Các cơ quan có chức năng cần thuyết phục các công ty sử dụng lao động hỗ trợ thêm tiền ăn cho công nhân theo một mức nào đó để bếp ăn có thể mua nguyên liệu sạch. Ăn đủ chất, ăn sạch là điều kiện để tăng năng suất lao động.
Tại khu vực phía Nam mới xảy ra vụ ngộ độc tập thể khiến gần 300 công nhân khu công nghiệp Long Hậu (tỉnh Long An) phải đi cấp cứu. Sau bữa cơm chiều để chuẩn bị vào ca thì đến tối và sáng hôm sau, hàng loạt công nhân đau bụng, nôn ói, quay cuồng. Số công nhân ngộ độc vào viện cấp cứu nhiều đến nỗi bệnh viện tuyến huyện không lo xuể, ngành y tế TP HCM phải khẩn cấp điều động nguồn lực từ nhiều bệnh viện tuyến trên về tham gia công tác cứu người.
Số liệu của Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về an toàn vệ sinh thực phẩm cho thấy hơn 10 năm qua, cả nước xảy ra 2.683 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 78.051 người phải nhập viện, trong đó 688 ca tử vong. Ghi nhận trong số 3.600 người cả nước bị ngộ độc thực phẩm trong thời gian gần đây thì 68% có nguyên nhân từ bếp ăn tập thể. Như vậy, rõ ràng ngộ độc thực phẩm trong cộng đồng với lượng nạn nhân lớn hiện rất đáng quan ngại, đặc biệt là tình hình ngộ độc tập thể tại các khu công nghiệp, bếp ăn tập thể. Vì sao?
Tại một số khu công nghiệp, giá trị bữa ăn của công nhân chỉ từ 7.000 đến 12.000 đồng/suất ăn. Trong tình hình vật giá hiện nay, số tiền này thật nhỏ nhoi và có thể thấy ngay những thực phẩm tươi sống dùng chế biến bữa ăn cho người công nhân là rất đáng lo ngại về an toàn vệ sinh, đa phần là hàng trôi nổi, nguyên nhân chính của ngộ độc.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), lương thực, thực phẩm chính là nguyên nhân gây ra khoảng 50% trường hợp tử vong trên toàn thế giới hiện nay. Hiện có tới 400 bệnh lây qua đường thực phẩm không an toàn, chủ yếu là dịch tả, tiêu chảy, thương hàn, cúm. WHO còn cảnh báo trong 20 năm nữa, các ca ung thư trên toàn thế giới sẽ tăng 57%, từ 14 triệu lên 22 triệu trường hợp. Trong đó, Việt Nam được dự đoán là đất nước có số ca ung thư tăng nhanh nhất thế giới mà nguyên nhân chính là các loại hóa chất độc hại dùng để tẩm ướp tồn dư trong thực phẩm.
Để giải quyết vấn nạn này, thiết nghĩ các cơ quan có chức năng cần thuyết phục các công ty sử dụng lao động hỗ trợ thêm tiền ăn cho công nhân theo một mức nào đó để bếp ăn có thể mua nguyên liệu sạch. Ăn đủ chất, ăn sạch là điều kiện để tăng năng suất lao động. Tiền hỗ trợ thật ra là tránh cho các doanh nghiệp vướng vào cám cảnh hàng trăm công nhân ngộ độc phải nghỉ ngày công lao động!
Sau tiền chi cho bữa ăn, một vấn đề khác cần đặt ra là kiểm soát hoạt động của các cơ sở cung cấp bữa ăn tập thể phải bảo đảm chất lượng. Tại TP HCM, hiện có gần 3.000 bếp ăn tập thể ở khu công nghiệp, khu chế xuất, ngoài ra có 1.000 bếp ăn tập thể tại trường học, từ đó có hàng trăm cơ sở nấu và cung cấp bữa ăn cho gần nửa triệu người. Từng ấy cơ sở không phải không có những cơ sở tắc trách, chạy theo tối đa hóa lợi nhuận mà coi nhẹ chất lượng nguyên liệu đầu vào hoặc không đảm bảo vệ sinh trong quy trình nấu ăn, di chuyển thức ăn từ cơ sở đến nhà máy, trường học.
Vậy, trên thực tế, cơ quan chức năng và công đoàn nhà máy đã có những kiểm tra cơ sở bên cung cấp, kiểm nghiệm thực phẩm trước khi trao cho công nhân nào chưa? Nên chăng có quy định các cơ sở cung cấp bữa ăn phải đưa mẫu sản phẩm đi xét nghiệm trước khi mang tới cho bữa ăn tập thể?
Thêm việc tất nhiên thêm phiền phức nhưng “cẩn tắc vô ưu”, nhất là vấn đề hệ trọng là bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ sức khỏe của hàng trăm ngàn người lao động, đó là thực hiện các giải pháp kiểm soát có hiệu quả về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.