoạch phát triển chợ truyền thống gắn bó chặt chẽ với phát triển ngành du lịch, công thương, cũng như đa dạng hóa, xen cài với các mô hình thương mại hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, việc gắn chợ truyền thống với hoạt động quảng bá du lịch cũng như các mô hình thương mại, dịch vụ hiện đại sẽ giúp chợ truyền thống “tự nuôi sống”. Nhiều chợ truyền thống tại TP HCM có giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt quan trọng và cần đưa vào danh mục để bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản. Điển hình như chợ Bến Thành được hình thành từ thế kỷ 17.
Việc cải tạo chợ Bến Thành cũng như hàng trăm chợ truyền thống có giá trị về lịch sử, văn hóa là vấn đề rất quan trọng. Ngoài yếu tố về bảo tồn các di sản lịch sử, văn hóa lâu đời, việc duy trì mô hình chợ truyền thống là giải pháp trong bối cảnh thói quen tiêu dùng truyền thống của người dân đô thị vẫn rất phổ biến.
Tuy nhiên, hầu hết các chợ truyền thống hình thành theo nhu cầu trao đổi hàng hoá, nơi định cư của cư dân cho đến nay đều hoạt động còn tự phát, lạc hậu nhỏ lẻ và cũng chưa được quy hoạch rõ ràng.
Đó là vấn đề “đau đầu” của TP HCM trong bối cảnh vừa phải bảo tồn nhưng cũng buộc phải cải tạo, chỉnh trang để thích ứng với hội nhập.
Tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi” về chủ đề chợ truyền thống tại TP HCM cách đây chưa lâu, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chợ truyền thống đối với sự phát triển của thành phố. Theo bà Thắng, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ truyền thống theo hình thức doanh nghiệp quản lý chợ, hợp tác xã chợ kiểu mới sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của chợ truyền thống trong bối cảnh hội nhập.