Chọn đối tượng hỗ trợ

T. Dương 22/11/2016 22:35

Ngày 22/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Nhiều ĐB đề nghị do nguồn lực của đất nước có hạn nên cần chọn lọc đối tượng áp dụng để khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

ĐB Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, luật chưa có tiêu chí xác định thế nào là doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ nhằm đảm bảo sự minh bạch liên quan đến chính sách thuế, thiếu vắng quy định hỗ trợ với từng quy mô doanh nghiệp, và bỏ quên đối tượng siêu nhỏ là điểm yếu của luật.

Đặc biệt chưa rõ chủ thể hỗ trợ là cơ quan tổ chức nào? như trong việc hỗ trợ thị trường, hay thông tin tư vấn? chưa có nguồn lực đảm bảo tính khả thi của chính sách trong khi chi phí thực hiện phải theo ngân sách nhà nước.

“Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhiều lần trong một năm khiến doanh nghiệp phải tạm ngừng để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra. Thanh tra nhiều lần có thể làm cho doanh nghiệp đình trệ sản xuất, chưa kể hình sự hóa các quan hệ dân sự cho nên cần quy định rõ tần suất thanh tra kiểm toán không quá 1 lần/năm, đồng thời phải có sự kết hợp giữa thanh tra với kiểm toán để đỡ phải thanh tra nhiều lần và vấn đề này cần phải quy định thẳng vào trong luật”- bà Hiền bày tỏ.

Đồng quan điểm, ĐB Đỗ Văn Bình (Hải Phòng) cũng cho rằng, phải có tiêu chí đánh giá xác định doanh nghiệp. Theo ông Bình, tiêu chí xác định là căn cứ tổng nguồn vốn và lao động bình quân nhưng cần có sự ưu tiên, đặc biệt phải tính đến tổng doanh thu của doanh nghiệp để làm tiêu chí đánh giá, bởi thực tế có việc do doanh nghiệp áp dụng khoa học kỹ thuật nên cần ít lao động nhưng tổng doanh thu lại rất cao, và ngược lại.

“Chỉ nên hỗ trợ trong một thời gian nhất định để tránh sự ỉ lại, tạo động lực cho doanh nghiệp phải tự vươn lên. Điều quan trọng là luật phải tạo môi trường thuận lợi để tăng lượng doanh nghiệp thành lập phát triển bởi theo thống kê 77% DNVVN được đi lên từ các mô hình sản xuất hộ kinh doanh. Do đó cần tạo điều kiện trong khởi nghiệp, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng”-ông Bình cho hay.

Theo ĐB Đỗ Bá Sơn (Đà Nẵng), phải có điều kiện hỗ trợ cho từng loại doanh nghiệp, tạo khung pháp lý để doanh nghiệp thu hút kinh doanh. Đáng chú ý Quỹ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là để nâng đỡ cho doanh nghiệp tuy nhiên luật lại chưa quy định. Do đó cần hoàn thiện pháp lý về đổi mới sáng tạo, gắn với đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp bởi đây là nội dung quan trọng và lâu dài trong việc giúp doanh nghiệp khởi nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chọn đối tượng hỗ trợ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO