Kinh tế

Chóng mặt với cước tàu biển

T.Giang – P.Vân 13/06/2024 08:00

Cước tàu biển liên tục tăng cao trong thời gian qua khiến doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp không ít khó khăn. Dự báo, cước tàu biển còn tiếp tục biến động trong thời gian tới.

anhtren.jpg
Xuất khẩu hàng hóa đang đối diện với tình trạng thiếu container rỗng và cước tàu biển tăng cao. Ảnh: Quang Vinh.

Cước tàu biển tăng giá chóng mặt

Ông Phạm Quang Anh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần quốc tế Dony cho hay, từ đầu năm đến nay giá cước tàu biển liên tục tăng cao. Đặc biệt, giá cước đi Trung Đông tăng 20%, cước vận chuyển hàng hóa đi Mỹ tăng 50%. “Cước đi Trung Đông tăng từ 1.5000 USD/container tăng lên cao, giờ tăng lên thành 5.000 – 6.000 USD/container. Còn đối với hàng hóa đi Mỹ, cước phí vận tải hàng hóa bằng tàu biển tăng từ 3.000 USD lên thành 5.000 USD/container, thậm chí tăng lên thành 7.000 USD/container, tùy tuyến” - ông Quang Anh nói.

Chóng mặt với cước tàu biển, ông Phan Minh Thông – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phúc Sinh chia sẻ, cuối tháng 5, đầu tháng 6 cước tàu biển tăng liên tục. Cụ thể, đến đầu tháng 6 cước tàu biển tăng gần 3 lần so với tháng 3. Trong đó, cước hàng hóa vận tải biển từ TPHCM đi Mỹ tăng mạnh, container 40 feet từ 2.950 USD nay tăng lên tới 7.950 USD.

Theo giới chuyên gia, chỉ số cước vận tải container của Drewvy vọt lên 12%, tương đương 4,716 USD cho container 40 feet. Nghĩa là tăng 181% so với cùng kỳ và cao hơn 232% so với mức trung bình năm 2019. Theo dự báo của giới chuyên gia, có thể thị trường vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển đi các nước sẽ tiếp tục biến động mạnh. Không chỉ tăng giá cước tàu biển, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu còn đối mặt với tình trạng thiếu hụt container. “Hiện nay không phải cứ muốn đặt tàu là hàng xuất được. DN vẫn đang phải xếp hàng chờ, có thể phải chờ từ 1- 2 tuần mới xuất hàng đi được do thiếu container rỗng” - ông Quang Anh quan ngại.

Nêu nguyên nhân khiến cước phí tàu biển tăng giá, ông Phạm Thái Bình – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Công nghệ Trung An lý giải, DN đang tranh thủ nhập hàng tích trữ những dịp lễ cuối năm nên khan hiếm container rỗng và tăng giá cước vận chuyển. Ngoài ra, còn một nguyên nhân, có thể do Mỹ áp thuế mạnh lên nhiều mặt hàng của Trung Quốc từ tháng 8 tới, vì vậy DN Trung Quốc tranh thủ xuất hàng sang Mỹ sớm hơn. Đây chính là lý do DN sẵn sàng trả giá cước tàu cao gấp 3 lần để giữ chỗ, dẫn đến tình trạng container rỗng “đổ bộ” về Trung Quốc.

“Bàn cách chống chọi” với cước tàu biển

Liên quan đến vấn đề cước tàu biển tăng giá mạnh, bà Trần Thị Trúc Lan – Giám đốc Chương trình Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Đại học Hoa Sen khẳng định: “Năm 2023 các hãng tàu lỗ quá nên giờ họ đồng loạt tăng giá để yêu cầu ký giá mới cao hơn. Tuy nhiên, mức “làm giá” như 2 tháng nay (đầu tháng 4 đến tháng 6) là cao. Sau vài tháng sẽ cân bằng cung cầu”. Cước tàu biển tăng cao, DN bị giảm lợi nhuận kinh doanh rõ rệt.

Nhằm hạn chế khó khăn cho DN trước biến động giá cước tàu biển, bà Lan khuyến cáo, DN nên ký hợp đồng giá cước dài hạn (cả năm) để không bị ảnh hưởng khi thị trường biến động.

Theo các chuyên gia, DN cần chủ động phương án đàm phán với các đối tác để giãn thời gian giao/nhận hàng hóa. Song song đó, cần tính đến chuyện mua bảo hiểm để tránh rủi ro khi chậm trễ trong giao/nhận hàng hóa. Nhằm giảm áp lực cước tàu biển cho DN, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) từng khuyến nghị, phân luồng hàng hóa và chọn tuyến đường thay thế, đa dạng nguồn cung ứng hàng hóa...

Trước tình trạng cước vận tải biển tăng mạnh, Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường giám sát giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển.

Theo đó, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các cảng vụ hàng hải phối hợp với các Chi cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan chức năng, hiệp hội, đơn vị có liên quan tăng cường giám sát các DN kinh doanh vận tải biển cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển thực hiện niêm yết giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển (giá và phụ thu ngoài giá) và việc tuân thủ hiệu lực của việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá theo quy định tại Nghị định số 146 ngày 2/11/2016 của Chính phủ quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, giá dịch vụ tại cảng biển.

Các cảng vụ hàng hải phối hợp với các Chi cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan chức năng, hiệp hội, đơn vị có liên quan theo dõi và báo cáo khi có tình hình tắc nghẽn tại các cảng biển; theo dõi và báo cáo khi có bất thường về mất cân bằng vỏ container phục vụ hàng xuất nhập khẩu.

Đối với Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TPHCM và Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TP Hải Phòng, Cục Hàng hải Việt Nam giao Chi cục Hàng hải Việt Nam tại TPHCM chủ trì, phối hợp với Chi cục Hàng hải Việt Nam tại Hải Phòng, các Cảng vụ Hàng hải tại TPHCM, Vũng Tàu và Hải Phòng theo dõi số liệu thống kê về việc tăng, giảm giá, phụ thu ngoài giá đối với một số hãng tàu có cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container đi châu Âu và Mỹ. Đồng thời, chủ động làm việc với đại diện các hãng tàu trên tại Việt Nam và các đơn vị có liên quan để nắm bắt nguyên nhân tăng, giảm giá dịch vụ khi có dấu hiệu tăng, giảm mạnh và các vấn đề liên quan khác đến hãng tàu.

Các Chi cục Hàng hải Việt Nam chủ động tiếp thu ý kiến của các Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, các hiệp hội ngành hàng, các DN xuất nhập khẩu hàng hóa về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện quy định niêm yết giá và phụ thu ngoài giá của các DN kinh doanh vận tải biển, phối hợp với cơ quan chức năng để xác minh làm rõ vụ việc, báo cáo về Cục Hàng hải Việt Nam. Theo đó, đề xuất giải pháp và gửi báo cáo định kỳ hàng tháng (trước ngày 5 hàng tháng) hoặc đột xuất về Cục Hàng hải Việt Nam.

Về phía DN kinh doanh vận tải biển nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật hiện hành về niêm yết giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển; phối hợp chặt chẽ cung cấp thông tin tới cơ quan chức năng khi có yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chóng mặt với cước tàu biển