Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch đã lựa chọn 12 tỉnh, thành phố để tập trung thực hiện một số sản phẩm du lịch ban đêm.
Chiều 5/6, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời đối với Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao, và du lịch Nguyễn Văn Hùng. ĐB Lưu Bá Mạc (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, các sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chủ yếu là hình thức phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực đêm, chợ đêm và một số hoạt động giải trí. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp của Bộ trưởng trong việc đổi mới sản phẩm du lịch đêm cũng như lộ trình của việc thí điểm, nhân rộng loại hình du lịch này trong thời gian tới?”-ông Mạc chất vấn.
Theo ĐB Vũ Thị Liên Hương (Đoàn Quảng Ngãi), với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thời tiết của Việt Nam, du lịch đêm là một hướng đi đúng đắn để phát triển du lịch. Tuy nhiên hiện nay, sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm đa dạng, đặc sắc để thu hút và giữ chân du khách, mặt khác tiềm ẩn các nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội. Đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến của Bộ trưởng cũng như các giải pháp khắc phục?
Trả lời về phát triển du lịch đêm, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg về Phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, trong đó có giao nhiệm vụ cho Bộ xây dựng thí điểm, ban hành một số sản phẩm du lịch đêm.
Theo ông Hùng, Bộ đã lựa chọn 12 tỉnh, thành phố để tập trung thực hiện một số sản phẩm du lịch ban đêm. Nhờ sự nỗ lực của Bộ và các địa phương, tín hiệu bước đầu của việc phát triển sản phẩm du lịch đêm khá tích cực. Ví dụ như Hà Nội, Ninh Bình, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh khác đã tìm thấy nhiều sản phẩm du lịch đêm thu hút và đáp ứng được nhu cầu của du khách.
Tranh luận lại ĐB Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) nói rằng, đây là vấn đề cần được quan tâm nhằm góp phần vào tăng trưởng GDP. Việc phát triển kinh tế ban đêm cũng có thể giao cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư và triển khai.
Tuy nhiên ông Hùng phân trần, đây là vấn đề mới và khó. Du lịch là sản phẩm của ngành kinh tế tổng hợp. Để có giải pháp căn cơ, Bộ đã đề xuất cần giải bài toán quy hoạch, lực lượng lao động, chế độ chính sách cho những hoạt động biểu diễn, nghiên cứu thị trường.
Trong thời gian tới Bộ sẽ gợi mở một số nhóm sản phẩm dựa trên văn hóa từng địa phương; phát triển các loại hình ẩm thực, đáp ứng nhu cầu mua sắm. Vấn đề này cần tiếp tục nghiên cứu và cần có lộ trình để đảm bảo tính hiệu quả của du lịch đêm.
Trả lời ĐB Nguyễn Công Long (đoàn Đồng Nai) và ĐB Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) về việc làm sao để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Bộ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng các địa phương cho biết có nhiều giải pháp nhưng "chúng tôi rất ủng hộ và mong muốn các địa phương phải tập trung để giải quyết bài toán hạ tầng du lịch, trong đó có hạ tầng về lưu trú, các điểm du lịch phải có những doanh nghiệp lớn vào để đầu tư và tạo ra được các sản phẩm, qua đó người dân sẽ được hưởng lợi từ việc này."
Kinh nghiệm này như Sungroup hoặc Vingroup chẳng hạn, họ có rất nhiều sản phẩm, đúng như slogan là làm đẹp những vùng đất.Vì thế, họ có những sản phẩm độc đáo. Không nói đâu xa như ở Tây Ninh, Khu du lịch núi Bà Đen chẳng hạn, cũng là một sản phẩm điển hình. Tôi hy vọng như thế ta sẽ có nhiều hướng để phát triển các sản phẩm tốt hơn, ông Hùng nói.
Về chính sách visa, nhiều quốc gia khác sử dụng điều này như là một lợi thế trong cạnh tranh về du lịch. Việt Nam cũng nhận thức được điều này, chúng ta đã sửa đổi một số luật có liên quan, tạo điều kiện mở cửa, thúc đẩy phát triển du lịch. Tham khảo mô hình một số quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo Chính phủ có giải pháp đánh giá tổng thể về mặt chính sách visa trong thời gian qua trên tất cả các phương diện, kinh tế, xã hội, đối ngoại, quốc phòng và an ninh. Đồng thời đề xuất các giải pháp ưu tiên theo hướng song phương, bạn miễn visa cho ta, ta miễn visa cho bạn.