Là một điểm du lịch với cảnh quan thơ mộng, hùng vĩ, dãy núi Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) đã thu hút nhiều phượt thủ ưa mạo hiểm, khám phá tìm tới nơi đây. Tuy nhiên, những đoàn phượt mỗi năm đổ về Tam Đảo không chỉ đơn thuần mang lại lợi ích kinh tế cho người dân mà đôi khi còn kéo theo cả những phiền toái. Những hình ảnh về rác thải bị vứt một cách bừa bãi và thiếu ý thức đã tạo nên một cảnh tượng mất mĩ quan và gây bức xúc cho nhiều người.
Tam Đảo với nhiều thắng cảnh đẹp cần được chung tay bảo vệ.
Ttrong thời gian gần đây, không ít hộ kinh doanh và người dân trên thị trấn Tam Đảo bức xúc, than phiền về trào lưu “phượt” quá mức, gây không ít phiền toái cho người dân trên phố núi nhỏ bé này.
Trong đợt giao ban báo chí mới đây do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức, ông Nguyễn Hồng Hiệp- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tam Đảo cho biết tình trạng đi du lịch (chủ yếu là giới trẻ) theo cảm hứng và ăn, ngủ, nghỉ không ổn định, căng lều bạt ngoài trời thưởng ngoạn vẻ đẹp, không khí trong lành của thiên nhiên, trời đất... mọi người quen gọi là đi “phượt” đang là mối quan tâm của chính quyền và người dân thị trấn Tam Đảo.
Mỗi ngày thị trấn Tam Đảo có hàng trăm lượt khách đi “phượt” xe máy, thậm chí có ngày tới cả ngàn lượt xe máy lên thị trấn Tam Đảo, rồi cũng ngần ấy xe ùn ùn kéo xuống.
Các xe máy của dân đi “phượt” chủ yếu là xe phân khối lớn, có cả xe tự chế... tổ chức đi theo đoàn và khi đi có những nhóm hay nẹt pô gây ầm ĩ, mất trật tự, lạng lách dễ gây tai nạn giao thông, gây bất an cho người tham gia giao thông nhất là đoạn lên dốc, xuống đèo ở núi Tam Đảo với hàng chục khúc cua tay áo vốn đi đứng bình thường đã thấy nguy hiểm.
Nhiều người dân cho rằng, nếu hàng trăm, thậm chí cao điểm có cả ngàn lượt người đi “phượt” mỗi ngày ở những điểm du lịch khác rộng lớn cũng không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của người dân, nhưng với thị trấn Tam Đảo là một vấn đề lớn, phức tạp.
Thị trấn Tam Đảo là nơi quá nhỏ bé và những ngày hè, ngày nghỉ cuối tuần rất hay quá tải. Thị trấn Tam Đảo có tổng diện tích tự nhiên gần 215 ha, được chia làm 2 thôn: Thôn 1 và thôn 2. du lịch nghỉ mát tập trung chỉ có hơn 100 ha vốn người, xe tấp nập, gần đây lại phải đón cả trăm, có ngày cả ngàn lượt khách “phượt” là không ổn.
Ngoài tiếng ồn của xe máy phân khối lớn, tiếng hò hát ban đêm vang vọng ảnh hưởng đến giấc ngủ người dân quen sống với yên tĩnh nơi đây.
Thêm vào đó dân “phượt” cũng thích ngắt rau, bẻ hoa, bẻ cành, nấu nướng và ăn uống tại trại, đương nhiên để lại rất nhiều rác thải, chất thải... Đặc biệt, do sinh hoạt ngoài trời, trong lều bạt, nên việc vệ sinh cá nhân của dân “phượt” cũng bừa bãi ra cả núi đồi, khe suối...
Ông Trần Mạnh Hùng, một cán bộ về hưu đang sinh sống tại thị trấn Tam Đảo cho biết: Từ ngày có phong trào “phượt,” thị trấn Tam Đảo có thêm rất nhiều người và phương tiện. Phố núi thêm nhộn nhịp hơn và sống động hơn, điều này có nghĩa thị trấn Tam Đảo một vài năm qua rất nhiều du khách ở các tỉnh, thành phố đã biết đến, tìm đến, cũng nhờ vậy mà các dịch vụ phát triển.
Tuy nhiên, bên cạnh đó “phượt” cũng gây ra nhiều phiền toái đó là tiếng ồn lớn suốt ngày đêm do xe cộ, sử dụng còi công suất lớn sai quy định, hò hát...; nạn rác thải, chất thải xả không đúng quy định hàng ngày rất lớn khiến vấn đề môi trường thị trấn Tam Đảo ảnh hưởng lớn. Điều này đòi hỏi chính quyền và ngành chức năng tỉnh phải có biện pháp quản lý, nếu không Tam Đảo sẽ mất đi vẻ đẹp vốn có.
Với những phượt thủ có lẽ câu chuyện về ý thức bảo vệ cảnh quan tại các điểm du lịch không còn quá xa lạ, thế nhưng nó vẫn là một vấn đề nhức nhối và cần có cách giải quyết. Thiết nghĩ, mỗi chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ ưa thích du lịch, khám phá cần có ý thức hơn trong việc bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường để các điểm du lịch luôn giữ được vẻ đẹp vốn có.