Việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động của doanh nghiệp là một trong những hoạt động cần thiết với chức năng quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, nhằm đảm bảo các hoạt động của DN được minh bạch, tạo sự ổn định trong môi trường kinh doanh. Tuy nhiên việc thanh, kiểm tra cần phải hợp lý, tránh phiền hà cho DN, tránh gây bức xúc cho DN. Đây là điều mà DN nào cũng mong mỏi.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, với tinh thần nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, tạo đà phát triển cho cộng đồng DN, nhà quản lý đã mạnh mẽ cắt bỏ nhiều thủ tục kinh doanh rườm rà, trong đó có cả việc thực hiện giảm thiểu các đoàn thanh tra, kiểm tra hàng năm để giảm sự phiền hà cho DN.
Và những nỗ lực này thực sự đã có nhiều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN. Nhiều DN cho biết, “nhẹ gánh” tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra, giúp DN tiết giảm nhiều thời gian, chi phí, tập trung cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, thông tin vừa được công bố mới nhất của VCCI trong Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020 cho hay, thực tế là vẫn diễn ra tình trạng cơ quan nhà nước lạm dụng hoạt động kiểm tra để nhũng nhiễu DN.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Luật Thanh tra yêu cầu việc thanh tra phải có kế hoạch hàng năm, trường hợp thanh tra định kỳ phải có quyết định thanh tra và gửi trước cho DN, DN được phép giải trình đối với dự thảo kết luận thanh tra và kết luận cuối cùng phải được cung cấp cho DN. Luật cũng có quy định các khoảng thời gian cụ thể cho từng bước của một cuộc thanh tra.
Tuy nhiên, đối với hoạt động kiểm tra thì hiện nay không có các quy định như vậy. Trong khi đó, có sự trùng lặp giữa việc thanh tra và kiểm tra DN về nội dung và hệ quả pháp lý của hai hoạt động này.
Điều này khiến cho các DN vẫn đang phải “lãnh” nhiều cuộc kiểm tra của cơ quan nhà nước.
Không chỉ phải tiếp các đoàn thanh, kiểm tra mỗi năm, nhiều DN cho biết, những rào cản trong hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn còn tồn tại, ngáng chân DN, đẩy chi phí gia tăng làm giảm sức cạnh tranh của DN.
Mặc dù đã có nhiều cải thiện từ phía các cơ quan quản lý, nhưng trên thực tế, câu chuyện về thanh kiểm tra DN vẫn là nỗi bức xúc lâu nay của cộng đồng DN.
Điều này một lần nữa là minh chứng cho thấy hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều các quy định để minh bạch hoá và chống lạm dụng quyền lực trong hoạt động kiểm tra doanh nghiệp.