Tính theo tập quán phương Đông, dù đã hết tháng đầu tiên của năm mới 2016, với hầu hết mọi người đây mới đang là những ngày cuối cùng của một năm. Những ngày mà chỉ cần bước chân ra đường ta sẽ bắt gặp muôn vàn cảnh đời, muôn vàn tâm trạng. Trong cái nhốn nháo, tấp nập thị thành ngày áp Tết, lòng người ở phố hướng về quê, và quê như muôn đời vẫn vậy, lại mở lòng ra đầy bao dung.
Hoa đào đón Tết.
Phác thảo của bức tranh những ngày cận Tết là những mảng màu đối lập gay gắt về mọi nhẽ. Cận Tết năm nay miền Bắc mưa lạnh liên miên. Miền núi, nông thôn, nông dân thêm nhiều cơ cực. Xã hội ngày một đi lên nhưng không có nghĩa là cuối năm đã hết bộn bề. Không còn những ám ảnh của lạm phát và lãi suất như cách đây vài năm, nỗi lo lắng của nền kinh tế cho tới thời điểm này không còn những lo ngại “sôi sục” mà là nỗi lo về triển vọng phát triển dài hạn, khi cùng với nhiều vấn đề ở tầm vĩ mô có một thứ gần gũi thường ngày nhưng dường như không ai nhận ra có phần mình trong đó, đó là năng suất lao động đang rất thấp, hay nói cách khác là nhiều năm liền không tăng thêm.
“Năng suất lao động là một nỗi bức xúc lớn, năng suất thấp nhưng tiêu thụ bia rượu thì nhiều” – từng có một đại biểu Quốc hội đã từng phát biểu như thế. Năng suất lao động thấp có liên quan gì không đến những ngày chộn rộn Tết này, khi người ta vì chuẩn bị đón Tết, không còn ai “thiết” làm việc nữa.
Nhiều người đang chuẩn bị tâm thế về quê. Và người ta thường sắm quà về quê đón Tết. Trong tất cả các thứ quà, có một tâm lý thật là cái gì không còn dùng được ở thành phố thì mang về quê. Cái này cũng giống như người ta chở ùn ùn về miền núi, vùng khó khăn những đồ thành phố không cần nữa.
Còn nhớ năm 2012, khi nền kinh tế lâm vào khủng hoảng, điểm sáng duy nhất, điểm tựa duy nhất cho nền kinh tế lúc ấy là nông nghiệp – nông thôn. Nguồn cung nông sản thực phẩm dồi dào chính là một trong những nguyên nhân để kiềm chế lạm phát thành công. Và nông dân nhận phần thiệt thòi về mình: giá xăng, giá điện, giá nước, giá phân bón, giá học phí…tăng nhưng thịt, rau, gạo thì vẫn vững giá.
Còn nhớ cuối năm ấy khi trò chuyện với pv ĐĐK, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã nói rằng: “Bà con nông dân lại trổ tài, chứ không có nền nông nghiệp này, không có bà con nông dân thì tình hình kinh tế còn xấu hơn nữa. Khi kinh tế phát triển họ cũng chả được hưởng bao nhiêu thành quả, còn khi khó họ lại giơ lưng ra đỡ. Số kiếp người nông dân vẫn là khổ. Xuất khẩu nông sản mà được là các doanh nghiệp được chứ dân được là bao”.
Trong một buổi chiều cuối năm cũng giống như những buổi chiều cuối năm này, ông Vũ Khoan đã nói những lời day dứt: “Nông thôn Việt Nam lạ thế. Cứ hễ bom đạn bão bùng thì lại chạy về. Hễ khó khăn lại chạy về nông thôn là êm hết. Đã kết thúc chiến tranh, nông thôn vẫn là “nơi sơ tán”, là “hầm trú ẩn”. Suy thoái kinh tế lại chạy về nông thôn, “chăn mấy con gà, con vịt”, “trồng một ít rau” là “êm”. Tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam chả ai thấy nghiêm trọng so với những con số ở các nước Châu Âu, nước Mỹ công bố là bởi mất việc thì chạy về nông thôn, vậy là êm”.
Giống như mỗi khi Tết đến Xuân về, sau một năm nhọc nhằn bươn chải, người người lại tìm về quê như tìm nơi “trú ẩn”, để cân bằng lại.
Nhưng chúng ta đã làm gì cho nông dân trong những năm qua? Hay vẫn để nông thôn mãi mãi chỉ là nơi lúc nào mệt mỏi, khó khăn thì về “trú ẩn”. Báo cáo về xuất khẩu mỗi năm đều là những con số đẹp nhưng người hưởng lợi lại không phải nông dân.
Chủ trương, chính sách về nông nghiệp – nông thôn – nông dân những năm qua đã có nhưng trong thực tế, vẫn là một khoảng cách xa vời. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới hay những chính sách giảm nghèo chỉ có thể bền vững nếu nhận thức và dân trí ở khu vực nông thôn được nâng lên. Bởi vì một phần những thiệt thòi mà họ đang phải chịu như bị ép giá nông sản xuất phát từ chính nhận thức.
Chiều cuối năm, nghĩ về quê lại vơ vẩn câu hỏi: Nông nghiệp đang ở đâu trong một nước Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa? Vị thế của người nông dân ở chỗ nào?
Mưa rét cuối năm khiến cuộc sống ở thành thị cũng vất vả, nhưng người nông dân vất vả hơn nhiều. Cuối năm ước mơ nông dân, nông thôn – nơi mỗi khi mệt mỏi ta tìm về - phải có một vị thế khác, trên bước đường phát triển của đất nước. Đó dứt khoát không thể mãi mãi là nơi chỉ có mở lòng bao dung, để chỉ nhận về những thứ thành phố không còn cần đến nữa. Vị thế nông dân - đó chắc không phải là ước mơ quá xa xôi?