Ngành du lịch Việt Nam đang tập trung toàn bộ nguồn lực để phục hồi. Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã có thay đổi để bắt nhịp trong tình hình mới. Tuy nhiên, làm thể nào để phát triển một cách bền vững, tạo sức hút cho du khách, tránh tình trạng “ăn xổi” lại đang là vấn đề hết sức được quan tâm.
Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hải Quỳnh - Chủ tịch Hội Du lịch Cộng đồng Việt Nam xung quanh vấn đề này.
PV: Ông đánh giá như thế nào về sự phục hồi của du lịch nước ta trong thời gian qua?
Ông Phạm Hải Quỳnh: Việt Nam quyết định lấy du lịch nội địa là đòn bẩy để phục hồi là hoàn toàn chuẩn xác. Nó là một làn gió mới sau đại dịch để kéo theo sự phát triển của du lịch quốc tế đi và đến. Cuộc sống ngày càng phát triển, người dân có thói quen đi du lịch nhiều hơn vừa để tham quan, vừa trải nghiệm các vùng đất mới. Vậy nên, khi mở cửa thì việc phục hồi du lịch chỉ là chuyện một sớm một chiều.
Để cạnh tranh và thu hút khách du lịch, nhiều địa phương đã và đang nỗ lực để làm mới nhiều sản phẩm du lịch. Ông đánh giá thế nào về việc này?
- Trong thời gian dịch bệnh rất nhiều những công ty, nhà hàng, khách sạn phải đóng cửa, vì vậy việc làm mới sản phẩm du lịch tại các địa phương chính là sự khẳng định trong việc giới thiệu lại, khẳng định lại cũng như chia sẻ thêm những dịch vụ du lịch đến đối tác và khách hàng, từ đó xoay chuyển nhanh nhất để phục hồi.
Theo ông, xu hướng du lịch của du khách sau đại dịch như nào?
- Do dịch bệnh kéo dài nhiều năm, xu hướng của khách hàng là đi theo nhóm nhỏ, đi theo gia đình, chọn nơi an toàn, yên bình, nơi có cảnh quan thiên nhiên cũng như các giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ mong muốn đó, các đơn vị lữ hành tiếp tục hoàn thiện các dịch vụ của mình, nhất là các dịch vụ mới để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng.
Du lịch nội địa đã đạt được những tín hiệu phục hồi rõ ràng, đặc biệt là dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, nhưng khách quốc tế đến với nước ta vẫn còn khiêm tốn. Theo ông, nguyên nhân vì sao?
- Vẫn còn ít khách du lịch quốc tế đến Việt Nam khi du lịch đã bắt đầu phục hồi, theo tôi có một số nguyên nhân. Một là chính sách của chúng ta đã mở nhưng một số nước còn chưa mở, còn nhiều khó khăn đối với khách đi du lịch khi về nước, nhiều chính sách chưa thật sự mở cửa cho du lịch.
Thêm vào đó, đối với khách quốc tế việc mở cửa không phải mở ra là họ chờ sẵn để ùa vào mà họ cần một kế hoạch dài hơn cho khách của mình, từ đó mới có kế hoạch đưa khách đến Việt Nam.
Cần làm gì để du lịch thu hút khách quốc tế mạnh mẽ hơn nữa vì hiện chủ yếu chúng ta vẫn đang dựa vào thị trường nội địa?
- Tiếp tục đẩy mạnh du lịch nội địa, đồng thời truyền thông, quảng bá cũng như tương tác chia sẻ với đối tác về việc phục hồi và hoạt động du lịch của chúng ta đang diễn ra vô cùng tốt đẹp, nó chính là sự thu hút lớn nhất cho du khách.
Mùa hè được kỳ vọng sẽ là dịp để du lịch “bùng nổ”. Vậy theo ông, các địa phương có điểm du lịch và các doanh nghiệp trong lĩnh vực cần làm gì để thu hút được du khách?
- Các địa phương thời điểm này cần quản lý chặt chẽ chất lượng dịch vụ cũng như sự cam kết giữa lữ hành với điểm đến hay dịch vụ. Địa phương cần là cầu nối và gắn kết sức mạnh của ngành du lịch lại với nhau để hỗ trợ tốt nhất cho ngành du lịch phục hồi nhanh nhưng an toàn.
Trân trọng cảm ơn ông!