Chống dịch Covid-19: Chặt chẽ nhưng không cực đoan

MIÊN THẢO 20/12/2021 08:00

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Hội đồng nhân dân thành phố  Hà Nội, ngày 9/12, nhóm vấn đề công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 cũng như việc triển khai các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho học sinh tại huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh.

Vừa chống dịch vừa “mở cửa”

Theo ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), Hà Nội ghi nhận tổng số 14.925 ca, trong đó 5.443 ca ngoài cộng đồng. Trong đó, giai đoạn trước khi giãn cách xã hội, từ ngày 27/4 đến ngày 23/7/2021 (88 ngày) ghi nhận 917 ca mắc (trung bình 10,42 ca/ngày), với 414 ca ngoài cộng đồng. Giai đoạn giãn cách xã hội, từ ngày 24/7 đến 20/9/2021 (58 ngày), ghi nhận 3.276 ca mắc (trung bình 56,48 ca/ngày), với 898 ca ngoài cộng đồng. Giai đoạn phòng, chống dịch trong tình hình mới, tính từ ngày 21/9 đến hết ngày 10/10/2021: ghi nhận 114 ca mắc (trung bình 5,7 ca/ngày), trong đó 8 ca ngoài cộng đồng. Giai đoạn thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP tính từ ngày 11/10 đến 12 giờ ngày 8/12/2021 ghi nhận 10.618 ca mắc (trung bình 186 ca/ngày), trong đó 4.123 ngoài cộng đồng.

Như vậy, tính từ khi đợt dịch lần thứ 4 bùng phát (ngày 27/4) đến nay, theo từng mốc thời gian, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục tăng các ca mắc mới. Đáng chú ý, số ca ngoài cộng đồng là rất lớn.

Tình hình dịch Covid-19 tại Hà Nội cũng phản ánh diễn biến chung của cả nước, khi mà hơn một tháng qua số ca dương tính với SARS-CoV-2 tăng ở nhiều địa phương. Các tỉnh, thành phía Nam sau thời gian ngắn tạm yên thì nay “vùng xanh” cũng thu hẹp, thay vào đó là “vùng vàng”, “vùng đỏ”. Trong đó, thành phố Cần Thơ số ca mắc mới tăng mạnh trong những ngày gần đây. Các tỉnh khác như Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang... số ca mắc mới cũng tăng. Số người tử vong liên quan tới Covid-19 ở khu vực các tỉnh, thành phía Nam vẫn chưa hạn chế được khi mà số ca mắc tử vong trong ngày vẫn rải rác ở các tỉnh, trong đó TP Hồ Chí Minh vẫn nhiều người tử vong nhất.

Với các tỉnh, thành miền Trung, diễn biến dịch cũng phức tạp hơn, khi mà Quảng Bình, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Thuận số ca mắc mới vẫn nhiều, trong đó có nhiều ca ngoài cộng đồng tiềm ẩn nguy cơ lây lan rộng.

Với các tỉnh, thành phía Bắc, kể cả các tỉnh miền núi, dịch Covid-19 cũng rất phức tạp. Trong đó, Thủ đô Hà Nội ghi nhận nhiều nhất số ca mắc mới (tính theo ngày). Có ngày, Hà Nội đã lọt vào “tốp 3” số ca mắc mới tính trên phạm vi cả nước.

Thực tế ấy đòi hỏi phải có chiến lược phòng, chống dịch khẩn cấp hơn, để vừa bảo vệ sức khỏe người dân vừa tiếp tục “mở cửa” khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng không thể không tiến hành đồngt hời cùng một lúc, dẫu vẫn biết rằng chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, sức khỏe và tính mạng của người dân là trước hết và trên hết.

Không để bị động, bất ngờ

Trong khó khăn ấy, các tỉnh, thành phố đã chủ động, linh hoạt trong phòng chống dịch, phù hợp với thực tế của địa phương.

Tại Hà Nội, liên tục những ngày qua UBND thành phố cũng như ngành Y tế đã đưa ra những chỉ đạo cần kíp. Kể cả việc thay đổi kế hoạch cho học sinh trở lại trường học trực tiếp thì cũng được thay đổi trước khi thực hiện chỉ trong vòng 24 giờ. Đó chính là tinh thần linh hoạt thích ứng hiệu quả để phòng, chống dịch. Riêng văn bản chỉ đạo của UBND thành phố đã ban hành 9 chỉ thị và công điện, 18 kế hoạch và phương án, 18 thông báo và nhiều văn bản liên quan.

Đáng chú ý, cùng với một số tỉnh, thành khác, Hà Nội đã có chủ trương từng bước để các ca F1, F0 tự cách ly tại nhà. Đây là chủ trương rất thiết thực để ứng phó với tình hình dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến xấu. Đặc biệt, hệ thống y tế có thể nói là đã khởi động hết công suất, từ các bệnh viện lớn cho đến trạm y tế phường, xã. Hà Nội đã tổ chức thực hiện điều trị tại các bệnh viện và các cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ để có thể đáp ứng 100.000 ca bệnh, đảm bảo 1.000 giường ICU. Cùng đó, Hà Nội đã cải tạo, nâng cấp, đầu tư Hệ thống khí y tế tại 32 bệnh viện với tổng số khoảng 3.200 giường bệnh có hệ thống ô xy y tế đầu giường. 30/30 quận, huyện, thị xã thành lập cơ sở thu dung điều trị F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ. 23 quận, huyện tiếp nhận, điều trị bệnh nhân F0 không triệu chứng và triệu chứng nhẹ, tổng số 999 người.

Thời gian qua, Hà Nội là địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 vào tốp dẫn đầu cả nước. Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn biến xấu, Hà Nội vẫn xác định vaccine là vũ khí quan trọng trong phòng, chống Covid-19. Tiến độ tiêm vaccine của Hà Nội có thể nói là rất tốt. Đến nay Hà Nội đã tiêm cho người từ 18 tuổi: Tiêm mũi 1 đạt 94,3 %; Tiêm mũi 2 đạt 85%; Người trên 50 tuổi: Tiêm mũi 1 đạt 88,1%; Tiêm mũi 2 đạt 83,6%; Trẻ em từ 15-17 tuổi: tiêm mũi 1 đạt 94,9%; Trẻ em từ 12-14 tuổi: tiêm mũi 1 đạt 75,9% và đang tiếp tục tiêm cho trẻ em theo tiến độ cấp vaccine của Bộ Y tế.

Hiện nay, tiến độ tiêm vaccine cho học sinh từ 13 tuổi trở lên ở Hà Nội đang được đẩy mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, với tinh thần cầu thị và quyết tâm cao, thành phố đã có nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, chuyển hướng mạnh mẽ từ phòng ngự sang tấn công với nhiều nhiệm vụ mới, khó, chưa có tiền lệ; kiểm soát chặt chẽ nhưng không cực đoan, thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” phòng chống dịch hiệu quả, duy trì phát triển kinh tế - xã hội.

Từ thực tế diễn biến dịch bệnh, Hà Nội đã rút ra những kinh nghiệm bước đầu. Trước hết đó là lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, đồng bộ, thống nhất, xuyên suốt và nhất quán từ thành phố đến cơ sở; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch. Tiếp đó là việc bám sát thực tiễn, nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo, căn cứ dữ liệu khoa học để đưa ra các biện pháp phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án chống dịch từ sớm, toàn diện, đồng bộ ở mức cao nhất có thể (kể cả kịch bản cho tình huống xấu hơn) để tránh bị động, bất ngờ trước mọi diễn biến dịch bệnh.

Bài học thứ 3 được xem là “mới” và tích cực của Hà Nội chính là thực hiện linh hoạt, hiệu quả trong việc xét nghiệm, điều trị, cách ly theo diễn biến dịch bệnh và điều kiện triển khai thực tế trên địa bàn. Chủ động các phương án thiết lập hệ thống hồi sức, chăm sóc, điều trị giảm tử vong, hình thành trạm y tế lưu động để cung cấp các dịch vụ y tế cho người dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở, tại nhà; chủ động vaccine, thuốc điều trị, ô xy, y tế...

Tới thời điểm này, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khi mà số ca mắc mới tăng và nhiều ca ngoài cộng đồng. Chặt chẽ nhưng không cực đoan, đó chính là chủ trương đúng đắn, thực tế trong tình hình này. Cũng không thể chắc chắn lúc nào hết dịch vì thế giới cũng đã xác định cần coi Covid-19 sẽ biến đổi như bệnh cúm và tồn tại cùng con người. Không chủ quan nhưng cũng không hoảng sợ, đó mới chính là thái độ sống tích cực khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kể cả trong lúc biến chủng Delta chưa qua thì biến chủng Omicron lại đã xuất hiện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống dịch Covid-19: Chặt chẽ nhưng không cực đoan