Xu hướng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang dần phục hồi sau một thời gian trầm lắng. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia kinh tế, xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp vốn ngoại mạnh, phát triển xanh tạo hiệu ứng lan tỏa tới cộng đồng doanh nghiệp trong nước chính là yêu cầu cần hướng tới.
Mới đây Bình Thuận tổ chức lễ ra mắt các nhà đầu tư và trao quyết định chủ trương đầu tư cho chuỗi các dự án khí - điện khí (LNG) Sơn Mỹ. Đó là sự khởi đầu cho việc triển khai đầu tư 4 dự án quy mô lớn, bao gồm Dự án Kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ; Dự án Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ; Dự án đấu nối Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ vào hệ thống điện quốc gia và Dự án đường ống dẫn khí Sơn Mỹ - Phú Mỹ.
Tìm cách thu hút vốn
Trong số các nhà đầu tư tham gia chuỗi dự án này, ngoài Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGas) và Tập đoàn Thái Bình Dương của Việt Nam, còn có một số nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm AES (Hoa Kỳ), EDF (Pháp), Kyushu và Sojitz (Nhật Bản).
Trước đó, việc thu hút vốn ngoại cũng ghi nhận một thành công là Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn tại tỉnh Bắc Ninh với tổng vốn 1,6 tỷ USD của Tập đoàn Amkor Technology (Hàn Quốc) đang triển khai xây dựng đúng tiến độ, dự kiến hoàn công vào tháng 9/2023, cuối tháng 10/2023 sẽ đưa vào sản xuất thử…
Bắt đầu từ tháng 7 vừa qua, dòng vốn ngoại đã tăng so với cùng kỳ, sau khi giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 7 tháng qua, có tới 1.627 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 75,5% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD (tăng 38,6% so với cùng kỳ). Các dự án có vốn đầu tư ngoại với hàm lượng công nghệ cao đang hướng vào Việt Nam.
Tuy nhiên, các dự án có quy mô vốn đầu tư dưới 1 triệu USD chiếm tới 69,4% số dự án mới.
Những số liệu khảo sát từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cũng chỉ ra, phần lớn doanh nghiệp (DN) có vốn FDI hoạt động tại Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, dù là theo tiêu chí về vốn, lao động hay doanh thu.
Cụ thể, gần 83% DN FDI có số vốn dưới 100 tỷ đồng, 25% DN FDI sử dụng dưới 10 lao động và 57,4% có dưới 50 lao động. Về doanh thu, gần 25% số DN FDI có doanh thu dưới 3 tỷ đồng và 77,8% có doanh thu dưới 100 tỷ đồng trong năm 2022. Vẫn theo nghiên cứu của VCCI, chỉ khoảng 5% dự án sử dụng công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 14% là sử dụng công nghệ thấp.
Điều đáng bàn là bên cạnh những dự án lớn có tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam thì hiện trạng các dự án FDI vốn nhỏ, thiếu liên kết vẫn tồn tại. Trên thực tế, các cơ quan chức năng đã phát hiện có trường hợp DN FDI chuyển giá và trốn thuế tại Việt Nam. Một số DN khác không tuân thủ các quy định về môi trường của pháp luật Việt Nam.
Một kết quả thanh tra của Tổng cục Môi trường tại 28 tỉnh phía Bắc từ năm 2017 đến năm 2019, tỷ lệ DN FDI vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tăng lên. Cụ thể, năm 2017 có 44,5% DN FDI vi phạm; năm 2018 là 56% và đến năm 2019 con số này là 68%.
Hướng đến nền kinh tế xanh
Có thể thấy, thời gian qua nhiều nhà đầu tư với các dự án bền vững, xanh hóa đã chọn Việt Nam để làm đầu tư. Như Intel là DN FDI đầu tiên lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại Việt Nam, đây là hệ thống điện mặt trời đầu tiên và duy nhất của Intel tại châu Á, và là hệ thống lớn thứ 6 trong 15 hệ thống điện năng lượng mặt trời của Intel trên toàn cầu. Tập đoàn đa quốc gia China Tianying đầu tư dự án điện rác với giá trị đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng tại Sóc Sơn, Hà Nội. Tập đoàn Lego xây nhà máy trung hòa carbon 1 tỷ USD hướng tới mục tiêu không phát thải khí Co2…Sự chuyển hướng của FDI sang kinh tế xanh, cùng với các tác động cạnh tranh và/hoặc chuyển giao công nghệ, được coi là xu hướng kinh tế tích cực. Song từ thực tế cũng chỉ ra xu thế này vẫn chưa thực sự mạnh mẽ ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Anh Dương - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, nhiều năm qua, Việt Nam luôn gặp phải những vấn đề bất cập ảnh hưởng đến sức lan tỏa của các dự án FDI đối với nền kinh tế. Trong đó, kết nối DN FDI với DN trong nước không đơn giản, một phần do nhận thức, động lực và tiêu chuẩn, công nghệ của DN trong nước chưa đáp ứng yêu cầu DN FDI. Ở các ngành, các hoạt động kinh tế xanh, những chênh lệch này còn lớn hơn.
Vậy làm sao để chọn lọc FDI xanh phát triển bền vững, đồng hành cùng nền kinh tế? Theo quan điểm của Cục Đầu tư nước ngoài, để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới trong bối cảnh xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia có dấu hiệu chậm lại, Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp trong đó tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, tiếp tục cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN thành lập và phát triển; rà soát, sửa đổi cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
Tập trung hoàn thiện thể chế về đầu tư theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, nghiên cứu và ban hành các chính sách phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực để thu hút dòng vốn FDI chất lượng. Cần loại bỏ hoàn toàn các chi phí không chính thức bởi đây là nút thắt cản trở dòng vốn đầu tư không chỉ của các DN FDI mà còn của các DN tư nhân trong nước.
Đặc biệt, cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia
Theo TS Nguyễn Minh Phong, Việt Nam đang đứng trước cơ hội thu hút các dòng vốn FDI công nghệ cao trong xu hướng tăng cường dịch chuyển đầu tư, tái cơ cấu và tái định vị các cơ sở sản xuất nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào một thị trường ở khu vực và thế giới. Để triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài trên tinh thần chủ động tiếp cận các tập đoàn lớn, có công nghệ cao, đứng đầu hoặc vận hành các chuỗi giá trị nhằm vận động, xúc tiến hợp tác đầu tư cùng có lợi, tăng thu hút những dự án chất lượng, quy mô vốn lớn, công nghệ cao...
Cũng theo ông Phong, dòng FDI chất lượng cao không chỉ có quy mô vốn và hàm lượng công nghệ cao, mang lại hiệu ứng lan tỏa công nghệ, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao của sản phẩm mà còn cho phép định vị chuỗi cung ứng giá trị và vị thế mới cho nước tiếp nhận đầu tư trong mạng sản xuất, công nghệ, cũng như cơ hội đầu tư tài chính, du lịch, bất động sản và dịch vụ toàn cầu...
Do vậy cần xây dựng đồng bộ các tiêu chí về dự án FDI chất lượng cao phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước và xu hướng khoa học công nghệ thế giới; tập trung phát triển hạ tầng và cải thiện quản lý một số khu công nghiệp trọng điểm dành riêng tiếp nhận các dự án FDI quan trọng. Xây dựng các danh mục dự án, lĩnh vực cần thu hút FDI chất lượng cao trong quy hoạch quốc gia tổng thể; chủ động xây dựng và triển khai các kế hoạch xúc tiến, vận động đầu tư chuyên ngành, chuyên nghiệp và có tính đặc thù cao, để tiếp cận, mời gọi, nghiên cứu đáp ứng các nhu cầu và yêu cầu của các chủ đầu tư dự án FDI chất lượng cao…
Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đầu tư
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Việt Nam đang đẩy nhanh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung vào hàm lượng tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh... Ngoài ra, Việt Nam có những lợi thế cạnh tranh lớn mà các quốc gia khác không có được, như nguồn nhân lực trẻ và dồi dào, chính sách cởi mở, thông thoáng... Để hiện thực hóa điều đó, Việt Nam tập trung vào 3 đột phá, gồm hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, kết hợp với các yếu tố cải cách thủ tục hành chính, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, văn hóa con người Việt Nam.