Chống chọi với nắng nóng

Hạnh Nguyên - Đức Trân- Tấn Thành 04/07/2018 08:00

Nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ngoài trời có lúc gần 50oC, cuộc sống của người dân tại “chảo lửa” Bắc Trung Bộ bị đảo lộn. Tuy nhiên, đợt nắng nóng kéo dài này còn dội lửa xuống nhiều tỉnh/thành, dự báo kéo dài tới cuối tuần mới dịu bớt.

Chống chọi với nắng nóng

Nông dân Hà Tĩnh che bạt chống nắng.

Làm ruộng ban đêm để tránh nắng

Kể từ ngày ngày 1/7 đến nay, Bắc Trung Bộ nắng nóng gay gắt.

Thay vì ra đồng từ 7h sáng như thường ngày thì thời điểm này, người nông dân phải ra đồng từ 5h sáng, không quên mang theo áo tơi để chống chọi với cái nóng.

Chị Phan Thị Nhàn (thôn Minh Hương, Trung Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh) nói: “Trước thì tầm 7h tôi mới đủng đỉnh ra đồng, nhưng 3 hôm nay phải dậy lúc tờ mờ sáng, đến tầm 9h là về nhà rồi. Còn buổi chiều thì hơn 16h mới dám ra khỏi nhà và đến 19h tối mới về. Chưa khi nào tôi thấy trời nắng, nhiệt độ cao như mùa hè năm nay nhưng để tỉa dặm lúa cho kịp kỳ sinh trưởng nên phải đối phó với nắng bằng cách thay đổi giờ ra đồng như thế”.

Để kịp thu hoạch lạc, người dân Hà Tĩnh còn phải dùng đèn pin ra đồng vào ban đêm. Bà Phan Thị Mong (54 tuổi, thôn Xuân Hải, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) cho hay, ban ngày nắng nóng không đủ sức để nhổ lạc nên ban đêm cả nhà ra đồng Cồn Giếng gần nhà để thu hoạch.

“Đến giờ thì 2 mẫu lạc cũng thu hoạch gần xong. Dù làm ban đêm hơi vất vả nhưng tránh được nắng nóng và quan trọng hơn hết là sức khỏe được đảm bảo”- bà Mong nói.

Tại Bắc Trung Bộ, những ngày này vào buổi trưa, người dân rất ít ra đường. Với những người lao động tự do, làm thuê thời vụ thì đương nhiên vẫn phải ngồi đợi việc, mặc cho trời nắng cháy.

“Sáng đến giờ tôi mới có 1 người thuê dọn nhà, được hơn 100 nghìn đồng, gắng ở đây chờ người thuê giờ buổi chiều nữa để kiếm thêm về gom cho con đóng tiền học phí năm học mới”- chị Nguyễn Thị Hòa (46 tuổi, xã Hộ Độ, Lộc Hà) vừa lấy nón để quạt vừa nói.

Chống chọi với nắng nóng - 1

Nhiều nông dân ở các huyện vùng cao ở Nghệ An phải túc trực cả đêm để dẫn nước vào ruộng lúa vì sợ nắng nóng kéo dài, thiếu nước làm chết lúa. Nhiều cánh đồng ở các huyện Yên Thành, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Thành Chương... bị nứt nẻ, lúa và cây hoa màu bắt đầu khô héo.

Trời thì chưa chịu mưa, các hồ chứa nước nước thủy lợi cũng cạn và cũng chưa chịu xả thải để điều tiết. Nắng nóng càng thêm gay gắt.

Tại Quảng Nam, Quảng Ngãi, người dân cũng khốn khổ vì nắng nóng. Các tuyến đường trong TP Tam Kỳ nhiệt độ tăng cao, nóng rát. Anh Nguyễn Văn Sơn, (trú TP Tam Kỳ) cho biết: “Nắng nóng khiến tôi phải thay đổi giờ chở con đi học thêm sớm hơn và chiều tối khi đã tắt nắng thì mới đến đón cháu về”.

Còn ông Nguyễn Văn Quốc (xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) cho biết, do nắng nóng anh em công nhân làm ngoài trời nhanh mất sức, nhưng cũng không có cách nào khác là phải gồng mình lên.

Ông Huỳnh Ái Cường, (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) nói: “Trời nắng chỉ muốn ở trong nhà nhưng nhìn thấy ruộng lúa, ngô của mình khô héo thì không thể đứng nhìn được. Với ruộng ngô này, mỗi ngày tôi phải ra tưới một lần nhưng được một thời gian là bốc hơi hết khiến cây vẫn cứ khô héo”.

Chống chọi với nắng nóng - 2

Bệnh nhân tăng vọt

Tại các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh của các tỉnh Bắc Trung Bộ, những ngày qua người nhập viện tăng vọt. Khoa Nội, Khoa Cấp cứu, Khoa Nhi - BVĐK huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) số lượng bệnh nhân tăng 40% so với bình thường, chủ yếu là bệnh nhân trên 60 tuổi. Đa phần bị bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch, tiêu chảy…

“Nắng nóng quá, bố tôi bị nhồi máu cơ tim, phải vào đây điều trị”- chị Lê Thị Hoa chia sẻ.

Còn tại BVĐK Hà Tĩnh, số trẻ em nhập viện tăng vọt. Ngày cao điểm 3/7, có tới 100 bệnh nhi đến để khám, 20% trong số đó phải nhập viện điều trị. Hầu hết các bệnh nhi nhập viện chủ yếu bị sốt, viêm đường hô hấp và tiêu chảy.

Tại Hà Nội, những ngày qua số bệnh nhi nhập viện tăng cao, khoảng 20%. Nguyên nhân là nhiều trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính như viêm họng, ho, chuyển biến nặng hơn là viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi do nắng nóng.

Chống chọi với nắng nóng - 3

Đưa trẻ đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương, ngày 3/7.

Tại BV Bạch Mai và BV Lão khoa Trung ương, số người già mắc bệnh mãn tính đến khám cũng tăng từ 30% đến 50% trong những ngày nắng nóng. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Phương- phụ trách Trung tâm Dị ứng, miễn dịch lâm sàng cho biết, chỉ riêng bệnh nhân hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính đã có hàng chục người đến khám mỗi ngày.

Trong khi đó, số bệnh nhân đột quỵ cũng tăng mạnh. Bác sĩ Trần Anh Thắng- Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, gần một tuần nay, ngày nào BV cũng phải cấp cứu 3 - 5 ca đột quỵ, nguyên nhân chủ yếu là do nắng nóng kéo dài.

Còn tại Khoa Cấp cứu, BV Thanh Nhàn, mỗi ngày cũng tiếp nhận 5 - 6 ca đột quỵ. Bác sĩ Phạm Thị Trà Giang- Trưởng khoa cho biết, nắng nóng gay gắt và kéo dài là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên. Đặc biệt người có tiền sử huyết áp rất dễ bị sốc nhiệt khi đi ra ngoài trời nắng, nhất là khi thay đổi nhiệt độ đột ngột từ phòng điều hòa lạnh ra ngoài trời nắng nóng.

Trước tình hình đó, Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế... đề nghị bổ sung quạt đảm bảo thoáng, mát cho người bệnh, lắp điều hoà nhiệt độ (nếu có điều kiện), bố trí đầy đủ bàn khám, sắp xếp, cải tiến quy trình khám bệnh hợp lý; tổ chức tiếp đón, nhanh chóng sàng lọc người bệnh cấp cứu để giảm tối đa thời gian chờ đợi của người bệnh.

Do nắng nóng, nền nhiệt cao kỷ lục, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Chỉ trong vòng 10 ngày (từ 21/6 đến 1/7), trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh liên tiếp xảy ra 6 vụ cháy rừng. Tổng diện tích rừng bị cháy là 37,02 ha; diện tích rừng bị thiệt hại, ước tính ban đầu gần 10 ha. Cụ thể: Huyện Đức Thọ 3 vụ, Hương Sơn 2 vụ và huyện Vũ Quang 1 vụ. Tại Nghệ An, đã có 1 người chết trong lúc chữa cháy rừng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống chọi với nắng nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO