Tại Hội nghị lần thứ 12 Ban chấp hành Trung ương (khóa XII), Trung ương đã xem xét, quyết định phương hướng công tác nhân sự Trung ương khoá XIII; Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Tiêu chuẩn, số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng; đồng thời cho ý kiến về một số vấn đề quan trọng khác.
Toàn cảnh phiên bế mạc Hội nghị 12 (Khóa XII).
Hội nghị đã dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác nhân sự cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước. Đây là vấn đề được toàn Đảng, toàn Dân quan tâm vì nhân sự chính là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là tiền đồ của đất nước.
Trong phát biểu bế mạc Hội nghị 12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đề cập rất rõ ràng, cụ thể, chi tiết công tác nhân sự; từ tiêu chuẩn cho tới phương thức, quy trình, trách nhiệm giới thiệu. Trung ương nhất trí việc xác định tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, trong đó đặc biệt nhấn mạnh Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là những người thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; có tầm nhìn và tư duy chiến lược, có khả năng phân tích, dự báo, tổng hợp, đề xuất những vấn đề mới một cách đúng đắn; có trình độ hiểu biết sâu sắc về lý luận chính trị, biết phát hiện và sử dụng người có đức có tài…
Đáng chú ý, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có một trong các khuyết điểm sau: (1) Bản lĩnh chính trị không vững vàng; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh. (2) Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán, không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình. (3) Để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị. (4) Không chịu nghiên cứu học hỏi; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm. (5) Ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín thấp. (6) Kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính. (7) Vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.
Như vậy là đã rất rõ ràng. Một vấn đề nữa được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt nhấn mạnh là các Uỷ viên Trung ương phải gương mẫu, có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự công tâm, khách quan, trong sáng, chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng trong quá trình giới thiệu, lựa chọn nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của dân tộc lên trên hết, trước hết. Kiên quyết chống các biểu hiện cơ hội, vận động cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm...
Trước đó, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đã nhấn mạnh về vấn đề này. Thực tế cho thấy không phải lúc nào công tác cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cao, cũng được làm tốt. Từ đầu nhiệm kỳ Khóa XII đến nay, đã có gần 100 cán bộ cấp Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật, có người đã phải vào tù. Đó cũng là do công tác cán bộ không được làm chặt chẽ, nhất là việc giới thiệu người vào những cương vị lãnh đạo có vấn đề. Chính từ sự giới thiệu ấy (của tổ chức, hoặc cá nhân) nên mới để lọt những đối tượng xấu vào đội ngũ và di họa của nó là rất lớn, không phải ngày một ngày hai đã khắc phục xong.
Lần này, với những tiêu chuẩn rất rõ ràng về người xứng đáng cũng như những đối tượng không xứng đáng vào vị trí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân tin tưởng và kỳ vọng vào một ban lãnh đạo xứng tầm, trong sáng để đưa đất nước vượt qua khó khăn thử thách, đưa đất nước đi lên. Và, nhân dân cũng rất mong đợi Trung ương cần có động thái mạnh hơn nữa đối với những người vì động cơ không trong sáng, lợi ích nhóm, tạo ê-kíp từ đó có ý định gây bè kéo cánh trong việc giới thiệu người. Họ (cá nhân hay tổ chức) phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý khi giới thiệu những đối tượng xấu vào hàng ngũ lãnh đạo. Chỉ có như vậy chúng ta mới có được đội ngũ lãnh đạo tin cậy để lo việc Nước, việc Dân.
Thời gian tới Đại hội XIII của Đảng không còn nhiều, công việc rất nhiều nhưng công tác cán bộ là cực kỳ quan trọng, không thể vì bất cứ điều gì mà xao nhãng.