Dịch bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vẫn diễn biến phức tạp, ca nhiễm mới tăng. Thế nhưng, chợ tự phát, chợ cóc tại thành phố lại “bùng nổ”, vô tư bày bán tràn lan, lấn chiếm lòng lề đường…
Chợ tự phát “mọc lên như nấm”
Dọc đường Chu Văn An, Bùi Hữu Nghĩa, Vũ Tùng, Phan Văn Trị... (quận Bình Thạnh), thực phẩm tươi sống, rau củ quả bày bán trước cửa nhà, trên lề đường. Vào giờ cao điểm hàng hóa được bày bán cả dưới lòng đường.
Tại Thủ Đức, chợ tự phát ở các tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Làng Tăng Phú, Lã Xuân Oai... “mọc lên như nấm sau mưa”. Gần chợ Long Trường (phường Long Trường), thịt heo, gà, vịt, cá biển, cá nước ngọt, rau củ quả... bày đầy quầy sạp trên đoạn đường hơn 1km.
Vội vàng đậu xe bên lề đường, đứng sát quầy thịt heo, bà Hoàng Thị Nga (ngụ đường Tam Đa, Thủ Đức) nói: “Sáng sớm vội đi chợ mua đồ ăn nên tôi thường mua ở dọc đường cho nhanh. Vào chợ mất công hơn vì phải gửi xe, khai báo y tế, đo thân nhiệt, khử khuẩn, giữ khoảng cách... Tạt xuống dọc đường mua ào cái là xong”.
Tương tự, trước cổng chợ Hòa Hưng là đường Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), bất chấp mật độ xe cộ lưu thông đông đúc và dày đặc, nhiều tiểu thương vẫn tận dụng vỉa hè, hoặc tràn xuống lề đường bày thức ăn tươi sống, các loại trái cây, rau củ. Cách đó khoảng 100m, tại hẻm 430 (Cách mạng Tháng Tám, phường 11, quận 3), hoạt động buôn bán diễn ra sôi nổi như một ngôi chợ thu nhỏ.
Ông Phạm Tấn Bảo, nhân viên quản lý chợ cho biết, UBND phường đang xây dựng kế hoạch, các tiêu chí, hướng dẫn về phòng, chống dịch để người bán, người mua thực hiện đúng yêu cầu. Còn trước mắt, hoạt động buôn bán diễn ra nhằm đáp ứng nhu cầu mua thực phẩm của người dân.
Nhanh chóng đưa chợ truyền thống vào hoạt động
Phần lớn chợ tự phát hình thành do tiểu thương thuê mặt bằng trước cửa nhà dân rồi bày bán đủ các loại thực phẩm và cũng không có lực lượng nào đứng ra kiểm soát y tế. Khi được hỏi về phòng dịch, các tiểu thương tại chợ tự phát đều lắc đầu cho qua. “Khách vào mua một chút rồi đi ngay, hơn nữa chẳng ai hỏi thẻ xanh Covid-19 mà mình hỏi thì ai ghé vào mua. Bán nhanh, mua nhanh chắc là không sao” - bà Phạm Thanh Hiên vừa bán rau, vừa đưa mắt canh chừng lực lượng trật tự phường, nói.
Theo bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, người dân không thích mua bán tại các cửa hàng tiện lợi, họ vẫn muốn đi chợ truyền thống hơn. Tuy nhiên, khi chợ truyền thống hoạt động trở lại bắt buộc phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Đây chính là nguyên nhân khiến chợ tự phát hoạt động trở lại nhiều hơn. Thời gian tới, huyện Hóc Môn cố gắng vận động người dân vào chợ truyền thống mua sắm hoặc là mua sắm tại các kênh bán lẻ hiện đại, thay vì mua tại chợ tự phát.
Liên quan đến chợ tự phát, UBND TP HCM nhắc nhở, các quận, huyện xem xét, đánh giá tình hình phòng, chống dịch, khi an toàn mới mở lại hoạt động các chợ truyền thống. Trong điều kiện chưa mở lại, tuyệt đối không để các chợ, khu vực bán tự phát xung quanh hoạt động, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Việc này ảnh hưởng đến quy định chống dịch cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát và có biện pháp xử lý kịp thời.
Về vấn đề này, theo bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương, từ nay đến cuối tháng 11, đầu tháng 12, các quận, huyện sẽ tổ chức thêm nhiều chợ truyền thống hoạt động trở lại. Để đảm bảo an toàn chống dịch cũng như cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn, Sở sẽ tiếp tục làm việc các đơn vị để các chợ còn lại được mở cửa trong thời gian sớm nhất.
Theo quy định, để được bán hàng tiểu thương phải tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 trước đó 14 ngày và âm tính với Covid-19. Quá trình mua bán phải thực hiện quy định 5K, tại mỗi sạp phải được che chắn bởi tấm nhựa trong suốt để tránh tiếp xúc trực tiếp giữa người bán và người mua. Tương tự khách vào chợ phải khai báo y tế, khử khuẩn, đo thân nhiệt, được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine trước đó 14 ngày.
Theo Sở Công thương, hiện TP HCM đã có 180/234 chợ truyền thống hoạt động trở lại. Dự kiến sẽ có thêm 3 chợ được mở trong tuần này.