Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đất nước đổi mới, đời sống của các tầng lớp nhân dân ngày càng được nâng lên. Thế nhưng, các đối tượng thù địch luôn tìm cách bôi nhọ, xuyên tạc lịch sử nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá Đảng, Nhà nước ta.
Từ số báo này, Đại Đoàn Kết mở Diễn đàn “Chống diễn biến hòa bình” đấu tranh chống lại những luận điệu sai trái; củng cố, phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng đất nước mạnh giàu.
Ông Nguyễn Trọng Phúc.
Cần tiếp tục tuyên truyền để người dân không nghe lời kẻ xấu xúi giục, cần thiết phải có cơ chế pháp luật đủ mạnh để xử lý những đối tượng cố tình đi ngược lại lợi ích chung của đất nước, của dân tộc. PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc- nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã chia sẻ như vậy với Đại Đoàn Kết.
PV:Mới đây, vẫn có người phát biểu trên mạng xã hội rằng: Nếu không có Cách mạng tháng Tám, nước ta đã giàu mạnh từ lâu và không mất dân chủ như bây giờ. Ông nhận định thế nào về phát biểu trên?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Đây là nhận định không chính xác của những kẻ chống lại sự phát triển đất nước, họ cố tình vu cáo, bịa đặt hòng chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, cố tình phủ nhận những thành quả cách mạng mà chúng ta đã đạt được.
Tại sao tôi lại khẳng định đây là những kẻ có ý đồ xấu là bởi những người nói ra câu nói này có lẽ họ không biết hoặc cố tình không biết rằng, vào chính năm diễn ra cuộc Cách mạng tháng Tám, nạn đói khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng của hơn hai triệu người, bằng khoảng 10% dân số của cả nước vào thời điểm ấy. Trong ký ức của nhiều người vẫn còn giữ lại hình ảnh những chiếc xe bò chở xác người, người chết đói la liệt ở khắp nơi... 95% dân số Việt Nam lúc đó không biết chữ... Chỉ một ngày sau khi nước nhà tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 vấn đề cấp bách, trong đó cứu đói là một trong 6 nhiệm vụ hàng đầu và phong trào “diệt giặc đói” được triển khai ngay. Đến đầu năm 1946, tức là chỉ 4 tháng sau Cách mạng tháng Tám, công tác đê điều đã hoàn thành. Đồng thời, với việc đắp đê, với khẩu hiệu “tấc đất, tấc vàng”, chính quyền và nhân dân cả nước ra sức cải tạo đất công cộng còn trống, như sân bãi, vỉa hè, bờ đê... để trồng trọt. Kết quả sản lượng hoa màu tăng gấp 4 lần so với thời kỳ Pháp thuộc. Giặc đói bị đẩy lùi. Cũng chỉ một năm sau ngày nước nhà độc lập, phong trào “diệt giặc dốt” đã xóa nạn mù chữ cho hơn 2,5 triệu người. Thử hỏi, nếu không có Cách mạng tháng Tám, không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “giặc đói”, “giặc dốt” có bị đẩy lùi chỉ trong thời gian ngắn?
Đặc biệt, những tháng đầu năm nay, trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng khá cao. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II-2019 tăng 6,71% so với cùng kỳ năm trước. Tại cuộc hội kiến giữa Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Takehiko Nakao và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, đại diện của ADB đánh giá cao thành quả phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được giữ vững trong những năm gần đây, với tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội thực đạt 6,76% trong nửa đầu năm 2019 và 7,1% trong năm 2018- tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong hơn một thập kỷ. Đại diện ADB nhận định, Việt Nam tiếp tục chứng tỏ tiềm năng mạnh mẽ trong duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Việt Nam cũng đang khẳng định vị trí của mình một cách hiệu quả trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu đang thay đổi.
Những con số biết nói trên đây khẳng định thành tựu của dân tộc Việt Nam sau 74 năm sống trong chế độ mới; đồng thời cũng là những bằng chứng không thể chối cãi được cho những người cố tình xuyên tạc thành quả cách mạng của Việt Nam.
Với vấn đề dân chủ thì sao thưa ông?
-Những kẻ chống lại sự phát triển đất nước luôn tìm cách bịa đặt, vu cáo, này khác là nước ta không dân chủ. Vậy thế nào là dân chủ? Ta phải hiểu rằng, dân chủ bao giờ cũng gắn với pháp luật, không có nước nào dân chủ hoàn toàn, cho phép tất cả mọi người muốn làm gì thì làm cả. Phải trong khuôn khổ pháp luật, các nước Mỹ, Nhật, Tây Âu cũng thế thôi. Tự do trong khuôn khổ pháp luật, dân chủ phải đi liền với kỉ cương, kỉ luật. Không bao giờ có dân chủ vô hạn độ.
Vậy theo ông mục đích của sự bôi nhọ, vu khống này là gì?
-Mục đích, ý đồ của họ là để nước ta không đi theo con đường XHCN nữa, đòi xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản do Bác Hồ sáng lập từ năm 1930, Đảng đã lãnh đạo cách mạng tháng Tám thắng lợi, giành lại độc lập cho dân tộc. Sau đó Đảng lãnh đạo nhân dân chống những đế quốc mạnh nhất thời đại như Pháp, Mỹ giành độc lập, thống nhất đất nước. Đảng lãnh đạo sự nghiệp đổi mới phát triển đất nước hơn 30 năm nay tạo ra thế và lực mới cho đất nước, cải thiện đời sống nhân dân. Những thành tựu rành rành ra đấy không ai phủ nhận được. Thế giới cũng không thể phủ nhận điều đó.
Đất nước hoàn toàn độc lập, thống nhất, nhân dân ngày càng sung sướng, đời sống ngày càng cải thiện. Tất nhiên, vẫn còn một bộ phận mấy % dân còn nghèo đói, cần tiến tới xóa bỏ điểm trũng này, để “không bỏ lại ai ở phía sau” như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, nhưng thật ra xã hội nào cũng có người nghèo. Đến Mỹ còn có mấy triệu người vô gia cư thì nước nghèo như Việt Nam mà không có người nghèo là vô lý!
Kẻ xấu cố tình phủ nhận những điều này họ kích động để tạo ra sự rối loạn, cản trở sự phát triển. Đích của họ là phủ nhận, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, đưa đất nước đi theo hướng có lợi cho các thế lực đó. Phủ định XHCN mà ta đang xây dựng thành công cả về thực tiễn và lý luận. Mình phải nhận rõ ý đồ thủ đoạn của các đối tượng này là gì? Tại sao lại làm như thế? Mình phải nhận thức cho đúng.
Chúng ta cần làm gì để đối phó với những kẻ có dã tâm xấu, cố tình chống phá sự nghiệp cách mạng, đi ngược với lợi ích dân tộc thưa ông?
-Theo tôi, mình cứ khẳng định cái đúng của mình. Tất nhiên chúng ta cũng vẫn còn một số khuyết điểm này khác, như tham ô, tham nhũng chẳng hạn. Nhưng đó là vấn nạn của toàn cầu chứ không riêng gì ở Việt Nam. Tất nhiên nói thế không phải để bao biện, che giấu khuyết điểm của mình mà mình phải thẳng thắn nhìn nhận, tham nhũng là nghiêm trọng, kiên quyết chống tham nhũng, một cách có hiệu quả. Và Đảng ta đang quyết liệt chống tham nhũng để lấy lại lòng tin của nhân dân. Chúng ta cần phải tuyên truyền một cách có hiệu quả để nhân dân trong và ngoài nước cũng như bạn bè trên thế giới hiểu để tránh mắc mưu của những kẻ cố tình chống phá chế độ.
Ông đánh giá thế nào công tác tuyên truyền của chúng ta hiện nay về vấn đề này?
-Đây là một mảng yếu. Theo tôi báo chí phải vào cuộc để tuyên truyền giải thích chính sách pháp luật của Nhà nước, chính sách dân tộc, tôn giáo thế nào, thành quả ra sao, phải mở các chuyên mục tuyên truyền mời gọi các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực viết để nhân dân hiểu được. Chống tham nhũng cũng phải giới thiệu cái gì là thành công, có hiệu quả, chứ không nói tùm lum, đi đâu cũng nói đến tham nhũng làm dân hiểu sai rằng tất cả cán bộ đều tham nhũng. Làm gì có chuyện đó. Chỉ có một bộ phận, một nhóm người tham nhũng, còn lại đa số cán bộ, đảng viên của ta là tốt, tận tâm với công việc thì đất nước mới được như ngày nay. Cả hệ thống tham nhũng thì đất nước không có cơ đồ như ngày hôm nay.
Tuyên truyền giáo dục không thể thiếu vai trò của báo chí, rồi các đoàn thể phải vào cuộc, từ thanh niên, phụ nữ, công đoàn… mọi tầng lớp trong xã hội đều có đoàn thể của mình, đoàn thể ấy phải tuyên truyền, giáo dục cho đầy đủ. Đảng cũng phải tuyên truyền, giáo dục trong nội bộ Đảng rồi phát triển ra bên ngoài. Đặc biệt cán bộ, đảng viên phải nêu gương, phải nâng cao nhận thức, đừng đánh mất vai trò tiên phong, gương mẫu của mình. Làm cán bộ, đảng viên mà gương mẫu thực hiện dân sẽ hiểu, làm theo.
Thưa ông, để xử lý đối tượng chống phá Nhà nước nếu chỉ dùng giải pháp tuyên truyền là chưa đủ?
-Đó mới đúng là bản chất của xã hội nhân đạo, nhân văn. Tất nhiên ai cũng có thể có những lúc lầm lạc, sai phạm mình cố gắng hiểu họ, thuyết phục họ, để họ hiểu thực sự tình hình đất nước. Ngày xưa Bác Hồ gọi là khoan dung chứ không phải có tí việc thì mang ra xét xử, trừng trị. Nhưng nếu anh cố tình động đến an ninh đất nước, cố tình chống phá chế độ, làm phương hại đến lợi ích chung của quốc gia thì phải trừng trị.
Trân trọng cảm ơn ông!
* Vào chính năm diễn ra cuộc Cách mạng tháng Tám, nạn đói khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng của hơn hai triệu người, bằng khoảng 10% dân số của cả nước vào thời điểm ấy. Chỉ một ngày sau khi nước nhà tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ (ngày 3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu 6 vấn đề cấp bách, trong đó cứu đói là nhiệm vụ hàng đầu và phong trào “diệt giặc đói” được triển khai ngay. Giặc đói bị đẩy lùi. Cũng chỉ một năm sau ngày nước nhà độc lập, phong trào “diệt giặc dốt” đã xóa nạn mù chữ cho hơn 2,5 triệu người. Thử hỏi, nếu không có Cách mạng tháng Tám, không có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “giặc đói”, “giặc dốt” có bị đẩy lùi chỉ trong thời gian ngắn?
* Trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng khá cao. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2019 tăng 6,71% so với cùng kỳ năm trước. Còn tăng trưởng 7,1% trong năm 2018 là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong hơn một thập kỷ. Những con số biết nói đó đã khẳng định thành tựu của đất nước, đồng thời cũng là những bằng chứng không thể chối cãi được cho những người cố tình xuyên tạc thành quả cách mạng của Việt Nam.