Làm sao để các dự án PPP không tạo ra độc quyền cung cấp dịch vụ cho xã hội, cho người dân; cần đảm bảo để người dân có quyền lựa chọn sử dụng dịch vụ công theo chất lượng và khả năng chi trả? Đó là vấn đề được nhiều ĐBQH đặt ra khi cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) trong kỳ họp thứ 8, ngày 19/11. Ảnh: Quang Vinh.
Chia sẻ bằng hình thức nào?
Vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm xoay quanh việc quy định Chính phủ chia sẻ không quá 50% nếu hụt thu doanh thu và doanh nghiệp chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu. ĐB Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng: Về cơ chế chia sẻ rủi ro với doanh thu, quy định như vậy là không công bằng, khó chấp nhận và không có mức cụ thể sẽ dẫn đến mặc cả, xin - cho, gây tiêu cực và lợi ích nhóm. Do đó, về nguyên tắc chia sẻ phải công bằng, dễ chấp nhận, nghĩa là hụt thu chia sẻ bao nhiêu phần trăm thì tăng thu cũng chia sẻ bấy nhiêu phần trăm? Tỷ lệ chia sẻ phải quy định với mức cụ thể để đảm bảo tính công khai, minh bạch. Mỗi lĩnh vực đầu tư khác nhau có thể quy định mức chia sẻ có thể sẽ khác nhau, và Chính phủ cần chỉ rõ nguồn kinh phí để chia sẻ rủi ro cho nhà đầu tư, khi xảy ra thì lấy ở đâu? Bằng nguồn nào?
ĐB Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) nhận xét: Cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu chúng ta đã quy định rõ cơ chế đấu thầu dự án, cơ chế minh bạch, công khai thông tin dự án, cơ chế lựa chọn nhà thầu. Trên cơ sở các thông tin cung cấp, doanh nghiệp đã tính toán kỹ, cân nhắc và tự nguyện tham gia. Vì vậy, chỉ nên buộc áp dụng cơ chế này trong những trường hợp khách quan như thiên tai hoặc chủ quan do cơ quan nhà nước thay đổi về quy hoạch, thay đổi về pháp luật, cơ chế, chính sách hỗ trợ. Nhưng chỉ áp dụng ở mức doanh thu chênh lệch thấp hơn doanh thu tính toán ở một tỷ lệ nhất định và cần xác định rõ thời điểm, giai đoạn cấp bù, cách tính và thời giá.
Theo ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ), cơ chế chia sẻ rủi ro, quy định đưa ra trong dự thảo luật là bất hợp lý. Vì cho phép doanh thu thực tế cao hơn hoặc thấp hơn phương án tài chính trong hợp đồng thì được tăng, giảm mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc rút ngắn, kéo dài thời gian hợp đồng, đối với các công trình trọng điểm Nhà nước còn bù phần hụt thu hoặc chia thêm phần tăng thu. Quy định như vậy sẽ vô hiệu hóa toàn bộ kết quả đấu thầu, vì giá trúng thầu thực chất là mức phí, thời gian thu bị điều chỉnh theo thực tế, bản chất là chuyển công trình đấu thầu thành chỉ định thầu và tạo lỗ hổng cho các nhà đầu tư bỏ giá thấp để trúng thầu, quá trình thực hiện sẽ điều chỉnh theo thực tế và luôn có lợi nhuận, không đạt mục tiêu của đấu thầu là cạnh tranh, tìm nhà thầu phù hợp, vi phạm nguyên tắc thị trường là “lời ăn, lỗ chịu”. Hiện nay, các nhà đầu tư lo ngại khi bỏ vốn là do chính sách Nhà nước thay đổi hoặc do cơ quan Nhà nước ký hợp đồng không đúng quy định của pháp luật, không hợp lý, dẫn đến người dân, dư luận phản ứng, phải dừng thu, phá vỡ phương án tài chính, thiệt hại cho nhà đầu tư.
Tại sao né kiểm toán?
Nhiều ĐB cũng bày tỏ những băn khoăn khi dự thảo luật không cho phép kiểm toán phần tài sản và vốn doanh nghiệp. ĐB Trần Văn Lâm (Bắc Giang) nhìn nhận: Vốn Nhà nước sử dụng trong dự án PPP đương nhiên phải được quản lý theo quy định của đầu tư công và phải được kiểm toán, nhưng dự thảo luật lần này đưa ra dự kiến là hoạt động kiểm toán là chỉ áp dụng với phần tài sản công và tài chính công, còn phần tài sản và vốn doanh nghiệp sẽ không kiểm toán. Như vậy là chưa hợp lý, bởi cần phải tăng tính minh bạch trong việc xác định giá và phí mà các nhà đầu tư PPP thu của người sử dụng. Do vậy, cần phải được kiểm toán và khi kiểm toán các yếu tố cấu thành liên quan đến mức phí với mức giá sẽ gồm cả vốn và tài sản mà doanh nghiệp đầu tư ra. Như vậy, để đảm bảo cần có sự cho phép là Kiểm toán tham gia kiểm toán với các nội dung thuộc về vốn và tài sản của các nhà đầu tư, chứ không phải chỉ có riêng đối với phần tài chính công, tài sản công.
Cùng chung quan điểm đó, ĐB Hoàng Quốc Thưởng (Hải Dương) cho rằng: Thực tế những năm gần đây, thông qua kiểm toán các dự án đầu tư theo phương thức BT, BOT, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí giao thông đối với nhiều dự án BOT, giảm thất thoát ngân sách nhà nước trong dự án BT hàng nghìn tỷ đồng. Kết quả kiểm toán của Kiểm toán nhà nước được dư luận rất đồng tình, ủng hộ. Nhưng dự thảo luật lại quy định không cho Kiểm toán Nhà nước kiểm toán dự án PPP như hiện tại Kiểm toán Nhà nước đang làm mà chỉ được kiểm toán với phần vốn do nhà nước hỗ trợ. Cho nên cần xem lại vấn đề này. Nếu quy định cho Kiểm toán Nhà nước kiểm toán cả phần vốn không phải do ngân sách hỗ trợ như hiện nay thì sao? Đã có trường hợp nào dự án PPP không thu hút được nhà đầu tư mà nguyên nhân là do sợ bị kiểm toán hay không hay vì lý do Kiểm toán Nhà nước quá tải hay không đủ nguồn lực để thực hiện kiểm toán?
ĐB Hà Thị Lan (Bắc Giang) phân tích thêm: Thời gian thu phí là vấn đề rất quan trọng trong dự án PPP và được dư luận rất quan tâm nhưng lại không được đưa vào kiểm toán cho nên cần xem xét lại quy định này cho phù hợp với pháp luật hiện hành, cũng như lĩnh vực Kiểm toán nhà nước theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Đầu tư của Nhà nước theo hình thức đối tác công tư là một hình thức của đầu tư công. Do vậy, tài sản hình thành từ dự án này là tài sản công, phải quản lý, sử dụng, thanh tra, kiểm toán theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, nghĩa là thuộc phạm vi kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Logistics là lĩnh vực cần thu hút nhiều nguồn lực để phát triển.
Lời ăn, lỗ chịu
Theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), khi nói đến PPP là nói đến hợp đồng, nói đến sự tự nguyện, là cơ chế thỏa thuận giữa nhà nước và chủ đầu tư. Đó là theo cơ chế “lời ăn lỗ chịu” đúng theo nguyên tắc thị trường và trước khi ký kết hợp đồng nhà đầu tư đủ thông minh để hình dung ra được hai yếu tố, đó là lợi nhuận và rủi ro. Lợi nhuận càng lớn thì rủi ro càng cao và khi đã ký kết hợp đồng thì đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, dự thảo luật cho phép chủ đầu tư tăng giá, tăng phí dịch vụ, kéo thẳng, kéo dài thời hạn thu phí. Từ đó bà Mai nhìn nhận, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân, ở đây chủ thể phải trả không phải là Nhà nước mà là người dân. Khi đưa quy định này vào dự thảo luật, chúng ta cần nhớ đến những phản ứng từ phía người dân ở các trạm thu phí đến những dư luận chưa tốt về một số dự án BOT trong thời gian qua. Dự thảo luật cũng chưa đưa ra những căn cứ tiêu chí để xác định mức độ rủi ro, chưa xác định cơ quan nào có trách nhiệm xác định rủi ro. Hiện nay, theo dự thảo luật thì Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán phần vốn đầu tư công mà không phải là kiểm toán toàn bộ dự án. Quy định này tạo ra bất cập, bởi vì không thể xác định toàn bộ rủi ro của dự án nếu như chỉ kiểm toán một phần vốn của dự án. Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ là thẩm định cơ chế áp dụng. Vậy Bộ Tài chính có phải là cơ quan chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực trong việc xác định thực chất của rủi ro hay không? Và đây cũng là điều chưa được làm rõ. Dự thảo luật đưa ra một quy định nghe có vẻ rất hợp lý, tức là trong trường hợp có lợi nhuận tăng thêm thì nhà đầu tư chia sẻ với nhà nước về lợi nhuận tăng thêm. Tuy nhiên, trong 22 năm qua, kể từ khi áp dụng cơ chế PPP đến nay chưa có một trường hợp nào nhà đầu tư chia sẻ lợi nhuận tăng thêm với nhà nước, nhưng có một thực tế là hiện nay nhà nước vẫn đang phải chi trả một số khoản nợ trong một số hợp đồng BOT. Vì vậy cần cân nhắc thận trọng quy định này trong dự thảo luật và ngay từ thời điểm thương thảo hợp đồng, để bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư cần tính toán để đưa ra mức lợi nhuận hợp lý và nhà nước chỉ bồi thường, chỉ hỗ trợ duy nhất trong trường hợp do thay đổi cơ chế, chính sách pháp luật mà có tổn hại đến lợi ích của nhà đầu tư.