Khi giá vàng liên tục xuống, nhiều người cho rằng thời cơ mua vào đã tới. Người ta cho rằng đây là lúc thích hợp nhất để gom vàng, rồi bán ra khi được giá. Họ coi đó là một kênh đầu tư, đầu cơ và là tài sản cần nắm giữ. Tuy nhiên, cuộc đua với giá vàng liệu có an toàn?
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thì với nhiều gia đình người Việt Nam, trước kia vàng được sử dụng với tư cách là phương tiện tích trữ, không phải là để đầu tư hay đầu cơ. Tuy nhiên, tới nay vàng đã trở thành một phương tiện để đầu tư. Khi giá vàng giảm sâu, xuất hiện hai khuynh hướng. Một là chờ giảm tiếp trong tâm trạng băn khoăn. Hai là mua vào để “chờ thời” lướt sóng.
Trong phiên giao dịch chiều cuối tuần, giá vàng châu Á lại giảm tiếp hơn 1%, xuống mức thấp nhất kể từ ngày 24/3/2010. Cụ thể, trên thị trường châu Á, giá vàng giao ngay giảm 1,2% xuống 1.077 USD/ounce, mức thấp nhất trong 5 năm rưỡi. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn giao tháng 8 hạ 0,9%, xuống 1.083,9 USD/ounce, sau khi có thời điểm giảm còn 1.072,30 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Như vậy, giá vàng thế giới ít ra là trong vòng hơn một tháng nữa chưa thấy dấu hiệu đi lên. Tuy nhiên, “sóng gió” trên thị trường vàng được cho là dữ dội nhất, nên cũng không thể đám định một cách chắc chắn.
Trong tuần qua, từ thứ 2 đến thứ 7, vàng đã mất hơn 4% giá trị, mức giảm sâu nhất theo tuần kể từ tháng 10 năm ngoái. Thông tin Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất vào tháng 9 tới, lại càng gia tăng áp lực lên giá vàng thế giới. Còn theo Ngân hàng đầu tư Macquarie, dự báo giá vàng sẽ giao dịch ở mức 1.152 USD/ounce trong năm 2015, so với 1.249 USD/ounce ước tính trước đó, đồng thời giá vàng sẽ giảm thêm 7-15% từ nay đến năm 2019. Chưa kể, Ngân hàng Morgan Stanley cho rằng, giá vàng có thể rơi xuống mốc 800USD/ounce, do thời kỳ bình ổn giá chuẩn bị chấm dứt.
Người Việt Nam được coi là những “thợ săn” vàng nổi tiếng thế giới. Tổng hợp của trang Google Zeigeist (Zaigai), năm 2014, “giá vàng” là 1 trong 5 từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng Internet ở Việt Nam. Nhiều người vẫn coi vàng là tài sản cần nắm giữ, bên cạnh việc tìm kiếm cơ hội đầu cơ. Tuy nhiên, không ít người đã sốc khi giá vàng liên tục sụt giảm. Thật khó có thể hình dung, chỉ trong ngày 16-7, vàng đổi giá tới 36 lần! Chỉ so với 1 ngày trước đó, 1 lượng vàng đã mất 1 triệu đồng. Nếu so với khi vàng đạt mức giả kỷ lục là 48 triệu đồng/ lượng (năm 2011), thì nay đã giảm tới hơn 10 triệu đồng/ lượng.
Tuy thế, theo ông Vũ Đình Ánh, thì xét về mặt tích trữ trong dài hạn, vàng vẫn có vai trò nhất định. Nhưng trong ngắn hạn, vàng không còn hấp dẫn- xét về phương diện đầu tư, đầu cơ.
Diễn biến giá vàng giao ngay trong vòng 1 năm. (Nguồn: Bloomberg).
Nhìn nhận một cách khách quan, giới chuyên gia cho rằng với hàng loạt biện pháp quyết liệt triển khai từ cuối năm 2011, tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn. Điều đó thể hiện rõ ở chỗ mặc dù thị trường vàng thế giới biến động đi xuống nhưng thị trường vàng trong nước vẫn ổn định, người dân không đổ xô đi mua - bán vàng như những lần biến động trước kia. Đặc biệt, biến động của giá vàng đã không ảnh hưởng đến tỷ giá, thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô.
Việt Nam là quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ 4 tại châu Á sau Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan. Hiện ước tính số vàng “nằm trong tủ” của người dân cả nước khoảng từ 300-500 tấn. Vàng được coi là “hầm trú ẩn” an toàn, phòng khi tỷ lệ lạm phát gia tăng. Nhưng, tới nay, đồng nội tệ giữ giá, lạm phát không tăng mà lại giảm, nên việc “găm” vàng được cho là không phải giải pháp hay.
Từ sự sụt giả và diễn biến phức tạp của giá vàng thời gian qua, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng đầu tư vào vàng lúc này là nguy hiểm. Giá vàng trên thế giới đã giảm từ 2 năm nay và có thể còn tiếp tục giảm. Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đã thoái vốn đầu tư từ vàng. Với trong nước, những kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán, gửi tiền vào ngân hàng..., hấp dẫn hơn “găm” vàng.
Theo ông Hiếu, thời điểm này không nên mua vào khi mà giá vàng trên thế giới lẫn trong nước cùng lao dốc. “Mua vàng lúc này có thể mua hớ”- ông Hiếu nói. Còn ở chiều bán ra? Ông Hiếu cho rằng nếu người dùng tiền tiết kiệm để mua vàng thì chưa nên vội vàng bán vì giá vàng có thể phục hồi, do không thể cứ lao dốc mãi. Nếu bán ra thì sẽ bị thiệt hại. Còn với người dùng tiền sinh hoạt để mua vàng (tiền có từ lương, thu nhập, kinh doanh…) thì nên bán để cắt lỗ.