Giáo dục

Chọn phương thức xét tuyển thế nào để chắc đỗ đại học?

Nguyễn Hoài 21/03/2024 13:11

Năm 2024, hầu hết các trường đại học đều áp dụng nhiều phương thức xét tuyển. Việc này nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh nhưng để chắc suất vào đại học, các em cần nắm rõ các điều kiện tuyển sinh.

Tránh bỏ qua những tiêu chí đi kèm

Tới thời điểm này, hàng trăm trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh năm 2024. Ghi nhận cho thấy, hầu hết các trường đều áp dụng nhiều phương thức xét tuyển như: sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng, xét tuyển học bạ THPT, xét tuyển kết hợp, sử dụng kết quả kỳ thi riêng do một số cơ sở giáo dục đại học tổ chức…

img_4001.jpg
Trường đại học tư vấn tuyển sinh cho thí sinh.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, việc có nhiều phương thức tuyển sinh được xem là một trong những lợi thế giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành học, ngôi trường mơ ước. Tuy nhiên, sự đa dạng các phương thức xét tuyển lại khiến nhiều thí sinh không khỏi choáng ngợp, bối rối trong việc lựa chọn.

Thực tế từ nhiều mùa tuyển sinh trước, có nhiều thí sinh bị nhầm lẫn giữa các phương thức dẫn đến việc đăng ký sai, không được công nhận trúng tuyển. Để tăng cơ hội vào đại học, các chuyên gia lưu ý, thí sinh cần tìm hiểu, cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác, tránh bỏ quên, chủ quan với tiêu chí đi kèm của từng phương thức để lượng sức.

Bên cạnh đó, theo ông Lê Việt Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Trương Định (quận Hoàng Mai, Hà Nội), học sinh cần tập trung cao độ cho việc học tập, ôn luyện theo hướng dẫn của giáo viên và tự dành thời gian làm đề được xây dựng theo cấu trúc đề thi minh họa do Bộ GDĐT ban hành.

Bảo đảm xét tuyển công bằng

Thời điểm này, nhiều cơ sở giáo dục đại học đã thông báo nhận hồ sơ xét tuyển sớm bằng học bạ cấp THPT; bằng việc sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy...

Thông tin từ các trường phổ thông trên địa bàn thành phố cho biết, các nhà trường luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để học sinh có hồ sơ, dữ liệu đăng ký xét tuyển. Tuy nhiên, các nhà trường cũng khuyến cáo học sinh cần duy trì tốt việc học tập để hoàn thành Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Bên cạnh đó, học sinh cần cẩn trọng khi đăng ký tham gia dự tuyển sớm, ngay cả khi đã được công bố trúng tuyển. Bởi nếu muốn được trúng tuyển chính thức vào trường, các em bắt buộc phải đăng ký trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GDĐT theo quy định. Khi đó, các trường mới có cơ sở dữ liệu để xét tuyển.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, năm 2023, kết quả tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT chiếm tỷ lệ lớn nhất là 49,45%; tiếp đến là phương thức sử dụng kết quả học tập cấp THPT 30,24%; xét tuyển từ kết quả thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy là 2,57%; xét tuyển thẳng theo đề án của các trường là 2,32%...

Để bảo đảm chất lượng tuyển sinh, Bộ GDĐT đề nghị các trường đánh giá, đối sánh, phân tích tương quan kết quả học tập của sinh viên theo từng phương thức xét tuyển, từ đó lựa chọn phương thức xét tuyển khoa học, phù hợp, công bằng với thí sinh. Bộ cũng đề nghị các trường bỏ phương thức xét tuyển không hiệu quả, có thể gây khó khăn, rắc rối với thí sinh.

Hiện, Bộ GDĐT dự kiến có hai phương án về ngày thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Trong đó, phương án 1, thời gian thi tốt nghiệp THPT vào ngày 21 và 22/6. Phương án 2 sau đó 1 tuần, vào ngày 26 và 27/6.

Trong 2 phương án trên, phương án 1 đang được nhiều ý kiến ủng hộ. Trong trường hợp phương án 2 được lựa chọn, các mốc thời gian tiếp theo sẽ lùi lại tương ứng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chọn phương thức xét tuyển thế nào để chắc đỗ đại học?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO