Chúng ta thường “đổ lỗi” cho những cơn mưa lịch sử đã biến Thủ đô Hà Nội thành “phố cũng như sông”. Tuy nhiên, PGS.TS Hồ Long Phi - nguyên Viện trưởng Viện Nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TPHCM) và TS.KTS Trương Ngọc Lân - Phó Trưởng khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường Đại học Xây dựng) đã chỉ ra nhiều nguyên nhân gây ngập úng ở đô thị nói chung và ở Hà Nội nói riêng trong chương trình Midnigt Talks số 43, tối 11/6 vừa qua với chủ đề: Thành phố mút thấm.
Quá trình đô thị hóa đã dẫn đến tình trạng xóa mặt phủ thấm nước với tỷ lệ đáng kể. Mưa xuống không có chỗ thấm làm nước trào lên mặt đất nhanh, gây hiện tượng ngập lụt. Theo TS.KTS Trương Ngọc Lân, quá trình bê tông hoá diễn ra quá nhanh, bề mặt đất đai bị che phủ, san lấp hồ tuy không còn diễn ra ở quy mô lớn nhưng vẫn còn tình trạng lấn chiếm, thiếu công cụ điều hòa. Khi bị bê tông hoá, nước không ngấm được nữa, dẫn đến khi mưa lớn, lượng nước đó lại đổ vào trong hệ thống thoát nước nên sẽ bị quá tải.
Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước của Hà Nội hiện chủ yếu vẫn là hệ thống thoát nước chung (bao gồm cả nước mưa lẫn nước thải) được dẫn ra ngoại thành nhờ hệ thống tưới tiêu nông nghiệp. Do đó, theo PGS.TS Hồ Long Phi việc tận dụng các ao, hồ, kênh, rạch trong nội thành để thoát nước sẽ bị hạn chế do lo sợ việc gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra tình trạng các dự án thoát nước chậm tiến độ, nhiều công trình cản trở dòng chảy, bất cập trong đầu tư và quy hoạch mạng lưới thoát nước đô thị... cũng là những nguyên nhân gây nên tình trạng ngập úng ở Thủ đô.
Theo ông Phi, để giảm thiểu tình trạng ngập lụt, có một hệ giải pháp song song bao gồm các giải pháp công trình (cống, trạm bơm, đê, san nền, hồ điều tiết, công trình xanh…) hướng đến giảm độ sâu và tần suất ngập; các giải pháp quy hoạch hướng đến giảm thiểu đối tượng bị ngập và các giải pháp xã hội hướng đến gia tăng khả năng chống chịu khi xảy ra ngập.
Nêu lên giải pháp cụ thể, TS.KTS Trương Ngọc Lân cho rằng, Hà Nội nên tập trung vào xây dựng hệ thống giải pháp chống ngập lụt một cách đồng bộ như: Nâng cấp cống thoát nước, xây mới, nâng cấp trạm bơm. Nạo vét ao hồ, kênh, rạch, tăng sức chứa và công suất thoát nước của các hồ nội thành như hồ Thiền Quang, hồ Bảy Mẫu, hồ Thủ Lệ, hồ Hoàn Kiếm… trở thành nơi chứa nước tạm thời trong tình thế cấp bách. Đặc biệt, ông Lân nhấn mạnh đến mô hình thành phố bọt biển. Theo vị chuyên gia, đó là một thành phố có khả năng phục hồi trước những thay đổi môi trường và thiên tai. Là một dạng phát triển đô thị hạ tầng hiện đại được ứng dụng ở nhiều nước tiên tiến như Nhật Bản, Hà Lan, Malaysia... Với quan điểm nước mưa ko chỉ là tác nhân gây ngập mà còn là một tài nguyên nên thành phố bọt biển hướng tới mục tiêu kiểm soát ngập do mưa, quản lý nước mưa như một nguồn tài nguyên; không xả toàn bộ nước mưa gây quá tải hệ thống thoát nước; lưu trữ nước, tái sử dụng nước mưa cho các mục đích khác; để nước mưa thấm tự nhiên vào mạch nước ngầm. Tất nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, cần bảo tồn các yếu tố tự nhiên như ao hồ, kênh rạch, sông ngòi, các vùng đất không ngập thường xuyên ven hồ để lưu trữ nước, thấm nước, phục vụ điều tiết nước; xây dựng các hệ thống lưu trữ nước mưa. Các bề mặt đều sử dụng vật liệu có thể thấm được; Xây dựng các khu vực hấp thụ nước mưa; Xây dựng hệ thống lưu trữ và xử lý nước mưa...
Theo ông Lân, ưu điểm của giải pháp này là có thể thực hiện từng phần nếu chưa đủ kinh phí, thực hiện đến đâu hiệu quả đến đó, đồng thời kết hợp được với nhiều biện pháp chống ngập khác; cung cấp thêm không gian xanh, không gian công cộng cho thành phố.