Chơi pháo ngày Tết: Cách phân biệt ‘pháo hoa’ và ‘pháo nổ’ để tránh bị phạt

G.Bảo 14/01/2023 11:41

Thị trường mua bán pháo hoa dịp Tết đang nhộn nhịp trên mạng xã hội cũng như ngoài thực tế. Vậy, cách phân biệt “pháo hoa” và “pháo nổ” thế nào để tránh bị phạt trong dịp Tết?

Ảnh: Công an TP Hà Nội.

Mới đây, Công an TP Hà Nội đã có chia sẻ về cách phân biệt pháo hoa và pháo hoa nổ như sau: Ngày 27/11/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo. Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2021 và thay thế Nghị định số 36/2009/NĐ-CP.

Tại Điều 17 Nghị định có quy định về các cơ quan, tổ chức, cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi dân sự thì được phép sử dụng pháo hoa. Tuy nhiên, một số người dân đang có sự nhầm lẫn, chưa phân biệt giữa pháo hoa và pháo hoa nổ.

Điều 3 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định: “Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.”

Như vậy, pháo hoa mà cơ quan, tổ chức, cá nhân được phép sử dụng theo quy định tại Điều 17 của Nghị định này được hiểu là: Sản phẩm có chứa thuốc pháo hoa, khi đốt chỉ gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ.

Còn pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ. Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m;

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang cận kề, đây cũng là thời điểm nhiều đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để tàng trữ, sản xuất, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ trái phép. Hiện nay, Công an thành phố Hà Nội đang triển khai quyết liệt nhiều giải pháp để ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ, pháo nổ trái phép và đây là những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Do đó, người dân cần phân biệt rõ giữa pháo hoa với pháo hoa nổ để tránh vi phạm pháp luật.

Mới đây, cũng từ từ nguồn tin của Công an TP Hà Nội, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã bắt giữ 2 đối tượng sản xuất, buôn bán hàng cấm là pháo nổ xảy ra ngày 21/11/2022 tại phường Phú Diễn. Cụ thể, Công an quận Bắc Từ Liêm phối hợp với Đội quản lý thị trường số 22 - Cục quản lý thị trường TP Hà Nội tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh số 86 - Công ty CP dịch vụ giao hàng nhanh địa chỉ số 19, ngõ 196 Phú Diễn, phường Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội phát hiện 2 kiện hàng có biểu hiện nghi vấn, tổ công tác đã tiến hành kiểm tra và phát hiện có một thùng carton chứa các ống hình trụ được nối với nhau bằng các sợi dây nghi là pháo nổ; một bao tải có khối lượng khoảng 7,49kg - bên trong có các ống hình trụ được nối với nhau bằng các sợi dây nghi là pháo nổ.

Hai đối tượng bị giữ cùng tang vật vụ án. Ảnh: Công an TP Hà Nội.

Làm việc với bưu cục, tổ công tác đã tra soát thông tin và xác định được nơi các đối tượng tiến hành sản xuất pháo và bắt quả tang hai đối tượng là N.N.Đ (17 tuổi) và Q.X.T (16 tuổi) đang thực hiện hành vi sản xuất pháo nổ. Tổ công tác đã thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp và lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp với hai đối tượng trên.

Tại cơ quan Công an, hai đối tượng khai nhận, do nhận thấy nhu cầu tiêu thụ pháo trước Tết tăng cao nên đã tìm hiểu trên mạng Internet cách sản xuất pháo nổ, sau đó đặt mua các tiền chất về để tự sản xuất pháo đem bán kiếm lời. Sau khi sản xuất, các đối tượng đăng bài bán pháo lên mạng và chuyển hàng cho một khách hàng tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Đối tượng N.N.Đ khai nhận đã dùng các loại quần bò, áo rộng để nhồi pháo vào trong, quấn nhiều loại quần áo rồi cho vào bao tải dán kín và đóng vào thùng carton; bao tải còn lại đối tượng dùng chăn, quần áo quấn quanh rồi dán băng dính bên ngoài để tránh máy soi, sau đó mang ra bưu cục Đại Từ (Thái Nguyên) để vận chuyển về Hà Nội giao cho khách...

[Hiểm họa từ việc chế tạo, sử dụng trái phép pháo nổ]

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chơi pháo ngày Tết: Cách phân biệt ‘pháo hoa’ và ‘pháo nổ’ để tránh bị phạt